Cánh Đồng Mẫu Giúp Tăng Năng Suất, Chất Lượng, Hiệu Quả Sản Phẩm
Liên kết trong sản xuất giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp (DN) và Ngân hàng là một trong những mô hình được thực hiện khá hiệu quả ở Bến Tre trong hơn 3 năm qua, trong đó, vai trò của DN là rất quan trọng. Cánh đồng mẫu của Chi cục Bảo vệ thực vật là một điển hình.
Tổ chức xây dựng các mô hình
Từ năm 2010 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật đã thực hiện 4 mô hình ”Cánh đồng mẫu”. Mô hình 1 đã thực hiện ở xã Tân Xuân (Ba Tri - Bến Tre) vào vụ Đông - Xuân 2010 - 2011, với 47ha, gồm 49 hộ. Vụ Đông - Xuân 2011 - 2012, Mô hình mở rộng diện tích lên 74ha, gồm 96 hộ. Vụ Hè - Thu 2012, mở rộng lên 82ha, gồm 101 hộ. Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang tham gia đầu vào, đầu ra là Công ty Lương thực Bến Tre. Mô hình 3 thực hiện ở xã Mỹ Nhơn (Ba Tri) vào vụ Đông - Xuân 2012 - 2013, với diện tích 300ha.
DN tham gia đầu vào là Công ty TNHH Bayer Việt Nam và Công ty phân bón Ba Con Cò, DN tham gia đầu ra là Công ty Lương thực Bến Tre. Mô hình 4 thực hiện trên cây dừa ở xã Châu Bình (Giồng Trôm), với tên ”Mô hình liên kết, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm dừa”, diện tích 1.000ha. Mô hình đã thành lập Ban chỉ đạo và thông qua quy chế hoạt động. Đầu vào là Công ty TNHH Hiệp Thanh, đầu ra là Công ty Sơ chế dừa 25/8.
Các mô hình sản xuất lúa đã áp dụng đồng loạt những giải pháp tiến bộ kỹ thuật như: gieo sạ đồng loạt, tập trung né rầy theo lịch của trạm bảo vệ thực vật (BVTV) địa phương, áp dụng biện pháp IPM trong phòng trừ dịch hại, ”3 giảm, 3 tăng”. Đối với cây dừa, Mô hình hướng dẫn nông dân về kỹ thuật chăm sóc, bón phân, quản lý dịch hại để tăng năng suất dừa. Chi cục BVTV phối hợp với UBND các huyện: Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành, Chợ Lách và Thạnh Phú cùng các Công ty thuốc BVTV (An Giang, Hóa nông Hợp Trí, Bayer Việt Nam, Nông dược H.A.I,...).
Công ty Lương thực Bến Tre và Công ty Mía đường Bến Tre xây dựng qui trình liên kết 4 nhà; thành lập Ban chỉ đạo điều hành sản xuất, gồm: Trưởng ban là Phó chủ tịch UBND huyện, Phó ban là Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), chủ tịch UBND xã nơi có mô hình, các ủy viên phối hợp... Phương thức hoạt động là phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Mô hình theo quy trình liên kết đã được thống nhất. Các công ty thuốc BVTV sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thuốc, phấn bón từ đầu đến cuối vụ.
Trạm BVTV huyện cử cán bộ trực tiếp xuống mô hình để hỗ trợ kỹ thuật. Công ty Lương thực Bến Tre bao tiêu và thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường từ 100 - 160 đồng/kg. UBND xã, ban nhân dân ấp, tổ trưởng tổ nhân dân tự quản có trách nhiệm chỉ đạo, vận động nông dân đăng ký tham gia Mô hình. Trạm BVTV tổ chức tập huấn kỹ thuật ngay từ đầu vụ về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc BVTV, phòng trừ sâu bệnh, ghi sổ nhật ký đồng ruộng…
Nông dân tham gia Mô hình được cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào đồng ruộng. Ngoài quyền lợi, nông dân cũng phải có nghĩa vụ thực hiện sản xuất đúng theo quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, cung ứng lúa cho Công ty Lương thực vào cuối vụ, thanh toán đầy đủ các khoản chi phí của DN đã ứng trước, như: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...
Hiệu quả của Mô hình
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, năng suất của các Mô hình cao hơn diện tích lúa ngoài Mô hình từ 300 - 400kg/ha. Về số lần phun thuốc, trong Mô hình ít hơn ngoài Mô hình từ 2 - 2,5 lần/vụ. Ngoài ra, Mô hình còn giảm giống, phân bón… Lợi nhuận trong Mô hình cao hơn ngoài Mô hình từ 3,6 - 4 triệu đồng/ha. Các tiêu chí cánh đồng mẫu đều đạt, tuy nhiên tiêu chí giống xác nhận chưa đạt do thị trường tiêu thụ yếu. Nông dân tham gia Mô hình đã thắt chặt được tình làng nghĩa xóm, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất. Trình độ canh tác của nông dân được nâng lên.
Công ty Lương thực Bến Tre nắm được sản lượng lúa thu hoạch lâu dài để xây dựng kế hoạch cho chiến lược kinh doanh; đồng thời có cơ sở triển khai xây dựng thêm mô hình này ở các địa phương khác. Thực hiện tốt mô hình này sẽ hạn chế dịch bệnh, nông dân được mùa, sản lượng cao, giá bán cao hơn thị trường, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ khó khăn. Địa phương bảo vệ được môi trường do nông dân có ý thức tốt trong việc thu gom vỏ chai thuốc BVTV vào hố tiêu hủy.
Ý nghĩa của việc thực hiện Mô hình
Áp dụng mô hình mẫu này giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt là giảm thuốc BVTV và phân bón, tăng thêm thu nhập. Khi mô hình này nhân rộng sẽ hình thành nên vùng nguyên liệu thống nhất trên một cánh đồng, ổn định cho việc tiêu thụ nội địa và xuất khẩu lâu dài, tạo mối liên kết 4 nhà ngày càng chặt chẽ.
Tuy nhiên, do việc triển khai còn quá mới, người dân vẫn còn tư tưởng chủ quan trông chờ cán bộ kỹ thuật giúp theo dõi mô hình, chưa thay đổi thông qua canh tác, chưa áp dụng triệt để việc cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. Trong phương hướng tới, các Mô hình cần được nhân rộng ra các ấp lân cận. Chính quyền địa phương cần củng cố Tổ hợp tác nông dân khi thực hiện xong mô hình. Mô hình cần kêu gọi nhiều DN tham gia; gắn với Công ty Lương thực để tiêu thụ lúa sau thu hoạch.
Công ty Lương thực tiếp tục ký hợp đồng bao tiêu lúa cho nông dân, đặc biệt nên có giá sàn đầu vụ để nông dân yên tâm sản xuất. Nông dân cần tiếp tục áp dụng giảm giống, sạ thưa, sạ hàng để tăng phẩm chất gạo, kiểm soát được dịch bệnh; gieo sạ đồng loạt, tập trung, né rầy, thay đổi cơ cấu giống, ưu tiên sử dụng giống xác nhận chất lượng cao.
Theo ông Huỳnh Thanh Hùng - Giám đốc Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ Hè - Thu 2013, tiếp tục thực hiện Mô hình Cánh đồng mẫu ở xã Phong Mỹ (Giồng Trôm), với diện tích 150ha; ở xã Châu Hưng (Bình Đại), với diện tích 90ha; ở xã Mỹ Hòa (Ba Tri), với diện tích 35ha; ở xã Phú Ngãi (Ba Tri), với diện tích 30ha. Thực hiện Mô hình Cánh đồng mẫu trên dừa ở xã Hữu Định (Châu Thành) với diện tích 600ha; trên chôm chôm ở xã Sơn Định, Vĩnh Bình và Phú Phụng (Chợ Lách), với diện tích 400ha, trên bưởi da xanh 200ha ở huyện Giồng Trôm; trên cây mía 300ha ở xã Bình Thạnh (Thạnh Phú) và 100ha ở xã Phú Long (Bình Đại).
Có thể bạn quan tâm
Mô hình thanh long ruột đỏ ở xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì. Images: Hoàng Quyết
Ngày 4.5, Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết, bọ dừa đã xuất hiện và gây hại gần 1.800ha dừa ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An với tỷ lệ hại 55-60%, có nơi gây hại đến 85%.
Sáng qua (22.6), đoàn công tác liên ngành của TP. Hà Nội đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) tại xã Tây Tựu (xã điểm của huyện Từ Liêm).
Người Cà Mau không còn xa lạ với nghề ương cua bột. Tuy nhiên, để ương cua bột thành công và đạt hiệu quả như một số hộ dân ở ấp Cái Trăng, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn thì không phải ai cũng có thể làm được.
Những ngày gần đây, giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm rất mạnh. Chiều 20-6, giá cá tra ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… chỉ còn 19.000 - 20.000 đồng/kg, đây là mức giá rất thấp trong nhiều năm qua, khiến người nuôi chịu lỗ 4.000 - 5.000 đồng/kg