Nông Dân Bán Tôm Chạy Dịch
Thu hoạch tôm chạy dịch
Từ đầu tháng 5 đến nay, dịch bệnh trên tôm ở ĐBSCL tiếp tục diễn biến phức tạp, không ít hộ nuôi đã thu hoạch chạy dịch (tức chưa tới tuổi thu hoạch nhưng do tôm chết nên thu hoạch), cắt lỗ.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ấp Lồ Ồ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh - một người chuyên vận chuyển tôm thuê của nông dân đi tiêu thụ, cho biết thời gian gần đây, tại 2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải, Trà Vinh có rất nhiều hộ nông dân đã thu hoạch tôm chạy dịch.
“Thu hoạch sớm còn hơn để mất trắng”, ông Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Văn Đời, hộ nuôi tôm ở xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh, ao tôm 0,5 héc ta của ông thả được 2 tháng bỗng xuất hiện hiện tượng tôm chết rải rác, do đó, ông đã thu hoạch để hạn chế lỗ.
Theo bà con nông dân, tôm thu hoạch sớm chỉ được tiêu thụ nội địa với giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kí lô gam, không thể phục vụ cho chế biến và xuất khẩu được do kích cỡ tôm nhỏ (trọng lượng khoảng 100 – 150 con/kí lô gam).
Thống kê sơ bộ của Chi cục thủy sản Trà Vinh, cho biết trong tổng số 2.000 tấn tôm nguyên liệu được thu hoạch trong những tháng đầu năm 2013, có khoảng 60% sản lượng thu hoạch sớm do lo ngại dịch bệnh.
Tại Tiền Giang, tình hình tương tự cũng xảy ra, ông Mai Thành Lộc, Giám đốc Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh, cho biết từ đầu vụ nuôi đến nay, tôm cũng bị thiệt hại liên tục, chết ở giai đoạn 30 - 40 ngày sau khi thả. “Bà con buộc phải thu hoạch sớm để cắt lỗ khi xảy ra dịch bệnh”, ông cho biết.
Vẫn chưa có hướng khắc phục
Đầu tháng 5-2013, các nhà khoa học của trường đại Arizona (Mỹ) công bố thông tin đã xác định được nguyên nhân gây hội chứng chết sớm ở tôm (EMS) hay còn gọi là hội chứng hoại tử gan tụy cấp (AHPNS).
Cụ thể, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Donald Lightner thuộc đại học Arizona (Mỹ), cho biết tác nhân gây ra hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi ở ĐBSCL trong những năm qua là do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus.
Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG Online, lãnh đạo một số địa phương cho biết vẫn chưa có biện pháp chữa trị hữu hiệu và hiện tượng tôm chết vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương có nuôi tôm ở ĐBSCL.
Theo Chi cục thủy sản Sóc Trăng, hiện chi cục vẫn tiến hành kiểm tra vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus thường xuyên trên tôm nuôi của bà con nông dân để phát hiện bệnh, tuy nhiên, hiện tượng tôm chết vẫn diễn biến phức tạp, chưa có cách chữa trị hiệu quả.
“Dù đã xác định được nguyên nhân nhưng đến nay chưa có hướng khắc phục, thực tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chưa đưa ra giải pháp chữa trị nào cả”, ông Lộc của Chi cục thủy sản Tiền Giang cho biết.
Đến thời điểm này, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng chỉ đưa ra khuyến cáo các cơ sở nuôi tôm nên sử dụng giống có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận kiểm dịch chất lượng của cơ quan thú y. Bên cạnh đó, phải đảm bảo điều kiện môi trường nuôi tốt nhằm tăng sức đề kháng cho tôm, đặc biệt, trong giai đoạn thả nuôi dưới 1 tháng tuổi.
Có thể bạn quan tâm
Lâu nay, nhiều người lầm tưởng thuế chống bán phá giá là rào cản chính ngăn cản con đường tôm Việt tiến tới thị trường Mỹ. Thực tế không phải vậy.
Nhật Bản sẽ sớm thúc đẩy việc mở cửa thị trường cho xoài tươi và thanh long ruột đỏ của Việt Nam.
Giá bình quân nhập khẩu trước thuế là 0,91 USD/kg, tương đương 19.600 đồng/kg. Tuy nhiên, giá bán mà các đơn vị nhập khẩu và phân phối cho khách hàng nội địa ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg.
Trái mây tươi số lượng bao nhiêu cũng được mua hết với giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg đã thu hút ngày một đông người dân ở các huyện miền núi Ba Tơ, Tây Trà (Quảng Ngãi)... vào rừng lùng tìm và đốn hạ cây mây để hái trái về bán cho thương lái.
Vụ việc diễn ra ở H.Hướng Hóa (Quảng Trị), với cách mà thương lái Trung Quốc hướng dẫn người dân địa phương bắt giun để bán lại là đổ hóa chất, kích điện...