Ngư Dân Vui Đón Lộc Biển
Những ngày đầu năm 2015, khí trời ấm áp sau những ngày giá buốt, trên biển có rất nhiều đàn cá, tôm, mực, ghẹ xuất hiện. Đó là tín hiệu vui cho ngư dân ven biển. Cùng vì vậy, sau những ngày ra khơi, các tàu cá trở về đầy ắp tôm cá, báo hiệu một mùa đánh bắt bội thu...
Từ mờ sáng 1/1, cha con ông Hoàng Ngọc The ở phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đặt đồ lễ lên con tàu của gia đình, làm lễ cầu ngư rồi nhổ neo ra khơi đánh vây. Ngày đầu năm, tàu của ông chỉ đánh ghẹ ở vùng lộng, đến chiều, khi Cảng cá Cửa Hội tấp nập thương lái đến thu mua cũng là lúc tàu của ông The trở về.
Lá cờ Tổ quốc tung bay phất phới trong nắng nhẹ của ngày đầu năm cùng giọng cười giòn tan của người đàn ông đã gần tuổi lục tuần khiến những người thân của ông đang đứng đợi trên cảng cá cảm thấy ấm lòng. Tàu vừa cập cảng, ông The nhảy xuống cầu, bắt tay người thân rồi thông báo mẻ này trúng lớn vì gặp luồng ghẹ.
Người nhà của ông lên tàu, dỡ ghẹ từ trong thùng chứa để nhập cho tiểu thương. Chừng 1 tiếng sau, hơn 4 tạ ghẹ của ông được thương lái phân loại và thu mua, tổng giá trị của chuyến đi biển được gần 20 triệu đồng, trừ chi phí dầu đèn, 3 công nhân trên tàu được trả 3 triệu đồng/người, chủ tàu được hơn 6 triệu đồng. “Tàu mình nhỏ, đi về trong ngày như vậy là đảm bảo thu nhập.
Chuyến biển đầu năm, lấy may là chính, không ngờ vẫn cho thu nhập cao. Nếu ngày nào cũng đạt mức như hôm nay thì khỏi bàn nữa. Hy vọng là đầu xuôi, đuôi lọt”, vừa tâm sự, ông The vừa thúc cậu con trai và bạn tàu thu lưới cước để chuẩn bị cho chuyến giã nghêu buổi tối.
Từ hơn 1 năm nay, thực hiện chủ trương đa dạng nghề đi biển, những tàu giã cỡ nhỏ ở Nghi Tân du nhập thêm nghề giã nghêu ở vùng cửa biển Cửa Hội. Dù là nghề phụ nhưng đôi khi lại là nguồn thu nhập chính, bởi mỗi chuyến giã khoảng 2 - 3 tiếng nhưng mỗi tàu cũng thu được 3 - 5 triệu đồng tiền bán nghêu.
Nếu như những tàu cá cỡ nhỏ đi đánh vây gần bờ của ngư dân Cửa Hội ra quân và thắng lợi lớn trong những ngày đầu năm 2015 nhờ biết cải hoán ngư cụ, năng động, đa dạng ngành nghề đánh bắt thì những tàu lớn đánh bắt ở vùng khơi cũng thắng lợi lớn trong những ngày đầu năm mới.
Ông Trần Thanh Hướng - chủ tàu cá NA0134TS tâm sự: “Năm 2014, trời yên, bể lặng, không có cơn bão lớn nào làm gián đoạn việc đánh bắt khiến cho bà con rất phấn khởi. Nhiều gia đình mạnh dạn đăng ký vay vốn để đóng tàu to vươn khơi. Trong vụ cá nam vừa qua, các tổ đội sản xuất của phường Nghi Hải đánh được hơn 1.100 tấn cá, tăng gần 40% so với năm trước. Những ngày đầu năm 2015, tranh thủ lúc nắng ấm, biển lặng, cá nhiều, hầu hết các chủ tàu trong vùng đều không nghỉ Tết dương lịch mà nhanh chóng ra khơi tìm luồng cá. Tất cả các đội tàu đều trúng đậm, có những chủ tàu “trúng” hơn 300 triệu đồng sau 2 đêm đi biển…”.
Ở huyện Quỳnh Lưu, nhiều ngư dân cũng đón Tết dương lịch trên biển và nối đuôi nhau trở về bờ với những con tàu đầy khoang. Ông Hồ Hoàng Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Tiến Thủy cho biết, quan niệm chung của ngư dân là chỉ nghỉ Tết âm lịch nên hầu hết các tàu cá của xã không nghỉ Tết dương. Những ngày đầu năm 2015, các tàu cá đều trở về để nghỉ dịp trăng sáng ngày rằm. Tàu nào cũng đầy cá, mực.
Xã Tiến Thủy có đội tàu lớn nhất huyện Quỳnh Lưu với 329 chiếc, chủ yếu đánh vây ngoài vùng khơi. Năm 2014, dù sản lượng không đạt cao như kỳ vọng nhưng giá xăng dầu giảm nên ngư dân vẫn rất phấn khởi vì có lãi. Để khuyến khích ngư dân thi đua sản xuất, trong dịp cuối năm 2014, xã Tiến Thủy đã tổ chức tuyên dương 13 cá nhân và 7 tập thể là các chủ tàu và các tổ, đội liên kết có thành tích xuất sắc trong đánh bắt thủy, hải sản, bám ngư trường. “Những ngày đầu năm, không khí trở về của các chủ tàu đều vui vẻ, phấn khởi, nhiều tàu trúng đậm cả trăm triệu đồng khiến bà con ngư dân rất hào hứng về một mùa biển mới bội thu”, ông Nghiệp tâm sự. Ông Trần Quang Vệ, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu cho biết, không khí ra quân sản xuất đầu năm của bà con ngư dân cũng rất rộn ràng.
Thời tiết đẹp, ấm áp nên nhiều ngư dân tranh thủ ra khơi ngắn ngày trước khi bước vào nghỉ trăng. Từ ngày 1 – 3/1 vừa qua, các tàu cá của bà con các xóm Minh Thành, Cộng Hòa đều lần lượt trở về, tàu nào cũng đầy ắp. Nhiều ngư dân thu được hàng trăm triệu đồng sau 2 đêm đánh bắt trên biển.
Thời điểm này, ngư dân toàn tỉnh bắt đầu chuyển từ vụ cá nam sang cá bắc. Dịp cuối năm 2014, dù không có nhiều bão nhưng biển lại động mạnh, thời gian nằm bờ nhiều phần nào ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt của ngư dân. Tuy nhiên, giá xăng dầu giảm kéo theo các nhu yếu phẩm khác cũng giảm nhẹ khiến bà con ngư dân phấn khởi. Nghề đi biển luôn phải đánh cược với trời biển, ngư dân vùng biển vẫn luôn cho rằng những chuyến ra khơi đầu năm là đi nhận “lộc trời”.
Những ngày đầu năm mới, các tàu thuyền trở về đầy tôm, cá, báo hiệu một năm đánh bắt thuận lợi. Những tín hiệu vui đó, giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, bám ngư trường, làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần gìn giữ chủ quyền biển, đảo quê hương.
Có thể bạn quan tâm
Bên cạnh chôm chôm, măng cụt, dâu Hạ Châu… nhiều nhà vườn ở Cần Thơ và Hậu Giang hiện cũng đang bước vào mùa thu hoạch cóc với mức giá chấp nhận được.
Trong chuyến đi tham quan thực tế một số vườn xoài tại Đồng Tháp, đoàn doanh nghiệp Nhật Bản thỏa thuận sẽ hỗ trợ nông dân xây dựng hoàn thiện chuỗi giá trị ngành hàng xoài. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển và xây dựng ngành hàng xoài ở Đồng Tháp.
Thị trường nông sản đang nóng dần lên khi hàng loạt trái cây đang chín rộ. Điểm đáng mừng là sức tiêu thụ mạnh và giá ổn định hơn so với cùng kỳ, mặc dù giá đã có chiều hướng giảm.
Khoai môn là cây trồng truyền thống của người dân một số ấp thuộc xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, những năm gần đây, do điều kiện thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng, cây môn trở thành cây màu chủ lực của xã Đại An, tạo nguồn thu ổn định cho người dân. Tuy nhiên, do thiếu điện phục vụ tưới tiêu nên diện tích khoai môn của xã Đại An khó có thể tăng thêm trong thời gian tới.
Gia đình anh Lê Băn Bực ở ấp Long Phú, xã Hòa Long, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp chuyên làm nghề trồng nấm rơm. Mỗi năm sản xuất ít nhất 5 vụ nấm, nhưng từ tháng 10/2014 đến nay, anh đã tạm dừng công việc trồng nấm rơm để chuyển sang trồng dưa hấu với lý do nấm rơm thường bị mất mùa dẫn đến thua lỗ.