Xây Dựng Mô Hình HTX Trong Lĩnh Vực Khai Thác, Nuôi Trồng Thủy Hải Sản
Để bảo đảm hiệu quả sản xuất, nhiều địa phương ven biển của tỉnh Nam Định đã phát triển mô hình tổ hợp tác trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy hải sản. Đến nay, toàn tỉnh có trên 5.000 tổ hợp tác; trong đó, có 58 tổ hợp tác có đăng ký sản xuất kinh doanh.
Chúng tôi về Hải Chính là xã ven biển Hải Hậu có 3,2km bờ biển, môi trường, đất đai, khí hậu phù hợp cho việc nuôi trồng thủy sản. Những năm trước trên địa bàn xã đã có một số hộ nuôi tôm chân trắng với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên hiệu quả thấp. Để phát triển nuôi tôm chân trắng, chuyển từ nuôi quảng canh sang nuôi công nghiệp góp phần tăng năng suất và cho thu nhập cao, các hộ nuôi trồng thủy sản trong xã đã thành lập CLB nuôi trồng thủy sản để cùng nhau trao đổi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm, sản xuất.
Mô hình này cũng thuận lợi cho việc giao thương với các hãng kinh doanh, chế biến thức ăn cho con nuôi, đảm bảo hiệu quả cao hơn trong việc nuôi tôm. Nhờ trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi tôm nên trong 3 năm (2010-2012), các hộ nuôi tôm trong xã đã có thu nhập khá. Năm 2012, sản lượng tôm toàn xã đạt 235,1 tấn, trị giá 26,6 tỷ đồng, bình quân mỗi ha nuôi tôm trị giá gần 1 tỷ đồng/năm.
Nhiều hộ nuôi cho thu lãi lớn như hộ ông Phạm Văn Thứ, xóm Sơn Đông lãi 550 triệu đồng; ông Tịch xóm 5 thu lãi trên 500 triệu đồng… Ở xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng), đã thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản thu hút trên 40 hộ nuôi, với diện tích 110ha, trong đó con nuôi chủ yếu là cá lóc bông. Mỗi năm, các thành viên tổ hợp tác thu hoạch trên 200 tấn cá lóc bông, cung ứng cho thị trường trong tỉnh và Hà Nội. Tại xã Hải Đông (Hải Hậu), CLB nuôi trồng thủy sản xã thu hút trên 50 thành viên hoạt động theo phương thức “chung mua, chung bán”.
Các thành viên trong CLB hỗ trợ nhau tìm đầu mối tiêu thụ, kỹ thuật nuôi trồng, giống, thức ăn nên sản phẩm đầu ra luôn ổn định. Mô hình tổ, đội sản xuất này rất có hiệu quả, cần được nhân rộng ra các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh các tổ hợp tác được thành lập với mục đích trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, hỗ trợ tiêu thụ, nhiều CLB, hội được các hộ nuôi trồng thủy sản trong cùng một khu vực thành lập nhằm nâng cao tính cộng đồng, cùng chung tay góp sức nhằm thực hiện tốt công tác quản lý môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản như: Hội nuôi nhuyễn thể Giao Thủy, HTX nuôi trồng thủy sản Giao Phong (Giao Thủy), CLB nuôi trồng thủy sản xã Hải Châu (Hải Hậu),…
Ở các huyện ven biển đã thành lập được 35 tổ, đội hợp tác khai thác hải sản với 1.125 tàu cá, trong đó huyện Giao Thủy có 23 tổ, đội, huyện Hải Hậu 10 tổ, đội, huyện Nghĩa Hưng có 2 tổ, đội. Thông qua mô hình tổ đội hợp tác khai thác hải sản, ngư dân có điều kiện giúp đỡ nhau trong việc cứu hộ, cứu nạn trên biển, phát huy vai trò quản lý cộng đồng trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ nhau trong quá trình khai thác trên biển, tìm kiếm ngư trường, rút kinh nghiệm từ khâu đánh bắt đến khâu tiêu thụ, tránh chồng chéo ngư trường và tiêu thụ sản phẩm.
Cách làm này đã giúp giảm chi phí và bảo đảm chất lượng sản phẩm, chủ động cung cấp nguyên nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, yên tâm sản xuất, tăng cường sự hiện diện tàu thuyền của nước ta ở những vùng biển xa bờ, qua đó khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau khai thác, tăng hiệu quả kinh tế...
Nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên cần có sự hợp tác để nâng cao hiệu quả kinh tế. Vấn đề quan trọng là phải lựa chọn mô hình cung ứng vật tư, kỹ thuật để nuôi trồng, đánh bắt, chế biến và tiêu thụ thủy, hải sản phù hợp với hoạt động của các tổ hợp tác. Tuy nhiên, thời gian qua, các tổ hợp tác nuôi trồng và khai thác thủy sản ở tỉnh ta phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, quy mô còn nhỏ, không có tài sản tập thể để có thể thế chấp vay vốn. Do vậy, khó khăn cơ bản trong sản xuất là vốn đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ.
Nếu các tổ hợp tác này có thể phát triển thành HTX hoạt động theo Luật HTX sẽ mở ra những cơ hội tháo gỡ khó khăn hiện tại. Nhất là khi mới đây chủ trương tăng cường quan tâm phát triển kinh tế tập thể đã được cụ thể hóa bằng việc thành lập Ngân hàng HTX Việt Nam. Đồng chí Phan Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tích cực tham mưu, đề xuất với tỉnh và các cấp chính quyền địa phương đề ra những chính sách đổi mới nhằm củng cố, phát triển kinh tế tập thể trong ngành thủy sản của tỉnh.
Trước mắt, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các cấp, ngành chức năng tuyên truyền, vận động các tổ hợp tác tại một số địa phương như: Hiển Khánh (Vụ Bản), có 19 hộ nuôi thủy sản diện tích gần 100ha; Giao Long (Giao Thuỷ) có 60 tàu cá, công suất gần 1.000CV và gần 200 hộ nuôi thủy sản trên diện tích 300ha… thành lập HTX đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và xúc tiến các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ thành lập HTX trong lĩnh vực thủy sản để đón bắt kịp thời cơ hội phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Theo Trạm Thủy sản số 2 (thuộc Chi cục Thủy sản), hiện trên địa bàn huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) có 70 hộ ương nghêu giống với tổng diện tích ao ương khoảng 110 ngàn m2, tăng gần 30 ngàn m2 so với năm 2011. Trong đó, có 30 hộ với 45 ngàn m2 ương giống từ nguồn nghêu có nguồn gốc Cà Mau, diện tích còn lại khoảng 65 ngàn m2 các hộ chuẩn bị dùng để ương giống tự nhiên tại chỗ.
Như NNVN vừa phản ánh ngày 26/3, nhiều hộ dân trồng khoai mỡ ở Thạnh Hoá, Long An đang lâm cảnh vô cùng điêu đứng vì sau khi phun thuốc trừ cỏ hiệu Misaron 80WP (do Hoa Binh Agrochem Corp - trụ sở tại Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Hà Nội cung ứng) làm khoai cháy lá và chết rụi. Hiện, PV NNVN tiếp tục ghi nhận thêm nhiều trường hợp khác lâm cảnh tương tự do cơ quan chức năng cung cấp.
Dịch chổi rồng chưa có dấu hiệu giảm bớt trên các vườn nhãn thì trong thời gian qua hơn 250 ha sapôchê (hồng xiêm) ở các địa phương khu vực ven sông Tiền thuộc tỉnh Tiền Giang lại bị rệp phấn trắng gây hại nghiêm trọng
Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Minh Hải (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới trồng thí nghiệm ở Cà Mau ba loại cây, trong đó có cây chà là ăn trái rất có hiệu quả.
Theo báo cáo từ Chi cục kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, hiện nay toàn tỉnh còn gần 5.000 con cá sấu không có đầu ra, tình hình này khiến cho hàng trăm hộ nuôi cá sấu bị thiệt nặng về kinh tế. Trong khi đó cá sấu để lâu trong chuồng trại lâu chừng nào thiệt hại kinh tế lớn chừng ấy vì chi phí mua thức ăn cho cá sấu rất cao.