Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho ngư dân

Theo Tổng cục Thủy sản, đến nay, tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều xây dựng mô hình Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tuy các chuỗi liên kết này đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả mang lại chưa cao. Một số khó khăn, vướng mắc hiện nay là các tàu đóng mới bằng vỏ thép và vật liệu mới chỉ cải tiến bước đầu về hầm bảo quản, chưa đổi mới về công nghệ khai thác và bảo quản. Hoạt động thu thập số liệu nghề cá thương phẩm triển khai không liên tục làm thiếu thông tin có hệ thống về hoạt động khai thác, thu mua, chế biến cá ngừ.
Các nghiên cứu về nâng cao chất lượng cá ngừ bằng nghề câu tay, về tổ chức mô hình dịch vụ hậu cần chậm triển khai vào thực tiễn. Công nghệ dự báo ngư trường còn lạc hậu, không kịp thời, thiếu kiểm chứng làm ngư dân chưa tin tưởng và sử dụng kết quả dự báo trong khai thác. Chính sách tín dụng ngắn hạn theo Nghị định 67 chưa thật sự được quan tâm đúng mức nên nhiều ngư dân vẫn còn bị các đầu nậu, vựa thu mua cá chi phối… Tỉnh Bình Định, đã triển khai chuỗi liên kết giữa Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định với năm tàu khai thác cá ngừ đại dương.
Doanh nghiệp này trang bị cho ngư dân thiết bị khai thác, được đào tạo kỹ thuật đưa cá lên tàu, sơ chế, bảo quản và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường. Còn tỉnh Phú Yên đã thành lập chuỗi liên kết khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ của Công ty cổ phần Bá Hải. Công ty này liên kết và ký hợp đồng cùng tám tổ, đội sản xuất trên biển với 72 chủ tàu câu cá ngừ đại dương ở TP Tuy Hòa.
Tuy nhiên, ngư dân chưa vay được vốn lưu động cho chuyến biển và vay trang bị phương tiện khai thác cá ngừ theo Nghị định 67 nên vẫn lệ thuộc vào các chủ nậu, vựa thu mua, do đó ngư dân tham gia vào chuỗi liên kết nhưng phải bán cá cho các chủ nậu, vựa. Công ty cổ phần Bá Hải chưa có tàu dịch vụ hậu cần trên biển để mua cá và cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho ngư dân…
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao các địa phương trong việc triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Trong thời gian tới, các tỉnh cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với các mô hình chuỗi liên kết đã triển khai tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Các địa phương tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chuỗi liên kết khác tại tỉnh mình. Đối với chuỗi liên kết tại Phú Yên, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị UBND tỉnh làm việc lại với ngân hàng, doanh nghiệp và ngư dân để tháo gỡ vướng mắc về vay vốn lưu động cho chuyến biển và vay trang bị phương tiện khai thác cá ngừ theo Nghị định 67.
Tổng cục Thủy sản tham mưu Bộ NN-PTNT có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với vấn đề vay vốn lưu động ngắn hạn của ngư dân tham gia chuỗi liên kết tại Phú Yên; đồng thời phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp và ngư dân trong việc chuyển giao công nghệ mới về khai thác, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến cá ngừ; hoàn thiện phê duyệt trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa và các dự án cảng cá ngừ chuyên dụng tại Bình Định và Phú Yên…
Có thể bạn quan tâm

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 530 hộ nuôi cá tra thương phẩm, tăng 6 hộ so với cùng kỳ 2014. Trong đó, số hộ nuôi cá thể chiếm 57,74% số hộ nuôi của toàn tỉnh. Vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm trên 74% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 1.319 cơ sở sản xuất, kinh doanh ương giống cá tra đáp ứng yêu cầu nuôi thương phẩm trên địa bàn và một số địa phương vùng ĐBSCL.

Theo một nghiên cứu do Oceana công bố gần đây, gần 2/3 cá ngừ bán tại các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ ở Mỹ là loại cá khác. Kết luận này được đưa ra sau khi Oceana thực hiện một số chiến dịch bảo vệ và khôi phục đại dương.

NK cá ngừ nguyên liệu của Thái Lan trong 4 tháng đầu năm 2015 giảm xuống mức thấp kỷ lục trong 6 năm qua, cho thấy rõ ràng quốc gia Châu Á này vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết.

Tổng số tàu thuyền 6.278 chiếc, công suất trên 1 triệu CV

Được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, nhiều hộ nuôi ở Long An đã áp dụng nuôi tôm theo hướng VietGAP, tạo sản phẩm thủy sản đảm bảo chất lượng và phát triển theo hướng bền vững.