Xây Dựng Đồng Bằng Sông Cửu Long Thành Vùng Trọng Điểm Quốc Gia Về Nông Ngư Nghiệp
Xây dựng và phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng cao. Phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước tầm quốc gia và quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Quy mô, phạm vi lập điều chỉnh Quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Quy mô diện tích khoảng 40.604,7 km2. Dân số hiện trạng toàn vùng năm 2013 khoảng 17,3 triệu người.
Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch yêu cầu cần phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng. Cụ thể, cần phân tích đánh giá các điều kiện tự nhiên, tài nguyên tự nhiên và nhân văn, các đặc trưng của vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long như vùng cảnh quan dọc sông Tiền, sông Hậu, dọc biển Đông, biển Tây, các vùng sinh thái ngập nước, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên.
Bên cạnh đó, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng và tác động ngập lũ sông Mêkông đối với phát triển vùng; đánh giá hiện trạng phát triển vùng về kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị và điểm dân cư nông thôn, sử dụng đất đai, không gian vùng (không gian sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản; không gian xây dựng đô thị, công nghiệp tập trung, không gian du lịch, không gian bảo tồn vùng cảnh quan thiên nhiên,...), hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường.
Nhiệu vụ điều chỉnh Quy hoạch cũng yêu cầu cần dự báo phát triển vùng, mô hình phát triển và cấu trúc không gian vùng, trong đó, xác định bối cảnh phát triển mới của quốc gia, quốc tế; phân tích đánh giá vai trò, vị thế và các mối quan hệ vùng, các tiềm năng và động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long; đề xuất quan điểm phát triển, tầm nhìn đến năm 2050 và các mục tiêu chiến lược phát triển vùng;
Xác định tính chất vùng; dự báo phát triển vùng về kinh tế - xã hội, quy mô dân số, lao động, đất đai, khả năng và quá trình đô thị hoá; dự báo sự thay đổi môi trường tự nhiên do sự tác động của phát triển kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; lựa chọn các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước, môi trường...) phù hợp với đặc thù của vùng và các tiểu vùng.
Ngoài ra, điều chỉnh mô hình phát triển vùng và các tiêu chí lựa chọn kịch bản phát triển vùng, đảm bảo các tiêu chí thích ứng với biến đổi khí hậu và ngập lũ sông Mêkông; điều chỉnh cấu trúc không gian vùng đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở gắn với hai trục phát triển là trục Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau kết nối với vùng Thành phố Hồ Chí Minh và trục dọc sông Tiền, sông Hậu kết nối với vùng Phnôm Pênh và biển Đông.
Điều chỉnh phân vùng chức năng
Theo Quyết định, cần đề xuất điều chỉnh phân vùng chức năng, bao gồm: Điều chỉnh phân vùng phát triển trên cơ sở vùng trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng dọc sông Tiền, sông Hậu và vùng chuyển tiếp với vùng Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, điều chỉnh định hướng phân bố hệ thống đô thị vùng gồm: Cần Thơ là đô thị hạt nhân động lực phát triển vùng, các đô thị trung tâm tiểu vùng, hệ thống đô thị dọc theo các tuyến hành lang kinh tế đô thị. Xác định tính chất, quy mô, chức năng các đô thị cấp vùng, tiểu vùng và phân loại các đô thị.
Định hướng phát triển các điểm dân cư nông thôn tập trung phù hợp với đặc điểm tự nhiên, sản xuất và theo mô hình xây dựng nông thôn mới; điều chỉnh định hướng phân bố các khu công nghiệp tập trung gắn với các vùng đô thị và các trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia và vùng, các trung tâm năng lượng, đầu mối hạ tầng kỹ thuật của vùng, đảm bảo khai thác hiệu quả các lợi thế vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực.
Điều chỉnh định hướng phân bố các vùng du lịch sinh thái trên cơ sở khai thác tài nguyên cảnh quan và sinh thái dọc sông Tiền, sông Hậu, vùng sinh thái ngập nước Đồng Tháp Mười, vùng sinh thái ngập mặn bán đảo Cà Mau, các vườn quốc gia U Minh, Phú Quốc; hình thành các trung tâm du lịch tầm quốc gia và quốc tế, các cụm du lịch cấp vùng, các tuyến du lịch nội vùng, tuyến du lịch quốc gia và quốc tế, các sản phẩm du lịch về cảnh quan, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng.
Điều chỉnh định hướng phân bố các vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh như trồng lúa, trái cây, hoa màu, các khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; bảo tồn đa dạng sinh học vùng cảnh quan thiên nhiên, các vùng sinh thái đặc trưng.
Có thể bạn quan tâm
Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, hiện cả nước mới chỉ tận dụng được hơn 10% diện tích ruộng trũng có thể kết hợp nuôi thủy sản theo hình thức cá - lúa kết hợp. Trước tiềm năng lớn để nuôi thủy sản đang bỏ ngỏ, Bộ NN-PTNT đã phê duyệt dự án phát triển mô hình cá - lúa trên cả nước do Trung tâm KNQG thực hiện từ năm 2012 - 2014, bước đầu khẳng định hiệu quả.
Không khí đón Xuân Quý Tỵ 2013 của làng biển xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) không còn nhộn nhịp như mọi năm. Vì năm nay, biển mất mùa tôm hùm giống, ngư dân trong xã gặp rất nhiều khó khăn.
Theo kế hoạch năm 2013, nông dân huyện Tam Nông (Đồng Tháp) sẽ tăng diện tích nuôi tôm càng xanh lên 1.000ha, ước sản lượng đạt 1.700 tấn và sẽ tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho người nuôi.
Thời gian qua, bà con nông dân xã Phước Hưng (huyện Long Điền - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mùa vụ để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, người dân ở xã Phước Hưng đã khai thác có hiệu quả hơn quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND H.Châu Thành (Hậu Giang), cho biết huyện đã chỉ đạo ngành chức năng nhiều lần khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt trồng khoai mì để bán lá. Tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra, nhiều nhất là xã Đông Phước A.