Trà Vinh Tìm Giải Pháp Phát Triển Giống Tôm Nước Lợ
Ngày 20/5/2014, tại huyện Duyên Hải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị tổng kết thực trạng và giải pháp phát triển giống tôm nước lợ. Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự và phát biểu chỉ đạo.
Trà Vinh, là một trong những tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long sớm phát triển nghề nuôi tôm biển. Trong 5 năm trở lại đây, diện tích, sản lượng nuôi và nhu cầu con giống tôm biển gia tăng mỗi năm.
Năm 2009 có gần 22.000 ha diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ, thả nuôi 1,4 tỷ con giống, sản lượng thu hoạch hơn 15.900 tấn. Năm 2013, diện tích nuôi tôm gần 31.000 ha, thả nuôi hơn 3,5 triệu con giống, sản lượng thu được hơn 20.000 tấn.
Cùng với con tôm sú, tôm thẻ chân trắng, con cua biển là đối tượng nuôi đứng thứ 3, năm 2009 thả nuôi hơn 40,5 triệu con giống, sản lượng thu được hơn 6.000 tấn; năm 2013 thả nuôi hơn 78 triệu con giống, sản lượng thu được gần 7.600 tấn. Nghề nuôi cua biển đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng mặt nước và giải quyết lao động nông nhàn sau vụ nuôi tôm.
Tuy nhiên, trong các con nuôi chủ lực, chỉ có con tôm sú là sản xuất tại địa phương đáp ứng được trên 50% nhu cầu, nhưng hiện đang có dấu hiệu sụt giảm nhanh; còn giống tôm thẻ chân trắng phải nhập 100% các nơi khác ngoài tỉnh.
Năm 2009, có 124 cơ sở sản xuất được hơn 1,3 triệu con giống; năm 2013 chỉ còn 98 cơ sở sản xuất được 752 triệu con giống tôm sú, chỉ mới đáp ứng được hơn 32% nhu cầu nuôi.
Đối với tôm sú nuôi từ năm 2009 đến năm 2013, tỷ lệ tăng bình quân 16%/năm. Dự báo đến năm 2015 nhu cầu giống tôm nước lợ ở Trà Vinh là 3 tỷ 760 triệu con; đến năm 2020 là 4 tỷ 298 triệu con và năm 2030 là 4 tỷ 390 triệu con.
Theo Quyết định số 360/QĐ-UBND ngày 24/3/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc “Phê duyệt Quy hoạch vùng sản xuất giống thủy sản tập trung tỉnh Trà Vinh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, dự kiến đến năm 2015 sản xuất được 2 tỷ 640 triệu con giống tôm sú và tôm thẻ, đáp ứng khoảng 53% nhu cầu. Đến năm 2020 sản xuất 4 tỷ 445 triệu, đáp ứng trên 96% nhu cầu. Đến năm 2030 sản xuất đảm bảo đủ nhu cầu giống tôm sú, tôm thẻ cho thả nuôi.
Để đạt được mục tiêu đặt ra, đại biểu thống nhất là phải nhanh chóng mở rộng qui mô, đổi mới công nghệ, liên doanh liên kết với các thành phần kinh tế trong tỉnh để tạo ra nhiều con giống thủy sản mặn, lợ chất lượng cho phát triển nghề nuôi thủy sản theo hướng bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh: Trà Vinh là tỉnh có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản, thủy sản là ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, sản lượng nuôi trồng thủy sản đóng góp đáng kể vào GDP chung của tỉnh.
Những năm gần đây, do chuyển đổi cơ cấu và thâm canh hóa, diện tích nuôi và số lượng con giống tăng lên đáng kể; nhu cầu về con giống thủy sản có chất lượng phục vụ cho nhu cầu nuôi là yêu cầu cấp bách đặt ra. Nhà nước sẽ có đầu tư đồng bộ hạ tầng cho vùng sản xuất giống tập trung, sau đó sẽ giao đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất.
Tổ chức lại sản xuất, thông qua hình thức sản xuất và lực lượng sản xuất để có điều kiện tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi, cũng như được hưởng các chính sách hỗ trợ khi sản xuất gặp khó khăn. Từ đó sẽ sản xuất ra giống thủy sản có chất lượng, hạn chế được con giống trôi nổi trên thị trường. Tăng cường tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu sản xuất giống đến nuôi trồng thủy sản.
Đồng thời, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản tiếp cận vốn ngân hàng cũng như tạo mối liên doanh liên kết với nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng hợp tác trên lĩnh vực sản xuất con giống thủy sản ổn định và chất lượng.
Có thể bạn quan tâm
Với bản tính cần cù, chịu khó, sau khi phục viên về địa phương, anh Nguyễn Long Anh (SN 1959) ngụ ấp 2, xã Mỹ Thạnh Bắc (Đức Huệ, Long An), đã cố gắng tích góp đầu tư chăn nuôi với mong muốn cải thiện kinh tế gia đình.
Nuôi cá kèo là mô hình kinh tế được người dân xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước (Cà Mau) áp dụng từ vài năm trở lại đây. Theo ông Nguyễn Văn Hai - Phó Chủ tịch UBND xã, đây là mô hình sản xuất hiệu quả, ít rủi ro, tăng thu nhập bền vững, địa phương đang khuyến khích bà con nhân rộng.
Sau hơn nửa năm mày mò nghiên cứu, tìm mua giống trồng thử nghiệm, anh Vũ Nhuần ở Vạn Kiếp, phường 8, Đà Lạt đã thành công và bắt đầu thu lợi từ cây cà chua “siêu ngọt”.
Là người có ý chí vượt khó, ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, anh Lê Thế Tĩnh (30 tuổi), ở thôn 3, xã Định Hải, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), mỗi năm thu nhập vài trăm triệu đồng từ mô hình chăn nuôi.
Từ khi tiếp cận được với mô hình nuôi vịt bãi, cuộc sống của nhiều hộ gia đình sống dọc hai bên bờ đê Hữu Hồng (thuộc xã Duyên Hà và Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã khấm khá hơn. Không ít hộ có thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm.