Xanh Um Những Vườn Tiêu Hội Phú (Bình Định)
Ðến đất Hội Phú, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bây giờ, tôi dễ dàng cảm nhận ngay màu xanh mướt của những vườn tiêu. Màu xanh của những vườn tiêu ở đây thật dễ chịu. Có ấn tượng này là bởi ngày xưa, có nhà báo đàn anh, nhiều lần than thở chuyện “mặn ngọt vùng đất chua” khi nhắc về Hoài Hảo.
Đất Hoài Hảo xưa nay vẫn nổi tiếng với nghề trồng mì và sản xuất tinh bột mì nhứt. “Thế nhưng, mấy năm nay việc sản xuất bột mì ngày càng ô nhiễm môi trường nên xã cũng không khuyến khích phát triển nghề này nữa. Mừng là 5 năm trở lại đây, người dân xã Hoài Hảo đã tìm thấy hướng phát triển mới. Đó là nghề trồng cây hồ tiêu...”, ông Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hảo, mở lời giới thiệu nghề mới ở xã mình.
Hồ tiêu ở xứ mì
Người có công đưa cây tiêu từ đất Chư Sê (tỉnh Gia Lai) về trồng ở Hoài Hảo là ông Nguyễn Tình (50 tuổi, ở xóm Sơn Cây, thôn Hội Phú). Quần còn xắn gối, ông Tình xăm xăm dẫn chúng tôi tham quan vườn tiêu, trụ nào trụ nấy tiêu phủ xanh um, cao gần 2 m, trái non chi chít. “Đến cuối tháng 5 đầu tháng 6 âm lịch là thu hoạch được rồi. Chỉ riêng vườn này thôi đã có trên 600 trụ cho thu hoạch, chưa kể loại mới một vài năm tuổi. Ở vườn trong, gần hồ Phú Thạnh, tôi cũng trồng được vài trăm trụ nữa”, ông Tình tự hào khi giới thiệu thành quả lao động của mình.
Vụ tiêu năm 2014, ông Tình thu trên 1,3 tấn tiêu hạt. Chỉ tính ở mức giá bán thấp nhất - 190 ngàn đồng/kg, ông đã thu gần 250 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, lãi ròng tròm trèm 200 triệu. Ấy là chưa kể đến tiền ông bán dây tiêu giống cho các hộ gần, xa.
Hơn chục năm trước, vợ chồng ông Tình lên Chư Sê hái cà phê và tiêu thuê. Năm 2009, thấy chất đất quê mình cũng giống như đất trên đó, ông Tình cải tạo khoảnh đất gò đồi rộng mấy nghìn mét vuông, trồng thử 100 trụ tiêu đầu tiên lấy giống từ Chư Sê. Rồi cứ thế, mỗi năm ông lại trồng thêm hàng trăm trụ tiêu mới, cho đến nay.
Từ 2 hộ tiên phong là hộ ông Nguyễn Tình và ông Võ Văn Đồng, đến nay cả xã Hoài Hảo có trên 70 hộ trồng tiêu, tập trung nhiều nhất ở thôn Hội Phú, rồi đến thôn Phụng Du 1. Ông Huỳnh Đăng Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoài Hảo, cho biết, ngoài 2 hộ trên, số hộ trồng từ 300 - 700 trụ tiêu cũng rất nhiều. Năm 2014, diện tích trồng tiêu của xã là 11,54ha, tăng 3,74ha so với năm 2013, trong đó có 4,5ha đã cho thu hoạch.
Tổng kết vụ tiêu năm 2014, hộ thu nhiều nhất là 1,3 tấn tiêu hạt, hộ thấp nhất cũng được 50 - 100kg (thu lứa đầu). Theo một số hộ dân, với giá bán dao động từ 190 - 200 ngàn đồng/kg tiêu như hiện nay, thì cây tiêu cho giá trị kinh tế cao hơn các loại cây khác. Chất lượng tiêu ở Hoài Hảo cũng chẳng thua kém gì so với tiêu ở Gia Lai. Thương lái ở Gia Lai đã chấp nhận chất lượng và về đây mua hạt tiêu Hoài Phú, thậm chí còn mua cả dây tiêu giống để mang lên trên đó.
Cần quy hoạch để phát triển bền vững
Ông Phương cũng cho biết thêm, hiện không chỉ người dân Hội Sơn mà nhiều người ở nơi khác cũng về đây thuê đất trồng tiêu. Từ cuối tháng 3.2014, Hội Nông dân xã Hoài Hảo đã thành lập Chi hội trồng tiêu để các hộ hỗ trợ nhau về giống, kinh nghiệm, kỹ thuật.
Vợ chồng ông Võ Văn Sơn, trồng tiêu sát vườn ông Tình, cho biết, họ trồng 300 trụ tiêu, trong đó có 60 trụ tiêu 2 năm tuổi đã cho trái. “Đợt vừa rồi, tôi thu được mấy chục ký thôi nhưng tôi tin sẽ mang lại hiệu quả cao sau này. Cứ nhìn vào anh Tình thì biết”, ông Sơn tin tưởng.
Còn ông Võ Thảm, nhà ở thôn Cự Lễ (xã Hoài Hảo) nhưng lên Hội Phú thuê 9 sào đất, đầu tư trên 200 triệu đồng trồng và “nằm vùng” từ tháng 8 âm lịch đến nay để trồng trên 400 trụ tiêu đầu tiên. Cẩn thận cột lại những dây tiêu non áp chặt thân trụ bê tông, ông Thảm nói: “Chưa biết thắng thua ra sao nhưng tôi rất hy vọng. Mình không phụ đất, thì đất cũng chẳng phụ mình”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Huỳnh Đăng Phương chia sẻ: “Thấy nhà nhà trồng tiêu vừa mừng vừa lo, sợ nay mai cung vượt cầu, lại như những phong trào tự phát trước đây. Nên trước mắt, chính quyền và Hội Nông dân xã hướng dẫn người dân kỹ thuật và cách phòng ngừa sâu bệnh cho cây hồ tiêu. Lâu dài, địa phương cũng đang tính đến việc quy hoạch một vùng trồng tiêu từ trong chân hồ Phú Thạnh ra đến khu dân cư xóm mới Phú Tân, thuộc thôn Hội Phú”.
Có thể bạn quan tâm
Sáng 17-9, tại xã Kim Tân, huyện Ia Pa, Viện Nghiên cứu Mía đường phối hợp với Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác mía năng suất và chất lượng cao cho nông dân trồng mía vùng Đông Nam tỉnh.
Vụ mùa năm nay, xã Tùng Bá tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lúa lai diện tích lớn với sự quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, khuyến nông viên xã; đặc biệt xã chủ động đứng ra bảo lãnh với Đại lý phân phối vật tư nông, lâm nghiệp cung ứng trước giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ thực hiện mô hình để sản xuất kịp khung thời vụ theo phương châm “5 cùng”... hứa hẹn mang lại hiệu quả cao hơn.
Trong khi các xã khác trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang khẩn trương thu hoạch ngô, chuẩn bị đất để gieo trồng vụ mới thì người dân ở các xã: Niêm Tòng, Niêm Sơn, Khâu Vai mới bắt đầu tiến hành vun các diện tích ngô trồng lại.
Những năm qua, trên địa bàn xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KH – KT vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.
Nhiều người hiện nay đã chuyển hướng sang dùng trái cây nội địa hoặc hàng nhập khẩu từ nước khác. Nắm lấy cơ hội này, tiểu thương tại các chợ trên địa bàn cũng nhập về nhiều loại rau, củ từ Thái Lan. Hiện, ngoài thị trường, hàng Thái Lan đang lấn át hàng Trung Quốc về số lượng lẫn sức mua.