Xã Ðông Minh (Thái Bình) quyết liệt không để tôm bệnh bùng phát thành dịch
Trong giai đoạn đầu, đàn tôm nuôi phát triển tốt, các cá thể phát triển đồng đều, tỷ lệ sống cao. Tuy nhiên, trong những ngày qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn đã gây bất lợi cho sự phát triển của các loại thủy sản. Từ ngày 16/4 xuất hiện tôm thẻ bị chết, sau đó từ ngày 28/4 - 5/5 số lượng tôm chết trong các ao nuôi tăng nhanh, tập trung tại các ao nuôi tôm thẻ chân trắng.
Về Ðông Minh, chúng tôi được chứng kiến sự lo âu, buồn bã của các hộ nuôi tôm và ghi nhận nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như các phòng, ban, cơ quan chức năng của huyện, của tỉnh. Vụ xuân, hè, gia đình anh Nguyễn Văn Thự (thôn Minh Châu) thả nuôi 4 vạn tôm sú và 3,6 vạn tôm thẻ. Ngày 4/5, anh phát hiện ao nuôi 3 vạn tôm sú xuất hiện tôm chết, đến ngày 6/5 tiếp tục xuất hiện tôm sú chết tại ao nuôi thứ hai có diện tích 350m2.
Vớt những con tôm nuôi đang tấp vào bờ trong trạng thái lờ đờ, anh Thự chỉ cho chúng tôi hiện tượng toàn thân tôm màu đỏ và cho biết đây là hiện tượng nghi tôm bị bệnh đốm trắng. Cùng thôn với gia đình anh Thự, gia đình ông Trần Văn Lựa nuôi thả 6 vạn con tôm sú vào ngày 20/2 âm lịch trong 2 ao nuôi với diện tích 3 sào. Ngày 6/5, ông Lựa phát hiện trong một ao tôm gai, tôm rảo chết trước, sau đó là tôm sú. Ðến ngày 7/5, tôm chết đỏ rực mặt ao, ước lượng tỷ lệ chết khoảng 80%.
Theo số liệu thống kê, số lượng tôm chết tăng nhanh, gồm cả tôm sú và tôm thẻ, lan rộng ra nhiều thôn trong xã. Trưa ngày 7/5, tôm chết đã xuất hiện trong 36 ao của 28 hộ với tổng diện tích 30.220m2, lượng nuôi thả 165,8 vạn con; hết ngày 7/5 xuất hiện tôm chết trong 46 ao nuôi thả trên diện tích 36.243m2 với lượng nuôi thả 202,5 vạn con.
Chỉ trong ngày 9/5 có 16 hộ nuôi báo tôm nuôi bị chết do bệnh, trong đó có nhiều hộ nuôi thả với số lượng lớn như hộ ông Tô Văn Sáu (thôn Ngải Châu) nhiễm bệnh ao thả 8 vạn tôm thẻ; hộ ông Nguyễn Văn Sỹ (thôn Minh Châu) nhiễm bệnh ao thả 12 vạn tôm thẻ; hộ ông Ðặng Văn Tuyền (thôn Thanh Lâm) nhiễm bệnh ao thả 5 vạn tôm thẻ...
Ngay sau khi phát hiện tôm chết, HTX DVNN Hải Châu, UBND xã Ðông Minh phối hợp với Chi cục Thú y và Trạm Thú y huyện tiến hành lấy mẫu xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân. Cơ quan chức năng yêu cầu các chủ hộ nuôi giữ nguyên mực nước trong ao, không xả thải ra môi trường, các ao chưa có tôm chết áp dụng biện pháp phòng bệnh tổng hợp.
Từ ngày 20/4 - 4/5 có 10 hộ nuôi tự mua 182kg hóa chất để xử lý các ao nuôi. Ðến chiều ngày 7/5, Trạm Thú y huyện và HTX DVNN Hải Châu tổ chức cấp phát hỗ trợ hóa chất Clorin cho các hộ có ao nuôi nhiễm bệnh từ nguồn 1.500kg hóa chất do Chi cục Thú y tạm ứng trước. Có thể thấy sự phối hợp chủ động, kịp thời của các cơ quan chức năng từ tỉnh, huyện đến xã đã khắc phục một phần khó khăn cho các hộ nuôi, góp phần ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sản xuất.
Theo ông Phạm Duy Nghị, Chủ nhiệm HTX DVNN Hải Châu, vụ xuân, hè, Ðông Minh phấn đấu đạt sản lượng 57,6 tấn tôm sú thương phẩm, giá trị thu hoạch 138,8 triệu đồng/ha, sản lượng 84 tấn tôm thẻ, giá trị thu hoạch 500 triệu đồng/ha. Trước khi bước vào thời vụ, thực hiện sự chỉ đạo của UBND xã, Ban quản trị HTX kết hợp với các thôn, các hộ nuôi tổ chức sản xuất nuôi trồng đúng theo đề án đã đặt ra, nghiêm túc tuân thủ lịch mùa vụ. HTX chỉ đạo áp dụng biện pháp nuôi thưa, sử dụng chế phẩm sinh học để ổn định màu nước, hướng dẫn các biện pháp xử lý nước trước khi thả tôm giống, quản lý, duy trì màu nước.
Ðể 100% diện tích nuôi thả được xử lý nguồn nước, HTX đã cấp phát 2.600kg Clorin cho các hộ nuôi trước khi thả giống. Trong thời gian tới, xã sẽ tích cực, chủ động kiểm tra thường xuyên tình hình sức khỏe của đàn tôm, áp dụng các biện pháp xử lý, khoanh vùng tôm bệnh, giữ sạch và ổn định môi trường đầm ao nuôi. Tranh thủ hỗ trợ kỹ thuật của các cơ quan cấp trên, phối hợp với cán bộ chuyên môn của các phòng, ban chức năng xác định nguyên nhân và hướng dẫn các hộ xử lý môi trường, dập bệnh dịch theo quy trình nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan dịch bệnh, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu vụ nuôi tôm xuân, hè.
Có thể bạn quan tâm
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng tại hội thảo sơ kết “Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa theo hướng ứng dụng công nghệ cao”, do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang – AGPPS) thực hiện tại xã Vọng Thê.
Những năm gần đây, tỷ lệ người mắc bệnh ung thư, các vụ ngộ độc thực phẩm có chiều hướng gia tăng, rồi nguồn thủy sinh bị cạn kiệt, tình hình sâu bệnh trên các loại cây trồng ngày càng diễn biến phức tạp... Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên là do người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Năm qua, xuất khẩu tôm đạt gần 4 tỉ USD là cố gắng rất lớn của của nông dân và doanh nghiệp. Cho dù tình trạng dịch bệnh EMS dẫn đến sản lượng giảm mạnh. Tại thời điểm này, dịch bệnh này vẫn chưa khắc phục được. Người nuôi phải đối chọi tỉ lệ tôm nuôi không thành công rất cao.
Trong đó gạo cao cấp XK là 1,331 triệu tấn chiếm 21,08%, gạo cấp trung bình là 2,013 triệu tấn chiếm 31,87%, gạo cấp thấp là 732.000 tấn chiếm 11,58%, gạo thơm các loại là 1,302 triệu tấn chiếm 20,62%, nếp là 637.000 tấn chiếm 10,09%. Theo đó, hợp đồng tập trung 2 triệu tấn (chiếm 31,67%), hợp đồng thương mại 4,316 triệu tấn (chiếm 68,33%).
Theo Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, tính đến ngày 15/01/2015 toàn bộ các nhà máy đường đã vào sản xuất niên vụ 2014-2015, các nhà máy đã ép được 5.618.900 tấn mía, sản xuất được 505.950 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm 1.359.100 tấn, lượng đường giảm 97.650 tấn.