Nuôi Dê Núi, Tạo Sinh Kế Cho Người Nghèo
Nhằm giúp người dân thêm điều kiện thoát nghèo, đầu năm 2012, từ nguồn vốn Dự án Giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn II, Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Mường Chà đã triển khai dự án nuôi dê núi tại 8 xã: Sa Lông, Mường Mươn, Ma Thì Hồ, Sá Tổng, Pa Ham, Nậm Nèn, Huổi Mí và Hừa Ngài. Tham gia dự án có 493 hộ dân.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Giảm nghèo huyện Mường Chà, cho biết: Qua công tác kiểm tra, khảo sát thực tế, nhận thấy Mường Chà là địa bàn có nhiều đồi, núi, phù hợp chăn nuôi giống dê núi. Đây là loài động vật ăn tạp, có thể ăn được hơn 100 thứ cỏ, lá cây khác nhau trong khi địa phương lại dồi dào về nguồn thức ăn.
Chuồng nuôi dê đơn giản chỉ cần đảm bảo chắc chắn, khô ráo, thoát nước tốt, thuận tiện cho quét dọn vệ sinh khu vực nuôi. Thông thường dê sinh sản 2 lần/năm, tùy vào chế độ ăn uống, nuôi dưỡng dê có thể đẻ từ 1 – 4 con. Dê núi ít bệnh, nên khi được chăm sóc đúng kỹ thuật, cho ăn uống đầy đủ thì chỉ sau 5 tháng trọng lượng có thể đạt từ 25kg/con trở lên.
Tham gia dự án, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ từ 1 đến 2 con dê giống và được cấp phát thuốc tiêm phòng các bệnh: tụ huyết trùng, thương hàn, tiêu chảy… Cán bộ kỹ thuật còn hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, phương pháp phòng bệnh cho đàn dê.
Anh Sùng A Sáng, bản Hồ Chim 1, xã Ma Thì Hồ - một trong những gia đình tham gia dự án cho biết: Tôi cùng với một số hộ trong bản gộp số dê của các nhà lại rồi thay nhau chăn thả để đỡ công chăn dắt. Thức ăn cho dê chủ yếu là cây cỏ trên nương, đồi nên không tốn tiền mua thức ăn.
Từ 1 con dê được dự án cấp ban đầu, đến nay đàn dê đã sinh sản được 5 con, không dịch bệnh, phát triển tốt. Với giá bán trên thị trường từ 140- 150 nghìn đồng/kg dê thịt, cuối năm 2014, lứa dê đầu tiên sẽ được xuất bán, gia đình tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống và tái đầu tư mở rộng chăn nuôi.
Giống gia đình anh Sáng, chị Vừ Thị Chía, bản Làng Dung, xã Ma Thì Hồ phấn khởi tâm sự: Là một trong những hộ nghèo của xã được dự án hỗ trợ 1 con dê giống, sau hơn một năm chăn nuôi, đến nay đàn dê nhà tôi đã có 5 con, vừa qua tôi bán 2 con được hơn 5 triệu đồng. Quá trình nuôi dê cho thấy, nuôi dê lãi hơn trâu, bò. Vì vậy, gia đình tôi chuẩn bị mở rộng khu chuồng nuôi, mua thêm con giống để nuôi.
Dự án nuôi dê núi bước đầu mang lại hiệu quả. Sau hơn 1 năm triển khai, từ số dê được cấp ban đầu, đến nay, tổng số dê của dự án tăng lên hơn 1.200 con. Với những kết quả ban đầu khả quan, huyện Mường Chà dự kiến sẽ nhân rộng dự án, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp vắc xin và hóa chất sát trùng cho 5 tỉnh: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Tiền Giang, Quảng Trị, Cà Mau để phòng chống dịch bệnh.
Hiện nay, người nông dân không chỉ nuôi tằm bán kén, mà còn nuôi tằm trứng cung cấp giống. Bà Đỗ Thị Hoa, thôn Đức Thành, xã Hoài Đức, Lâm Hà (Lâm Đồng) là người có uy tín, chuyên nuôi tằm trứng cung cấp tằm con cho hàng trăm nông hộ trong vùng dâu Hoài Đức.
Ông Nguyễn Ngọc Mai-Phó Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Hoàng Anh Gia Lai (thuộc Tập đoàn HAGL) đưa chúng tôi đến thăm trại chăn nuôi bò Đak Yă vào một ngày khá mát trời. Ngoài những cánh đồng cỏ xanh mướt, với quy mô hàng chục ngàn con, trại bò thịt và trại bò sữa được chăn nuôi ở 2 khu riêng biệt, có chế độ chăm sóc khác nhau.
Xuất phát từ hiệu quả kinh tế, đặc biệt trong vấn đề giảm thiểu tác hại đến môi trường, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp thị trấn Phú Hòa (Phú yên) đã triển khai mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học. Từ thành công của mô hình này, hiện nay nhiều hộ nuôi heo ở các địa phương đã nhân rộng hình thức nuôi heo bằng đệm lót sinh học.
Đây là mô hình do anh Võ Nhật Nam, sinh năm 1986, ấp Hòa Phú xã Định Thành (Thoại Sơn - An Giang) đang thực hiện. Với chuyên môn Trung cấp chăn nuôi thú y, nhận thấy dê là loài động vật dễ nuôi, khả năng kháng bệnh tốt, được nhiều hộ dân đầu tư để cải thiện kinh tế gia đình… anh Nam quyết định chọn và lai tạo giống dê hiện có của mình để đáp ứng nhu cầu của các hộ dân có ý tưởng đầu tư chăn nuôi. Mô hình đã đem lại tín hiệu khả quan cho cả anh lẫn hộ nuôi trong và ngoài địa phương.