Xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) Đến Lượt Tôm Chết!
Cứ mỗi sáng, các hộ nuôi tôm kẹt ở sông Chà Và, xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) phải vớt bỏ tôm chết, người ít thì vài ba ký, người nhiều cả chục ký. Với giá tôm trung bình 800 ngàn/kg, giá trị thiệt hại ước tính từ vài triệu đến gần chục triệu đồng/ngày. Đó là những gì mà các hộ nuôi tôm lồng bè trên sông Chà Và hứng chịu từ tháng bảy âm lịch đến nay.
Đến mùa thu hoạch thì tôm chết
Trưa 24-1, phóng viên báo BR-VT đã có mặt tại khu vực nuôi tôm kẹt trên sông Chà Và. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về hiện tượng tôm kẹt chết, anh Tư vá xe máy gần đầu cầu Chà Và cho biết: “Các hộ nuôi tôm kẹt đa số là người Thanh Hóa vào, họ là đồng hương của tôi nên tôi thấy tôm chết mà xót cho họ. Có hôm họ mang vào cho cả bao tôm bị yếu, mình ăn mà thấy đắng cả họng, vì nếu không bị chết, chừng ấy tôm có giá hàng trăm triệu đồng”.
Theo hướng dẫn của anh Tư, chúng tôi men theo con đường cách chân cầu Chà Và khoảng 1km (hướng về Vũng Tàu) đến bến ghe gần khu vực nuôi tôm để tìm ghe ra bè nuôi.
Ngồi khoảng 30 phút nhưng không thấy một bóng dáng chiếc ghe nào cập bến. Chị bán nước cho biết, thường những tháng cuối năm không khí tại đây nhộn nhịp ghe tàu ra vào, thương lái lấy hàng tập kết về bến và mang đi tiêu thụ. Nhưng năm nay thì vắng vẻ hẳn. Chờ thêm 15 phút chúng tôi gặp người phụ nữ tầm 45 tuổi, chạy chiếc xe máy biển số 36 – chị Phạm Thị Hòa, chủ một bè nuôi tôm kẹt.
Cho chúng tôi quá giang ghe ra bè, chị Hòa buồn rầu kể: “Hiện tượng tôm chết xuất hiện đã 3 tháng nay, mỗi ngày 5 ô nuôi (5,5mx5,5m) của gia đình tôi bị chết từ 5 - 10 con tôm mà toàn những con đang thời kỳ thu hoạch (từ 0,3 đến 0,5 kg). Tính ra mỗi tháng số lượng tôm chết cũng đến vài trăm con. Mất đứt cả tạ rưỡi tôm, trị giá khoảng 120 triệu đồng, chưa kể tiền mua mồi cho tôm ăn chứ ít đâu. Người nuôi ít thì mất ít, còn người nuôi nhiều thì mất cả tiền tỷ”.
Nói rồi, chị Hòa sai người chở chúng tôi đến bè anh Hoàng Minh Thành bên cạnh. Thấy chúng tôi, anh Thành than thở: “Chết chắc rồi các chú ơi! Tôm chết thế này, có nước ra đường mà ở. Vay vốn ngân hàng để đầu tư bè nuôi, nhưng nay tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm chúng tôi bị lỗ nặng”.
Theo anh Thành, trên sông Chà Và có khoảng 30 hộ nuôi tôm kẹt, người nuôi ít 5 lồng, người nhiều thì 30 - 40 lồng. Như các năm trước tình hình nuôi tôm sáng sủa, cuối năm xuất bán hàng chục tấn tôm, trừ chi phí lãi hàng tỷ đồng. Nhưng từ tháng 7 âm lịch này, xuất hiện hiện tượng tôm bỏ ăn, chết rải rác, rồi dày đặc ở tất cả các hộ nuôi.
“Như nhà tôi, lúc đầu chỉ chết vài con, nay cứ mỗi sáng thức dậy nhìn thấy tôm chết mà đau cả ruột, số tôm chết đã lên đến vài chục con mà toàn những con đã đến mùa thu hoạch từ 0,4 đến 0,5 kg. Chỉ tính riêng tháng này, gia đình tôi đã mất khoảng 240 triệu đồng, nếu tính từ tháng 7 âm lịch đến nay thiệt hại lên đến 1,2 tỷ đồng.
Đã vậy, thấy có hiện tượng tôm chết, các thương lái còn tìm cách ép giá, tôm còn sống sờ sờ mà họ chứ chê tôm yếu, để hạ giá từ 800 - 900 ngàn đồng/kg xuống còn 450 ngàn đồng/kg. Nếu thấy tiếc không bán thì phải rộng nuôi và tốn tiền mua ghẹ đỏ khoảng 7 đến 8 ngàn đồng/kg cho tôm ăn, lại còn phải đánh đu với rủi ro không biết tôm chết khi nào”, anh Thành cho biết thêm.
Vẫn những nguyên nhân cũ
Theo anh Thành, những con tôm bị chết trong thời gian này đều là những con tôm chuẩn bị xuất bán, các con tôm chết đều có hiện tượng đen mang, đỏ thân. Theo kinh nghiệm nuôi tôm nhiều năm anh cho rằng tôm chết là do nước bị ô nhiễm.
Còn ông Nguyễn Hữu Thi, Trưởng phòng Nuôi và Quản lý giống Chi cục Nuôi trồng Thủy sản thì cho biết, nguyên nhân tôm chết có thể khẳng định là do nguồn nước bị ô nhiễm làm thiếu lượng ôxy cho tôm hô hấp, từ đó làm giảm sức đề kháng của con tôm.
Kế đến là các yếu tố chủ quan như nguồn gốc tôm giống không rõ ràng, sức đề kháng không đồng đều, những con tôm chết thường là yếu; một vấn đề nữa là do các hộ nuôi chưa có một quy trình, kỹ thuật nuôi thống nhất và hợp lý. Mật độ nuôi quá dày cũng là nguyên nhân làm thiếu ôxy cho tôm. “Chi cục sẽ lấy mẫu nước và mẫu tôm để tìm nguyên nhân chính xác và có cách hướng dẫn bà con phòng ngừa”, ông Thi nói.
Về quy trình nuôi, ông Lê Hưng, Phó phòng Kinh tế TP. Vũng Tàu cho biết, trước đây Phòng Kinh tế TP. Vũng Tàu tổ chức lớp tập huấn về nuôi trồng thủy hải sản, nhưng các hộ nuôi không tham gia đầy đủ. “Qua vụ việc đáng tiếc này, mong bà con chú ý tham gia các lớp tập huấn để các chuyên gia trong ngành nuôi trồng hướng dẫn quy trình nuôi cũng như các biện pháp phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra”, ông Lê Hưng nói.
Có thể bạn quan tâm
Đến nay, dự án nuôi tôm CN-BCN với quy mô 500ha ở xã Long Điền Tây đã hoàn thành 4/10 gói thầu và giải ngân hơn 25 tỷ đồng.
Nguồn vốn, nguồn thức ăn thô thiếu trầm trọng, cộng với môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh bùng phát... khiến cho công tác tái đàn chăn nuôi của người dân vùng lũ Thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) gặp nhiều khó khăn. Hơn lúc nào hết, người chăn nuôi đang rất cần sự hỗ trợ của các tổ chức, đoàn thể...
Ngày 22.10, Công ty BISUCO đã tổ chức lễ xuống mía vụ ép năm 2013-2014. Vụ ép này, Công ty phấn đấu thu mua từ 450 - 500 ngàn tấn mía tại các vùng nguyên liệu mía do BISUCO đầu tư, trong đó thu mua mía nguyên liệu trong tỉnh từ 100 - 120 ngàn tấn; sản xuất và chế biến 45.000 - 50.000 tấn đường.
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên vừa ký quyết định ban hành Chương trình tổ chức Festival Thủy sản Việt Nam năm 2014 tại Phú Yên với chủ đề “Thủy sản Việt Nam - Hội nhập và Phát triển”.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có 2 trang trại đang áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) trên đàn lợn.