Trúng Đậm Mùa Gừng
Nông dân trồng gừng ở ĐBSCL đang trúng đậm nhờ giá gừng củ bất ngờ tăng mạnh.
Hiện nay, mỗi công gừng đang cho thu nhập từ 40-45 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư chỉ khoảng 15 triệu đồng.
Về các vùng chuyên canh gừng có tiếng như U Minh Thượng (Kiên Giang), Long Mỹ (Hậu Giang) vào thời điểm này, cảnh thu hoạch, mua bán gừng diễn ra khá sôi động. Cây gừng bất ngờ trở thành cây triệu phú, tỷ phú. Trái hẳn với những những năm trước, cây gừng bị dịch bệnh và rớt giá thê thảm đã khiến không ít nông dân thua lỗ.
Ông Phạm Duy Tân, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh Thượng (Kiên Gang) cho biết, năm nay toàn huyện nông dân xuống giống được khoảng 86 ha gừng. Diện tích này thấp hơn nhiều so với cách đây mấy năm, còn nhớ lúc cao điểm lên đến gần 300 ha.
Nguyên nhân do cây gừng bị nhiễm bệnh gây thối củ hàng loạt, cộng với gừng bị rớt giá chỉ còn vài ngàn đồng/kg nên nông dân ngán ngẩm không dám trồng tiếp. Nhiều người chuyển sang trồng các loại cây khác, giờ gừng bất ngờ tăng giá nên ai cũng tiếc hùi hụi. Giá như còn gắn bó với cây gừng thì giàu to.
Hiện nay giá gừng non bán ở chợ làm thực phẩm đã giảm chút ít những vẫn còn khá cao, khoảng 28.000 – 30.000đ/kg. Lúc cao điểm lên đến 32.000 – 34.000đ/kg. Với giá này, mỗi công gừng, người trồng lợi nhuận ít cũng vài chục triệu đồng, tính ra 1 ha nông dân bỏ túi tới hàng trăm triệu. Đây là mức lãi rất cao, gấp cả chục lần so với cây lúa.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, một nông dân trồng gừng ở U Minh Thượng cho biết, cây gừng trồng từ 10-11 tháng mới cho thu hoạch (gừng già, chủ yếu làm nguyên liệu bánh kẹo, dược liệu), còn gừng non hiện nay mới khoảng 8 tháng. Năm nay gừng có giá nên một số hộ thu hoạch sớm bán gừng non.
Một số thương lái thỏa thuận giá với nông dân, chấp nhận đặt cọc trước chờ tới mùa mới thu hoạch. Trái hẳn với vài năm trước, giá gừng củ quá thấp khiến nông dân phải bỏ vì thu hoạch không bõ tiền công.
Tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), địa phương có diện tích trồng gừng lớn nhất tỉnh Hậu Giang nông dân cũng đang thanh thủ lúc giá cao thu hoạch gừng để bán. Năm nay, toàn huyện trồng được 41 ha gừng, tập trung ở các xã Xà Phiên, Thuận Hòa, Long Bình, Long Trị, Long Trị A, Vĩnh Viễn...
"Hiện nông dân thu hoạch nhiều nên giá gừng có giảm chút ít nhưng vẫn còn ở mức khá lý tưởng. Tuy đầu ra và giá cả hiện nay có thuận lợi nhưng chưa ổn định nên địa phương chỉ khuyến khích người dân duy trì diện tích hiện tại chứ không mở rộng thêm", ông Lê Hồng Việt, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ.
Nông dân Hồ Thanh Tuyền, xã Long Trị vừa bán xong vụ gừng thắng lợi lớn nên rất phấn khởi. Anh Tuyền chia sẻ: “Gia đình tôi có 4 công đất trồng gừng, đầu vụ tôi mua hết 900 kg gừng giống, tuy chưa già nhưng thu hoạch sản lượng đã đạt tới gần 11 tấn, bán với giá 23.000đ/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận rất lý tưởng”.
Không chỉ giá cao, mà hiện nay việc tiệu thụ gừng củ của bà con nông dân cũng rất thuận lợi, thu hoạch đến đâu thương lái cân hết đến đó.
Bà Trịnh Thị Phải, xã Long Bình cũng vừa thu hoạch xong diện tích gừng của gia đình, vui vẻ cho biết: “Không ai ngờ năm nay gừng được giá như thế này. Năm trước gia đình tôi chỉ bán được 8.000đ/kg, vậy mà năm nay giá tăng gần gấp 3 lần. Lúc này nhà ai có gừng thu hoạch cũng đều trúng đậm nhờ có giá”.
Theo bà con nông dân, bình quân 1 công gừng (1.000 m2) thường trồng khoảng 200kg gừng giống, cộng thêm tiền nhân công, phân thuốc thì tổng chi phí đầu tư khoảng 15 triệu đồng. Nếu trồng đạt hiệu quả sẽ cho sản lượng khoảng 3 tấn củ, chỉ cần bán với giá 20.000đ/kg là đã có doanh thu mấy chục triệu.
Tuy nhiên, không phải ai trồng gừng cũng có ăn. Nông dân trồng gừng sợ nhất là bị bệnh thối củ do vi khuẩn gây ra vì hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị. Ruộng trồng gừng nếu đã bị thối củ thì phải chuyển sang cây trồng khác, ít nhất cũng phải 3-4 năm sau mới có thể trồng gừng lại.
Nếu nóng vội trồng sớm, vi khuẩn còn tồn tại trong đất sẽ tiếp tục gây hại. Khi phát hiện gừng bị bệnh thì phải nhanh chóng nhổ bỏ và tiến hành thu hoạch, nếu không thì chỉ một thời gian ngắn sẽ lây lan toàn bộ diện tích trồng và lúc này coi như thất thu hoàn toàn.
Ông Lê Hồng Việt, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ cho biết, diện tích gừng hiện nay nông dân đang thu hoạch chủ yếu được trồng dưới nền đất ruộng hoặc một số khu vực vùng trũng nên phải thu hoạch non, để tránh bị ngập lũ. Riêng gừng chính vụ, trồng trên liếp cao phải đợi thêm mấy tháng nữa.
Có thể bạn quan tâm
Ða số người nuôi tôm có trình độ kỹ thuật thấp, tôm giống không qua kiểm dịch còn cao, thả nuôi mật độ dày… là những lý do khiến cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở tỉnh Bình Định luôn trong tình trạng không bền vững vì dịch bệnh tôm nuôi. Ðây là kết quả nghiên cứu do Chi cục Thú y thực hiện.
Được đặc xá ra tù, Trần Văn Dương (SN 1965, xã Đức Long, Đức Thọ, Hà Tĩnh) lăn lộn học hỏi kinh nghiệm làm trang trại. Sau gần chục năm tích lũy kinh nghiệm anh về quê lập nghiệp, đến nay trang trại của anh có thu nhập tiền tỷ.
Hiện nay, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành (Long An) thả hơn 3.400 ha tôm thẻ, tôm chân trắng; trong đó đã có 40% diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng chết. Nhiều hộ mới vừa thả con giống được 15 - 20 ngày, tôm bị sốc nước chết, nên tháo xả ra sông gây thiệt hại không nhỏ.
Ấp Bình Thới và Bình Thiện (xã Bình Thủy, huyện Châu Phú - An Giang) hiện có gần 20 hộ làm nghề đánh bắt cá bông lau. Chị Bùi Thị Dành (ngụ ấp Bình Thới), có hơn 30 năm trong nghề đánh bắt cá bông lau cho biết, hiện trên sông Vàm Nao, người dân đánh bắt cá bông lau bằng cách dùng lưới đăng (hay còn gọi là lưới ngầm) và lưới thả dùng đánh bắt vào ban đêm. Từ đầu mùa đánh bắt đến nay, chị Dành đã bắt được 9 con cá bông lau, mỗi con nặng từ 3 - 8kg; giá bán cho thương lái thời điểm đầu mùa từ 160 - 180 ngàn đồng/kg, còn hiện tại khoảng 120 ngàn đồng/kg.
Hàng chục hộ dân ở xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) mất ăn, mất ngủ vì cây bắp (ngô) bị "bệnh lạ" tấn công khiến cho cây bắp không phát triển. Nhiều hộ nông dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng một mùa vụ trồng bắp.