Xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) Ổn Định Cuộc Sống Nhờ Nuôi Bò Lai
Nhờ nuôi cho lãi cao, ít dịch bệnh nên nhiều người dân ở xã An Phú (TP Tuy Hòa - Phú Yên) tập trung đầu tư phát triển đàn bò lai, góp phần ổn định cuộc sống.
Theo UBND xã An Phú, tổng đàn bò của xã có khoảng 2.100 con, trong đó bò lai chiếm hơn 85%, được nuôi tập trung tại các thôn Phú Lương, Phú Liên, Chính Nghĩa, Xuân Dục.
Các gia đình ở đây nuôi bò từ lâu nhưng mấy năm gần đây nhờ giá cả ổn định, dịch bệnh được khống chế nên bà con tập trung đầu tư phát triển đàn bò cả về số lượng lẫn chất lượng với nhiều giống bò lai, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bà Nguyễn Thị Kỷ ở thôn Phú Lương cho biết: Trước đây, gia đình tôi chỉ nuôi bò cỏ. Từ ngày được Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tập huấn, hướng dẫn nuôi các giống bò lai, gia đình tôi bán hết bò cỏ chuyển sang nuôi bò lai. Ban đầu tôi chỉ đủ vốn mua 2 con bò lai Brahman về nuôi, sau đó đàn bò tăng lên 7 con, với giá trị khoảng 200 triệu đồng.
Không riêng gia đình bà Kỷ, ở xã An Phú hầu như nhà nào cũng đầu tư chuyển đổi con giống từ bò cỏ sang bò lai để nuôi. Theo ông Ngô Tấn Sỹ ở thôn Phú Lương, nhờ học được cách nuôi bò vỗ béo từ các buổi tập huấn của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh mà gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư mua giống bò lai Zebu về nuôi.
Hiện đàn bò nhà ông luôn có 11 con; ban đầu ông bỏ vốn mua bò giống loại 6 tháng tuổi, giá thành từ 17 đến 20 triệu đồng/con, về nuôi được 1 năm thì xuất bán với giá khoảng 30 đến 35 triệu đồng/con, bình quân mỗi lứa gia đình ông lãi gần 100 triệu đồng.
Ông Sỹ cho biết: “Để bò có giá trị cao, ngoài việc trồng cỏ cung cấp thức ăn thường xuyên cho bò, vào những tháng cuối trước khi xuất bán tôi còn cho bò ăn thêm cám tổng hợp để “thúc” cho bò tăng trọng, bán được giá hơn”.
Cùng với nuôi bò thịt, người dân xã An Phú cũng đầu tư nuôi bò cái sinh sản. Ông Đặng Văn Lưu ở thôn Chính Nghĩa cho hay: Nhà tôi đang nuôi 7 con bò cái, bình quân mỗi năm đẻ được 7 con bò con, nuôi các con bò con này thêm 6 tháng nữa sẽ bán với giá từ 17 đến trên 20 triệu đồng/con.
Bình quân mỗi năm gia đình tôi thu nhập được hơn 100 triệu đồng từ việc bán bò con. Cũng theo ông Lưu, thường thì mỗi con bò cái có thể sinh sản khoảng 20 năm mới phải loại để bán thịt nên người nuôi chỉ cần bỏ vốn gầy giống 1 lần, sau đó chỉ cần chịu khó chăm sóc để duy trì đàn thì sẽ có thu nhập đều đặn.
Khi nuôi bò, bà con của địa phương này rất quan tâm đến việc phòng ngừa dịch bệnh, đặc biệt là tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định.
Ông Dương Phước ở thôn Phú Liên cho biết: 8 con bò cái sinh sản là gia tài lớn nhất của gia đình tôi, mọi nguồn chi lớn trong gia đình như cất nhà, mua xe máy hay cho con cái ăn học đều dựa vào chúng. Vì vậy gia đình tôi đều tuân thủ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch cho đàn bò để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra.
Theo ông Nguyễn Ngọc Nga, cán bộ thú y xã An Phú, nhờ bà con có ý thức phòng dịch cao, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y nên tỉ lệ tiêm phòng vắc xin, đặc biệt là vắc xin lở mồm long móng trên đàn bò của xã luôn đạt trên 90% tổng đàn. Nhiều năm trở lại đây, đàn bò của địa phương ít xảy ra dịch bệnh.
Theo UBND xã An Phú, hiện nay nuôi bò lai là một trong những thế mạnh trong phát triển kinh tế của xã. Thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng tổ chức thêm nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bà con tiếp cận cách nuôi bò cho hiệu quả cao.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, tình trạng nhập lậu cá tầm từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào nước ta ngày càng nhiều. Cá tầm nhập lậu giá rất rẻ khiến các doanh nghiệp (DN) nuôi và chế biến cá tầm trong nước không thể cạnh tranh nổi.
Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi trong nước liên tục phải đối mặt với khó khăn do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, giá sản phẩm chăn nuôi xuống thấp, người nông dân bị thua lỗ. Bởi vậy, mặc dù Cục Chăn nuôi khẳng định hiện tình hình chăn nuôi đã đi vào ổn định nhưng không ít người vẫn băn khoăn, chưa thể lạc quan về sản xuất từ nay đến cuối năm.
Anh Lại Trường Vũ (SN 1978) - chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xuất thân trong gia đình nông dân. Gia đình anh canh tác hơn 6 công vườn. Do chi phí đầu tư hệ thống tưới tiêu khá lớn, đặc biệt là béc phun, có loại phải tốn hơn 4 triệu đồng cho một công vườn, từ đó anh đã tìm tòi tự chế ra loại béc phun giá thành rất rẻ mà vô cùng tiện ích.
Nhiều năm qua, huyện Hải Hậu (Nam Định) luôn đi đầu trong việc xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng kỹ thuật canh tác mới, trong đó mô hình cấy lúa mùa theo phương thức không làm đất đã được khẳng định với nhiều ưu điểm như năng suất tăng, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh và điều kiện thời tiết bất thuận gây ra, tạo quỹ đất để mở rộng diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai vụ lúa. Hiện nay, mô hình này đang được nông dân các địa phương trong huyện áp dụng và nhân rộng qua từng năm.
Sở Công thương tỉnh, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) vừa có buổi làm việc với huyện Châu Phú (An Giang) về tình hình cung ứng giống đậu bắp, thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ lúa Jamine Global GAP và việc xây dựng nhà máy sơ chế nguyên liệu.