Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vượt Rào Cản Trong Xuất Khẩu Thủy Sản

Vượt Rào Cản Trong Xuất Khẩu Thủy Sản
Ngày đăng: 05/08/2014

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt 3,6 tỷ USD, dự báo cả năm đạt khoảng bảy tỷ USD.

Tuy nhiên, những khó khăn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu cùng sự áp đặt ngày càng khắt khe của đối tác thông qua các rào cản kỹ thuật, thuế chống bán phá giá... đang là thách thức lớn đối với ngành thủy sản những tháng cuối năm.

Giá sụt, sản lượng giảm

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dự kiến năm 2014, xuất khẩu cá tra chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2013. Vốn được coi là mặt hàng chiến lược của ngành thủy sản nhưng xuất khẩu cá tra đang phải đối mặt những diễn biến bất thường về giá và nguồn nguyên liệu.

Tính đến hết tháng 6 năm nay, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi gần ba nghìn ha cá tra (giảm 19% so cùng kỳ), theo đó sản lượng thu hoạch giảm gần 20%.

Sau khi tăng 5% trong quý I, xuất khẩu cá tra trong quý II sụt giảm gần 10%, khiến tổng kim ngạch xuất khẩu sáu tháng chỉ đạt 824 triệu USD, giảm 3% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu đã khiến giá cá tra nguyên liệu giảm mạnh.

Nếu như từ đầu năm 2014 đến hết tháng 5, giá cá tra có xu hướng tăng liên tục và đạt đỉnh điểm với mức 23.500 đồng/kg thì từ đầu tháng 6, giá cá tra nguyên liệu chỉ còn 20 nghìn đồng/kg, dưới mức giá thành khiến người nuôi thua lỗ. Trong khi đó, xuất khẩu cá ngừ quý II tiếp tục chiều hướng giảm với mức hơn 7%, khiến tổng giá trị xuất khẩu sáu tháng chỉ đạt 244 triệu USD, giảm 17%.

Nguyên nhân khiến các mặt hàng xuất khẩu thủy sản chính đều sụt giảm về sản lượng và giá trị là do hai yếu tố: rào cản kỹ thuật và rào cản thị trường.

Cụ thể, đối với cá tra, việc mở rộng xuất khẩu ở các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế tăng trưởng chậm và bị khống chế bởi thuế chống bán phá giá và các tiêu chuẩn chất lượng được áp đặt ngày càng khắt khe. Tác động từ mức thuế chống bán phá giá (POR) của Mỹ đã ảnh hưởng một phần đến giá cá nguyên liệu.

Theo thông lệ, sau mỗi lần công bố kết quả cuối cùng POR vào cuối tháng 3 hằng năm thì sau đó khoảng một đến hai tháng (vào tháng 5 và 6), giá cá sẽ giảm xuống.

Trong khi đó, thị trường cá tra vẫn tiếp tục diễn ra tình trạng các doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá sản phẩm khiến giá xuất khẩu liên tục giảm do bị khách hàng nhập khẩu ép giá. Ngoài ra, khó khăn kéo dài từ các năm trước cũng khiến một số doanh nghiệp đến nay gần như cạn kiệt nguồn vốn, mức nợ xấu cao nên khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng để tái sản xuất.

Trong khi đó, mặt hàng tôm cũng phải chịu tình cảnh tương tự. Cuối tháng 3-2014, theo kết quả sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8), Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã áp thuế chống bán phá giá với các lô hàng tôm của Việt Nam rất cao, hơn 6%.

Ðây là điều bất ngờ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm bởi kết quả của đợt xem xét trước, mức thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu tôm của nước ta vào Mỹ đều là 0%. Mặc dù đây mới chỉ là kết quả sơ bộ, kết quả chính thức của POR8 sẽ được DOC đưa ra vào tháng 9 tới, nhưng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất của doanh nghiệp. Mặt khác, xuất khẩu tôm còn gặp vấn đề dư lượng kháng sinh khi thâm nhập vào các thị trường Nhật Bản và EU.

Năm 2014, khi các vấn đề về dư lượng Ethoxyquin vừa tạm lắng xuống thì con tôm lại gặp phải rào cản về dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline từ thị trường Nhật Bản và EU. Theo quy định của hai thị trường lớn này, mức giới hạn cho phép đối với kháng sinh Oxytetraxycline lần lượt là 0,2 và 0,1 ppm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà nhập khẩu đã phát hiện nhiều lô hàng tôm của nước ta có dư lượng thấp nhất là 0,3 ppm và cao nhất là 2,1 ppm. Theo VASEP, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 10 trường hợp tôm xuất khẩu của nước ta sang Nhật Bản và EU bị cảnh báo về dư lượng kháng sinh Oxytetraxycline.

Mới đây, Nhật Bản thông báo sẽ kiểm tra chỉ tiêu Oxytetraxycline đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, cơ quan thẩm quyền EU cảnh báo, nếu tình trạng dư lượng Oxytetraxycline trong tôm không được cải thiện, EU sẽ xem xét các biện pháp kiểm soát ngặt nghèo hơn, thậm chí có thể tạm đình chỉ nhập khẩu.

Nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường

Khó khăn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm đang là trở ngại cho việc cán đích kim ngạch xuất khẩu bảy tỷ USD trong năm 2014. Theo thông tin từ VASEP, xuất khẩu thủy sản đang trải qua giai đoạn khủng hoảng.

Chưa khi nào số lượng hội viên Hiệp hội giảm tới 10% như hiện nay do làm ăn thua lỗ, phá sản. Ðể vượt qua "rào cản" này, không có cách nào khác là phải nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu. Tính quan trọng của giải pháp này đã được chứng minh qua việc, từ đầu năm đến nay có nhiều chính sách liên quan phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản được ban hành.

Cụ thể là Nghị định 67/2014/NÐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 36/2014/NÐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra. Và mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 20/CT-TTg về việc ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có chứa tạp chất.

Tuy nhiên, cũng như nhiều lĩnh vực khác, chính sách ban hành dù cơ bản đầy đủ nhưng nếu quá trình triển khai không nghiêm túc, triệt để thì khó có thể mang lại hiệu quả. Như chuyện các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đua nhau bán phá giá để chiếm lĩnh thị trường trong lúc khó khăn, chuyện con tôm có dư lượng kháng sinh lớn, bị tiêm tạp chất...

Chính vì vậy, thời gian tới, với các văn bản, chính sách mới được ban hành, hy vọng các cơ quan chức năng sẽ siết chặt hơn với các hành vi vi phạm trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Có thể, với cách làm đó, trong thời gian đầu, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước sẽ giảm nhưng bù lại, đó là thời kỳ "quá độ" để đạt được sự tăng trưởng ổn định và bền vững.

Trong những năm qua, nếu như kim ngạch xuất khẩu gạo, cà-phê chỉ xoay quanh mức trên dưới ba tỷ USD, xuất khẩu điều hơn một tỷ USD, xuất khẩu tiêu phấn đấu đặt chân vào "câu lạc bộ một tỷ USD" thì kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn đạt mức hơn sáu tỷ USD.

Ðây là giá trị lớn so với các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực khác, nhưng với tiềm năng và lợi thế của ngành thủy sản thì con số này vẫn còn khiêm tốn.

Thời gian tới, cùng với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với nuôi trồng thủy sản và đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư, hy vọng ngành thủy sản sẽ có bước tăng tốc, nâng cao hơn nữa sản lượng, giá trị sản xuất và xuất khẩu.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Gà Tây Ở Đa Lộc - Hưng Yên Nuôi Gà Tây Ở Đa Lộc - Hưng Yên

Từ năm 2005 đến nay, nghề chăn nuôi gà tây ở đây đã từng bước được phục hồi, tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, một phần đã được xuất qua các quốc gia láng giềng: Lào, Campuchia

23/11/2011
Tiêu Tăng Giá Như Vàng Tiêu Tăng Giá Như Vàng

Cũng gây điên đảo không kém giá vàng, mặt hàng hồ tiêu đang gây sốc trên thị trường nông sản khi liên tục tự phá vỡ kỷ lục của mình từng ngày, thậm chí từng giờ. Sở dĩ giá hồ tiêu của Chư Sê luôn đứng đầu bảng vì chất lượng và thương hiệu đã được khẳng định. Ông Bính cũng cho biết, người dân Chư Sê cũng có ý thức hái tiêu chín để luôn có sản phẩm chất lượng cao, giá thành tốt

27/08/2011
Lô Thanh Long Đầu Tiên Vào Thị Trường Chile Lô Thanh Long Đầu Tiên Vào Thị Trường Chile

Ngày 30-4, TS Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), cho biết lô thanh long đầu tiên của VN xuất khẩu sang thị trường Chile đã đến nơi an toàn, chất lượng tốt.

03/05/2012
Tôm Chết Hàng Loạt, Thiệt Hại 300 Tỷ Đồng Ở Trà Vinh Tôm Chết Hàng Loạt, Thiệt Hại 300 Tỷ Đồng Ở Trà Vinh

Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Trà Vinh, trong số 1,5 tỷ con tôm sú thả nuôi đầu vụ trên diện tích 19.323 ha tại các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành đã có gần 300 triệu con bị chết, trên diện tích 3.351 ha, tổng thiệt hại ước tính hơn 300 tỷ đồng.

20/04/2012
Quy Trình Kỹ Thuật Sản Xuất Rau Thủy Canh Tuần Hoàn Quy Trình Kỹ Thuật Sản Xuất Rau Thủy Canh Tuần Hoàn

Nguyên tắc chung của nhà có mái che: khung nhà được làm bằng sắt (thép) hoặc bằng bê tông hoặc bằng tre đảm bảo chắc chắn, không bị ảnh hưởng bởi gió bão. Mái nhà lợp bằng tấm lợp plastic hoặc tấm lợp compozit hoặc màng UROZHAI. Xung quanh chắn lưới cách ly côn trùng (có thể dùng lưới nilon hoặc lưới kim loại). Nền nhà cứng, phẳng và sạch. Tốt nhất nên lát nền bằng xi măng + cát + sỏi.

27/12/2011