Vườn Cà Phê Ba Lớp Giống Và Hai Tầng Cây
Vườn cà phê thử nghiệm “ba trong một” của hộ nông dân Nguyễn Xuân Bách tại xã Lộc Tân (Bảo Lâm - Lâm Đồng) cho kết quả khả quan.
Hay tin mới đây, Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả (Sở NN-PTNT Lâm Đồng) thử nghiệm thành công mô hình sản xuất cà phê hoàn toàn mới – mô hình vườn cây ba lớp giống và hai tầng cây, chúng tôi đã về Bảo Lộc và Bảo Lâm để tìm hiểu. Qua đó, theo nhận định bước đầu của các chuyên gia, rất có thể đây là mô hình tốt cho vùng nguyên liệu cà phê Lâm Đồng trong tương lai.
Thay vì trồng thuần một loại giống cà phê như lâu nay, mô hình sản xuất mới do Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả (thuộc Sở NN-PTNT Lâm Đồng) thử nghiệm này có đến 3 lớp cây giống cà phê – giống chín sớm (đúng vụ), giống cho thu hoạch hơi muộn và đặc biệt là giống cho thu hoạch muộn (gần như là trái vụ). Đây được xem là mô hình sản xuất cà phê theo hướng bền vững hoàn toàn mới ở Việt Nam.
Cà phê Tây Nguyên bắt đầu chín từ đầu tháng 10 hằng năm, và thời gian thu hoạch trong vòng trên dưới một tháng. Hiện trên vùng đất này, nhà vườn trồng phổ biến các giống cà phê chín đúng vụ (đầu tháng 10) như TS-1, TR-11… Tuy nhiên, trong thực tế, do điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng…, vùng nguyên liệu cà phê Nam Tây Nguyên (Lâm Đồng) “tạo” nên những giống chín muộn rất đáng quan tâm như TR-9, TR-16… Đồng thời, ở giữa các giống chín sớm TS-1, TR-11 và các giống chín muộn TR-9, TR-16 là các giống “trung gian” như TS-4, TR- 4… Trên cơ sở nghiên cứu các giống cà phê TR-16, TR-9… trong nhiều năm qua, đến cuối năm 2008, cùng với thử nghiệm trên diện tích 0,5 ha tại Trung tâm Thực nghiệm Nông lâm nghiệm ở xã Đạm Bri (huyện Bảo Lâm), Trung tâm Cây ăn quả Lâm Đồng cũng đã thuyết phục một hộ dân có vườn cà phê ở xã Lộc Tân (Bảo Lâm) là ông Nguyễn Xuân Bách (trú tại phường Lộc Sơn, Bảo Lộc) tiến hành ghép cây giống theo kiểu “ba vòng” trên diện tích 6 ha. “Và cho đến lúc này, sau ba năm thực hiện thử nghiệm mô hình vườn cà phê ba lớp cây giống tại Trung tâm Thực nghiệm Nông lâm nghiệp và đặc biệt là tại vườn của ông Bách, Trung tâm chúng tôi mạnh dạn công bố là kết quả mang lại là khá tốt về nhiều mặt” – Kỹ sư Phan Hải Triều - GĐ Trung tâm Cây ăn quả Lâm Đồng nói.
Cách làm được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Cây ăn quả đưa ra là: Dựa vào địa hình và đặc điểm sinh trưởng của các giống cà phê hiện có, ở khu vực trung tâm của trang trại giữa đỉnh đồi hoặc lưng chừng đồi được trồng các giống chín muộn TR-9, TR-16; vòng giữa là các giống chín hơi muộn TS-4, TR-11; và vòng ngoài cùng ở phía chân đồi là các giống chín đúng vụ TS-1, TR-11.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Cây ăn quả cho thấy, các giống cà phê chín muộn là các giống có khả năng chịu hạn khá tốt (đến tháng 12 năm trước và tháng 1 năm sau, Tây Nguyên hầu như không có mưa nhưng TR-9, TR-16 vẫn cho trái lớn, nhân đạt chuẩn). Do vậy, việc bố trí trồng các giống chín muộn trên vùng đất cao trên đỉnh đồi ở “vùng lõi” quanh sân phơi, gần lán trại là hợp lý. Ở “vùng đệm” lưng chưng đồi, các giống có khả năng chịu hạn ít hơn là TS-4, TR-4, trái chín trong vòng tháng 11 cũng chính là “vụ đệm” trong thu hoạch cà phê của người nông dân. Tiếp đến, ở vòng ngoài cùng, vùng thấp nhất của quả đồi được bố trí trồng các giống TS-1, TR-11 – các giống ít có khả năng chịu hạn, trái chín đúng vụ, sẽ giúp cho cây sinh trưởng tốt trong môi trường có độ ẩm còn lớn (chân đồi).
Với ba lớp cây giống cà phê theo kiểu này, thời gian thu hoạch sẽ được kéo dài trong vòng từ 3 – 4 tháng (từ đầu tháng 10 năm trước đến cuối tháng 1 năm sau) trước hết là làm giảm áp lực về công lao động (thường thì vào vụ cà phê, nhà vườn Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn trong việc thuê mướn công thu hái); đồng thời, giúp làm giảm “áp lực” tâm lý “xanh nhà hơn già đồng” của người nông dân trước nạn trộm cắp cà phê diễn ra ngày một phổ biến (vì cà phê chín đến đâu thu hoạch đến đó) để từ đó nâng cao chất lượng cà phê nguyên liệu. Và đặc biệt, vườn cà phê “ba lớp” kiểu này còn có thể điều tiết được giá cả thị trường nếu thị trường cà phê nhân trong nước và quốc tế vào vụ thu hoạch chính có nhiều biến động (nhờ ở việc thu hoạch rải ra trong nhiều tháng). Đó là chưa nói đến việc có thể hiệu quả kinh tế của vườn cà phê ba lớp cây giống này cũng sẽ được cao hơn nhờ ở thực tế thiếu hụt nguồn hàng trên thị trường cà phê thế giới vào cuối vụ.
Ông Hùng ở xã Lộc An, người đồng ý cho Trung tâm Cây ăn quả tiếp tục tiến hành thử nghiệm mô hình vườn cà phê ba lớp cây giống trên diện tích hơn 20 ha trong vụ này, cho biết: “Tôi cũng đã tham khảo nhiều mô hình trồng cà phê ở Tây Nguyên nhưng chưa nhìn thấy ở đâu có cách làm như thế này của Trung tâm. Đây là cách làm hoàn toàn mới; mà thường thì mới, có thành công nhưng cũng xen lẫn thất bại; nhưng tin rằng, mô hình này được triển khai trên diện tích hơn 20 ha của tôi sẽ thành công!”. Theo cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Cây ăn quả Lâm Đồng thì ông Hùng là một trong những hộ có rất nhiều kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, nhất là cây cà phê, nên Trung tâm rất tin tưởng khi chọn vườn cà phê nhà ông để triển khai mô hình “cà phê ba lớp cây” mà Trung tâm đang theo đuổi. Còn theo ông Hùng, người trồng cà phê lâu năm có nhiều kinh nghiệm, vườn cây nhà ông đang trong giai đoạn cho thu hoạch và khá sung mãn nên việc ghép cành để tạo vườn cà phê ba lớp cây cho thu hoạch từ chính vụ (chín sớm) đến “sau vụ” (chín hơi muộn) và “muộn vụ” (chín muộn) rất có khả năng mang lại những kết quả khả quan bất ngờ. Cũng theo các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Cây ăn quả Lâm Đồng, việc tạo nên vườn cây giống cà phê ba tầng này chỉ nên thực hiện ghép cải tạo trên gốc cây đang trong thời kỳ sung mãn, không nên ghép trên gốc cà phê đã già cỗi, thoái hóa; và, trang trại cà phê hơn 20 ha của ông Hùng ở xã Lộc An trở thành “đích ngắm” của mô hình này là hoàn toàn có cơ sở khoa học.
Không chỉ dừng lại ở “ba lớp” cây giống, với vườn cà phê của ông Hùng, dự định của Trung tâm trong tương lai là còn chọn một phần diện tích hợp lý để trồng xen cây ăn quả như sầu riêng hoặc bơ, tạo thành mô hình “vườn cây ba giống cà phê và hai tầng”. “Nếu chọn giống bơ thì nên trồng ghép vào mỗi hecta khoảng 100 cây giống. Như vậy, chúng ta sẽ tạo ra mô hình cà phê ba lớp có tỷ lệ 25% cây giống chín sớm, 50% giống chín hơi muộn và 25% cây giống chín muộn, cùng với 100 cây bơ cho 1 ha thì không chỉ giá trị kinh tế của vườn cây được nâng cao mà vườn cây còn đảm bảo việc chắn gió, chống xói lở…” – kỹ sư Phan Hải Triều kỳ vọng.
Hiện nay, mô hình vườn cà phê “ba lớp giống trồng xen cây ăn quả này” chỉ mới là manh nha ở Lâm Đồng, và là mô hình lần đầu tiên được Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao kỹ thuật cây công nghiệp và cây ăn quả thuộc Sở NN-PTNT Lâm Đồng thử nghiệm tại vùng cà phê trọng điểm của tỉnh là huyện Bảo Lâm. Dẫu là mới, nhưng mô hình này đầy triển vọng là nhận định của nhiều nhà chuyên môn ở Tây Nguyên tại một số diễn đàn về nông nghiệp và phát triển trang trại được tổ chức trong thời gian gần đây.
Không những có khả năng chịu hạn cao mà các giống cà phê chín muộn TR-9, TR-16 qua thử nghiệm tại Lâm Đồng còn cho năng suất từ 6 – 7 tấn/ha, cao hơn 3 – 4 tấn/ha so với các giống cà phê được trồng phổ biến hiện nay ở Lâm Đồng.
Cứ mỗi hecta cà phê “ba lớp cây giống” được trồng xen 100 gốc bơ, trung bình mỗi gốc bơ cho thu hoạch 2 tạ mỗi năm và với giá 15.000 đồng/kg được thu mua tại vườn như hiện nay thì thu nhập của các chủ trang trại được tăng lên rất đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
Do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino, Indonesia muốn nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan trong thời gian từ tháng 11-2015 cho tới tháng 1-2016.
Theo Bộ NN&PTNT, trên 20 ha nhãn lồng Hưng Yên đạt tiêu chuẩnVietGap được cấp mã vùng xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong tháng 9 này.
Sau thời gian dài lỗ triền miên từ con giống đến chăn nuôi thương phẩm, đặc biệt khi thông tin thịt gà công nghiệp của Mỹ được bán tại Việt Nam với giá chỉ 1 USD đã đẩy ngành chăn nuôi gà trắng đến ngưỡng... đóng cửa.
Việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi vẫn gia tăng ở mức báo động cả về quy mô và tính chất, gây ra những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.
Thịt heo siêu nạc chứa chất cấm đã ung dung lên bàn ăn và người tiêu dùng lãnh đủ do thiếu kiểm soát