Trồng Dưa Lưới Một Vốn, Ba Lời
Giữa cái nắng gay gắt, bước vào vườn dưa lưới trồng phủ bạt với dàn cây xanh mướt mắt, trái lủng lẳng sắp đến ngày thu hoạch ai cũng trầm trồ, thích thú…
Cô Phạm Thị Kim Chung, quê Nghệ An, hiện là giảng viên khoa Nông nghiệp trường Trung cấp Nông Lâm Nghiệp Bình Dương (phường Định Hòa, TP.TDM) là người trực tiếp chăm sóc vườn dưa của trường. Cô là sinh viên Đại học Nông lâm TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp, cô đăng ký vừa du học, vừa “học việc” tại Israel để nắm bắt kỹ thuật trồng cây tiên tiến, năng suất, chất lượng cao. Cô Chung cho biết: “Mình đã chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới cho nhiều nhà vườn ở Bình Dương. Theo tính toán của nhiều chủ vườn, trồng dưa lưới “vốn một, lời ba”. Mỗi vụ dưa lưới chỉ từ 65 - 70 ngày là thu hoạch. Điều quan trọng là thị trường khá ổn định. Hiện, giá dưa lưới tại vườn khoảng 21.000 đồng/kg, chủ yếu cung cấp cho các siêu thị trong nước, một số xuất sang thị trường Nhật Bản (rất chuộng loại dưa này) và nhiều nước khác”.
Cũng theo cô Chung, dưa lưới là một loại cây thuộc họ bầu bí, vỏ cứng, bề mặt vỏ có đường gân trắng đan vào nhau như… lưới, nhìn rất thích mắt. Trái dưa lưới nước nhiều, ít ngọt và có tính giải nhiệt cao. Dưa lưới hiện nay đang được trồng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc... Ở Việt Nam, dưa lưới mới được trồng vài năm gần đây tại các khu nông nghiệp công nghệ cao ở TP.HCM, Bình Dương... Dưa lưới được trồng trong các nhà màn lưới, kiểu nhà trồng cây công nghệ Israel, mỗi nhà 4 phía có lưới ngăn côn trùng, mái thưng bằng vải nhựa chuyên dùng có khả năng che mưa, gió. Cây dưa được trồng trong các bầu lớn và được lót bạt cao su nên cây không tiếp đất tự nhiên.
Dưa lưới được tưới nước nhỏ giọt, nước được dẫn qua hệ thống ống từ máy tưới đến tận gốc dưa theo đúng mức độ yêu cầu, phân bổ số lần tưới trong ngày theo tuổi cây, theo điều kiện thời tiết. Việc bón phân gồm các chủng loại phân, liều dùng, được pha vào hệ thống nước, bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, các nguyên tố vi lượng cho cây phát triển tốt. Dưa được chăm sóc rất kỹ, đạt chất lượng cao nên dù mới xuất hiện nhưng dưa lưới được nhiều người tin dùng. Hiện tại, dưa lưới đang được trồng và quản lý theo tiêu chuẩn VietGap và Gapglobal, bảo đảm an toàn khi sử dụng.
Vườn dưa lưới của trường Trung cấp Nông Lâm Nghiệp Bình Dương được đầu tư sản xuất và dùng để sinh viên thực hành. Cô Chung cho biết, vườn dưa sắp thu hoạch và hiện đã cắt nước để dưa lưới to, ngọt hơn. Đây cũng là loại cây ít sâu bệnh, lại trồng trong nhà kín nên chi phí cho sản xuất thấp. Với vườn khoảng 500m2 sẽ cho thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng/vụ.
Từ khu vườn mẫu này, giảng viên, sinh viên của trường Trung cấp Nông Lâm Nghiệp Bình Dương “vừa học, vừa làm” thành công với các loại cây trồng như cà chua thủy canh theo tiêu chuẩn VietGap, dưa leo, dưa lưới, xà lách Pháp và nhiều loại rau xanh khác… Với tinh thần ham mê học hỏi và muốn giúp bà con nông dân tiếp cận với phương pháp trồng rau an toàn, cô Chung nói: “Ai có nhu cầu làm nông nghiệp theo hướng trồng rau sạch, cứ đến trường chúng tôi sẽ chỉ dẫn tận tình…”.
Có thể bạn quan tâm
Mùa lấy mật chính vụ của người nuôi ong trên các cánh rừng Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đang khép lại. Có người trúng đậm, có người buồn xo trước một năm thất bát…
Chăn nuôi bò thâm canh đang là hướng đi đầy triển vọng được nhiều địa phương trong tỉnh tập trung phát triển. Ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), những năm qua việc phát triển đàn bò lai theo hướng thâm canh được địa phương quan tâm triển khai và đến nay đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Theo kết quả điều tra tại thời điểm 1/4/2015, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có trên 254 ngàn con, tăng 3,26% so cùng thời điểm năm 2014. Đàn heo tăng chủ yếu ở Hàm Tân và Đức Linh, đây là 2 địa phương có quy mô nuôi khá lớn, chủ yếu là loại hình chăn nuôi trang trại và gia trại (Đức Linh tăng 13,3% và Hàm Tân tăng 11,03%).
Hiện ở nhiều vùng quê, nông dân đang phát triển, nhân đàn trâu, bởi thị trường tiêu thụ khá thuận lợi. Để nâng cao hiệu quả nghề chăn nuôi trâu hàng hóa, việc đảm bảo nguồn giống chất lượng đóng vai trò quan trọng nhằm tăng sản lượng thịt. Đây là yêu cầu cấp thiết cho nghề chăn nuôi trâu phát triển bền vững.