Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng Sản Xuất Ớt Tập Trung Của Vĩnh Bảo Nông Dân Được Mùa Lớn

Vùng Sản Xuất Ớt Tập Trung Của Vĩnh Bảo Nông Dân Được Mùa Lớn
Ngày đăng: 08/06/2013

Liên tiếp năm thứ 3, bà con nông dân ở vùng sản xuất ớt tập trung xã Trấn Dương (Vĩnh Bảo - Hải Phòng) phấn khởi, vì ớt lại được mùa lớn. Bà con vui mừng không chỉ vì sản lượng, năng suất ớt đạt cao mà còn được giá và bao tiêu thuận lợi. Tại thời điểm này, ớt quả được thu mua tại chỗ với giá từ 20 - 48 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi gần 400 triệu đồng/ha.

Thu nhập gấp 10 - 15 lần trồng lúa

Những ngày này, về xã Trấn Dương (Vĩnh Bảo) mới thấy hết không khí tất bật, nhộn nhịp của người trồng ớt nơi đây. Trên cánh đồng được quy hoạch thành vùng sản xuất ớt tập trung rộng 36 ha tràn ngập màu đỏ thắm của ớt chín và tiếng nói cười rộn rã của người thu hoạch ớt. Bà Đào Thị Nghĩa, ở thôn Trấn Nam, xã Trấn Dương hồ hởi khoe: “Gia đình tôi có 5 sào đất trồng lúa. Mỗi năm cấy 2 vụ nhưng năng suất thấp, vì ruộng cao nên tốn kém chi phí và công chăm sóc. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo mô hình vùng sản xuất tập trung của huyện, gia đình tôi chuyển hết diện tích trồng lúa sang trồng ớt Hiểm lai F1.207. Năm nay thời tiết thuận lợi, ớt phát triển tốt, ra sai quả và đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Mỗi ngày, 4 người trong gia đình thu hoạch gần 1 tạ ớt, bán với giá trung bình 35 nghìn đồng/kg thu trên 3 triệu đồng”.

Dạo quanh một lượt vùng sản xuất ớt tập trung đều thấy được sự vui mừng lộ rõ trên khuôn mặt các hộ trồng ớt, bởi đây là thời điểm đầu vụ, ớt được thu mua với giá cao. “Đỉnh” nhất tại vùng sản xuất ớt phải kể đến ông Vũ Văn Nõn, ở thôn Trấn Nam, xã Trấn Dương. Gia đình ông có 18 mẫu (hơn 6ha) đất đấu thầu của xã để trồng ớt. Đây là vụ thu hoạch ớt thứ 2 của gia đình ông Nõn. Vì không có người làm nên ông thuê 150 người thu hoạch quả ớt thường xuyên với mức khoán 5.000 đồng/kg. Ông Nõn cho biết, mỗi ngày, những người làm thuê thu hoạch được 2 tấn ớt tươi. Đầu vụ, ớt quả được thu mua với giá 48 nghìn đồng/kg, sau đó giảm dần, có lúc xuống còn 20 nghìn đồng/kg. Từ đầu vụ đến nay thu hoạch được 30 tấn, đem bán thu hơn 1 tỷ đồng.

Theo tính toán của ông Nõn và nhiều hộ dân tại đây, một vụ ớt cho 2 đợt thu hoạch, mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tháng. Bình quân 1 sào trồng ớt thu được 8 tạ ớt quả. Nếu bán với giá từ 20-48 nghìn đồng/kg, 1 sào ớt thu được khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập từ 1 sào lúa chỉ được từ 1,5-2 triệu đồng/vụ. Như vậy, nếu làm phép tính đơn giản, thu nhập từ 1 sào trồng ớt gấp 10-15 lần trồng lúa. Hơn nữa, ớt quả thu hoạch đến đâu đều được Trung tâm giống và phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng (thuộc Sở Nông Nghiệp Hải Phòng) tới tận ruộng thu mua, xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Cần nhân rộng mô hình

Theo anh Nguyễn Hồng Sáng, chuyên viên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Bảo, tại vùng sản xuất ớt tập trung xã Trấn Dương, mỗi năm bà con nông dân trồng 2 vụ ớt Hiểm lai F1.207. Giống này dễ trồng, năng suất trung bình đạt 28 - 30 tấn/ha, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt với bệnh thán thư, héo xanh... Hơn nữa, trồng ớt mất khoảng 4 tháng là cho thu hoạch, trong khi đó, trồng lúa mất 5 - 6 tháng. Lợi thế của vùng sản xuất ớt tập trung Trấn Dương đó là, bà con nông dân được Trung tâm giống và phát triển nông lâm nghiệp công nghệ cao Hải Phòng đầu từ giống, vốn; được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Quan trọng nhất, trung tâm bao tiêu đầu ra cho sản phẩm.

Chủ tịch UBND xã Trấn Dương (Vĩnh Bảo)Trần Đình Tiến cho biết, cách đây 5 năm, địa phương là một trong những xã nghèo của huyện, đối tượng trồng chính là cây lúa. Từ khi có chủ trương xây dựng vùng sản xuất ớt tập trung thì đời sống người dân trong xã cải thiện đáng kể, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả. Hiện, toàn xã có khoảng 60 hộ trồng ớt với diện tích 36 ha. Thời gian tới, địa phương lên kế hoạch mở rộng thêm 40 ha, thu hút hàng trăm hộ dân tham ra trồng ớt.

Thực tế tại vùng sản xuất ớt Trấn Dương (Vĩnh Bảo) cho thấy, ớt là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa được bà con nông dân nơi đây khẳng định. Do đó, trồng ớt có là hướng phát triển kinh tế mới đối với huyện Vĩnh Bảo trong tương lai đang là vấn đề được bà con nông dân quan tâm. Được biết, huyện Vĩnh Bảo là vựa lúa của thành phố. Tuy nhiên, không phải loại đất nào cấy lúa cũng đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đối với những vùng đất không phù hợp cấy lúa, địa phương có thể quy hoạch, chuyển sang trồng ớt bởi, cây ớt thích nghi với nhiều loại đất như: đất thịt nhẹ, đất pha cát… Hơn nữa, trồng ớt có nhiều lợi thế hơn so với trồng lúa như: khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, quy trình trồng, chăm sóc đơn giản, thời gian cho thu hoạch ngắn,... Thời gian tới, huyện Vĩnh Bảo cần mở rộng thêm các vùng sản xuất ớt tập trung, quy hoạch thành cánh đồng mẫu lớn trồng ớt. Hi vọng trong tương lai về các vùng quê Vĩnh Bảo, cây ớt là chủ đề chính trong mỗi câu chuyện của nông dân, là động lực giúp dân thoát nghèo bền vững.

“Theo ông Nõn, bình quân một ngày, lao động làm thuê vặt được 20 kg ớt, được trả công 100 nghìn đồng/ ngày. Để thu hoạch 36 ha đất trồng ớt tại xã Trấn Dương cần hơn 400 lao động làm việc thường xuyên trong 2 tháng. Như vậy, trồng ớt không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân xã khác”.


Có thể bạn quan tâm

Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế

5 năm qua, huyện Phù Cát đã triển khai nhiều giải pháp khuyến khích phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, làng nghề (CN-TTCN-LN), góp phần tạo điều kiện cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) phát huy nội lực, tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất có hiệu quả.

04/09/2015
Một nông dân đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới Một nông dân đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới

Đó là ông Phạm Sỹ Nhơn, ở thôn Nhơn Nghĩa Đông, xã Nhơn Phúc, TX An Nhơn. Tham gia nghĩa vụ quân sự năm 1992, đến năm 1994 ra quân, với ý chí quyết tâm làm giàu, ông đã làm đủ nghề, từ làm ruộng, nuôi bò, nuôi heo, mở cơ sở sản xuất gạch ngói, sản xuất nước đá... mang lại thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm. Ông luôn gương mẫu đi đầu trong việc hiến đất mở đường, ủng hộ tiền, ngày công xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở địa phương.

04/09/2015
8 tháng khai thác trên 33.500 tấn thủy sản 8 tháng khai thác trên 33.500 tấn thủy sản

Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, toàn huyện hiện có 2.367 tàu cá, tổng công suất 653.271 CV, trong đó có 1.750 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên đánh bắt xa bờ. Nhờ các chính sách phát triển thủy sản của Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá và trang bị các thiết bị hiện đại trên tàu, nên thời gian bám biển và sản lượng khai thác cao hơn trước.

04/09/2015
Ngư dân được tiếp sức Ngư dân được tiếp sức

Các chủ tàu cá khai thác hải sản đạt hiệu quả thấp trên địa bàn tỉnh đang được tiếp sức từ chính sách hỗ trợ cải hoán, nâng cấp tàu cá để tăng năng lực sản xuất.

04/09/2015
Không ngừng nâng chất tiêu chí nông thôn mới Không ngừng nâng chất tiêu chí nông thôn mới

Đến nay, thị xã Ngã Bảy vinh dự là đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) khi có 3/3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về quá trình thực hiện và những thành tựu nổi bật trong xây dựng NTM thời gian qua của địa phương, ông Nguyễn Đăng Hải (ảnh), Phó Chủ tịch UBND, Phó Ban chỉ đạo xây dựng NTM thị xã Ngã Bảy, cho biết:

04/09/2015