Hiểm Họa Từ Đánh Bắt Thủy Hải Sản Bằng Giã Cào
Những năm gần đây, tại một số địa phương ven biển ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa), tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng phương pháp giã cào diễn ra phức tạp. Loại hình đánh bắt này không những hủy hoại môi trường sinh thái, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của ngư dân và tình hình an ninh trật tự trong vùng.
Với diện tích hơn 60km2, có vị trí địa lý tự nhiên lý tưởng và nguồn thủy hải sản phong phú, từ bao đời nay, vịnh Cam Ranh là nguồn sống chủ yếu của nhiều ngư dân địa phương. Tuy nhiên, 4 năm qua, kể từ khi tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng phương thức giã cào rộ lên, môi trường sống tại đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc đánh bắt các loại thủy hải sản không còn dễ dàng như trước. Vì thế, cuộc sống của hàng ngàn ngư dân trở nên khó khăn hơn. Họ không những mất nguồn thu nhập mà còn bị đe dọa đến tính mạng trong những lần cố gắng ngăn cản hành vi đánh bắt giã cào.
Ông Trần Quang Khanh (xã Cam Lập) kể: “Khoảng tháng 10-2012, toàn bộ lưới của tôi đều bị ghe giã cào cào sạch. Chúng tôi đề nghị các ngành, các cấp có biện pháp can thiệp để ghe giã cào không hoạt động trong vịnh Cam Ranh. Nếu tình trạng này tiếp tục thì cá nhỏ, cá lớn sẽ hết sạch”. Trong khi đó, ngư dân Nguyễn Hữu Phương (xóm Bãi Lao, xã Cam Lập) cho biết: “Trước đây, tôi đánh bắt cá rất dễ, bây giờ giã cào nhiều quá nên lượng cá đánh bắt được rất ít”. Không riêng anh Phương, 200 ngư dân xóm Bãi Lao cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Thời gian qua, chính quyền xã Cam Lập đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các ngành chức năng tiến hành tuần tra, ngăn chặn và xử lý các ghe giã cào nhưng không đạt hiệu quả, bởi phương tiện chủ yếu của lực lượng chức năng là huy động những tàu cá công suất nhỏ của ngư dân, trong khi những chiếc ghe giã cào lại có công suất lớn hơn. Bên cạnh đó, theo chính quyền địa phương và nhiều ngư dân xã Cam Lập, hiện nay, trên vịnh có hàng chục ghe sử dụng phương tiện đánh bắt giã cào không nằm trong phạm vi quản lý của xã đang hoạt động. Trong khi đó, việc kiểm tra, xử lý của chính quyền còn ít và chưa đủ sức răn đe, cùng với nhiều lý do khách quan, chủ quan khác đã khiến cho tình trạng đánh bắt thủy hải sản bằng phương pháp giã cào ngày càng diễn biến phức tạp.
Ngư dân địa phương cho biết, trong quá trình hoạt động đánh bắt bằng giã cào, tất cả các loài thủy hải sản từ vùng mặt nước đến đáy sâu dưới tầng lớp cát ở vịnh Cam Ranh đều bị khai thác triệt để. Nếu không có những biện pháp quản lý, giám sát hiệu quả của các cấp chính quyền và ngành chức năng, các loài thủy hải sản sẽ đứng trước nguy cơ bị tận diệt, kéo theo đó là nhiều hậu quả khôn lường về môi trường sinh thái và cuộc sống của người dân địa phương, cũng như những hệ lụy về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Theo ông Vũ Bình An - Bí thư Đảng ủy xã Cam Lập, lực lượng Công an, Xã đội mỏng, địa bàn rộng; mặt khác, phương tiện để cho các lực lượng này tuần tra không đủ tốc độ và còn hạn chế nên việc kiểm tra, ngăn chặn nạn giã cào ở khu vực vịnh rất khó khăn. Trong khi đó, những người đánh bắt bằng giã cào tại vùng biển Cam Lập lại không phải người địa phương nên việc tuyên truyền, vận động xử phạt hành chính rất khó.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, phong trào chăn nuôi phát triển mạnh trên địa bàn xã Yên Trạch (Cao Lộc - Lạng Sơn). Đặc biệt, mô hình nuôi gà theo hướng an toàn sinh học đã mở ra cơ hội mới cho người dân, vừa đem lại lợi nhuận cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường.
Đối với giống K95-156 đẻ nhánh khỏe, phát triển rất nhanh, lóng lớn và dài, chịu hạn tốt, năng suất trên 85 tấn/ha. Cả 2 giống mía trồng theo mô hình không tưới nước.
Nhờ nuôi ếch mà gia đình anh Lý Thường Tình cũng như nhiều hộ dân ở thôn Đức Long 2, xã An Nông (Triệu Sơn - Thanh Hóa) đã thoát nghèo, từng bước vươn lên khá - giàu.
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL: “Với diện tích sản xuất lúa giống năm 2013 của An Giang là 22.338 héc-ta, sản lượng lúa giống đưa ra thị trường cả nước 138.500 tấn, An Giang trở thành tỉnh đứng đầu về xã hội hóa giống lúa”.
Không ít người tò mò tìm đến xã Xuân Bảo (Cẩm Mỹ - Đồng Nai) để chiêm ngưỡng những cây bơ cho “trái vàng”. Bởi chỉ thu hoạch 2-3 cây bơ đã có thể mua được cả lượng vàng.