Vùng Rau Chuẩn An Toàn Duy Nhất Của Tỉnh Bắc Ninh
Tháng 1-2014, dự án rau an toàn thuộc Khu thực nghiệm Nông nghiệp công nghệ cao (Sở KH&CN) được khởi động, đến nay, cung ứng 500-700kg rau an toàn mỗi ngày. Với quy trình sản xuất chặt chẽ, khoa học, dự án được cấp giấy chứng nhận VietGap và trở thành một vùng rau an toàn duy nhất được công nhận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ở thời điểm này.
Theo Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh, hàng năm toàn tỉnh có khoảng 15.000 ha trồng rau, nhưng diện tích trồng rau theo hướng an toàn chỉ đạt gần 260 ha, chiếm chưa đến 2%. Thực tế nhiều mô hình rau an toàn đã được các cơ quan chức năng của tỉnh, các Viện nghiên cứu của Trung ương triển khai nhưng chưa đủ điều kiện để công nhận VietGap.
Vướng mắc chính là ở việc các vùng rau an toàn nằm trên phần đất của nông dân, do đó, nhà quản lý không thể chủ động kiểm soát toàn bộ quy trình đối với người thực hiện. Vì vậy, người tiêu dùng không có một địa chỉ tin cậy nào để mua thực phẩm sạch và hàng ngày vẫn thường trực nỗi lo khi sử dụng những loại rau có nguồn gốc không rõ ràng.
Trong buổi làm việc với Sở KH&CN Bắc Ninh cuối năm 2013, đồng chí Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, đơn vị đầu ngành trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới này cần phải xây dựng được một dự án rau an toàn chuẩn để làm cơ sở cho nông dân học tập, làm thay đổi nhận thức của người trồng rau từ đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Vốn có những chuẩn bị từ trước, cùng với hạ tầng cơ sở của Khu thực nghiệm Nông nghiệp Công nghệ cao cơ bản hoàn thành, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (thuộc Sở KH&CN) gấp rút tổ chức triển khai dự án rau an toàn tại đây.
Dự án có diện tích gần 7ha, với các mẫu đất, nước được kiểm định đạt chuẩn, hệ thống phun nước tưới rau tự động, nhà lưới,… được xây dựng đồng bộ. Quy trình sản xuất rau áp dụng theo tiêu chuẩn VietGap có ứng dụng các giải pháp quản lý hiện đại (công nghệ thông tin, áp dụng mã số, mã vạch…).
Cán bộ của Trung tâm có thể kiểm soát mọi khâu sản xuất một cách chủ động, đặc biệt là thời gian cách ly khi sử dụng thuốc BVTV, ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc sinh học. Lao động trực tiếp sản xuất đều được tham gia các lớp tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, rau sẽ được chuyển vào phòng sơ chế, phân loại, làm sạch và khi sử dụng không cần phải ngâm nước muối hay các chất làm sạch khác.
Trung tâm đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với Công ty CP Hương Việt Sinh để cung cấp rau cho bếp ăn các trường học tại thành phố Hà Nội.
Điểm đặc biệt của dự án này là vừa tạo việc làm cho khoảng 80 lao động, vừa hướng dẫn trực tiếp cho nông dân của địa phương trồng rau theo hướng an toàn. Bà Nguyễn Thị Duyên, thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn (Tiên Du) cho biết: “Mặc dù đã có kinh nghiệm nhiều năm trồng rau nhưng đến nay, chúng tôi mới được phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy cách. Áp dụng quy trình này tại vườn rau của nhà đạt hiệu quả cao, tiết kiệm được chi phí sản xuất mà lại an toàn cho người sử dụng”.
Chủ nhiệm dự án, ông Bùi Hữu Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH&CN nhận xét: “Sản xuất rau an toàn không khó, nhưng thay đổi thói quen của người dân trong việc trồng và sử dụng rau thì lại cần một quá trình dài. Dự án của chúng tôi mới được tiến hành trong thời gian ngắn, diện tích nhỏ nhưng có thể trở thành mô hình mẫu để người dân học tập và áp dụng ngay trong việc sản xuất của gia đình”.
Năm 2012, Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm cho Rau, Thịt, Cá trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 đặt ra mục tiêu đến năm 2015, 70% diện tích trồng rau được sản xuất theo quy tắc an toàn, trong đó 30% sản lượng được chứng nhận và công bố sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Ở thời điểm này, mục tiêu ấy dường như vẫn còn khá xa nhưng hy vọng, dự án rau an toàn của Trung tâm Thông tin và Ứng dụng Tiến bộ KH&CN mở ra hướng phát triển những vùng rau an toàn chuẩn và mang lại niềm tin cho người tiêu dùng về một tương lai được sử dụng thực phẩm sạch.
Có thể bạn quan tâm
Theo Tổng cục Thống kê, tính thời điểm 1-10-2014 tổng đàn bò của cả nước là 5,24 triệu con, tăng 1,5%, đàn heo là 26,8 triệu con tăng gần 2%, còn đàn gia cầm là 327,7 triệu con, tăng gần 3,2% so với năm 2013. Đối với thủy sản nuôi gồm cá tra, tôm (sú và thẻ chân trắng, hải sản…) là gần 3,4 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Từ quyết tâm thoát nghèo, bằng ý chí và nghị lực kiên cường, chị Lâm Thị Nụ, tiểu khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong - Hòa Bình) đã mạnh dạn đầu tư vào cây cam. Vượt qua những khó khăn và thất bại, sau 10 năm gắn bó, cây không phụ lòng người, giúp gia đình chị thoát nghèo và trở thành tỷ phú.
Những năm gần đây, giá cam cam xoàn ở huyện Long Mỹ luôn đứng ở mức cao, từ 27.000 - 50.000 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư cho một công cam xoàn từ 10 - 15 triệu đồng, khoảng 2 năm là cho thu hoạch, mỗi năm 2 đợt trái với năng suất trung bình từ 20 đến 30 tấn/ha. Với giá như hiện nay, sau khi trừ chi phí người trồng cam còn thu lời từ 200 đến 300 triệu đồng mỗi héc-ta. Theo thống kê, huyện Long Mỹ hiện có hơn 300ha cam xoàn, trong đó có gần 100ha đang cho trái.
Bộ NN&PTNT cho biết, Chỉ thị được đưa ra bởi Ủy ban châu Âu có văn bản gửi Bộ thông báo tình trạng gia tăng đột biến các lô hàng thủy sản của Việt Nam bị cảnh báo vi phạm quy định về hóa chất kháng sinh và đề nghị phía Việt Nam phải có các biện pháp khắc phục khẩn cấp, thông báo lại cho phía họ trước ngày 9/1/2015.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ tiền xây dựng ao lắng cho người nuôi tôm. Theo đó, những hộ xây dựng ao lắng mới sẽ được hỗ trợ 70 triệu đồng/ha, 35 triệu đồng/ha cho những hộ thực hiện cải tạo lại ao với điều kiện các hộ phải trong tổ hợp tác, liên kết.