Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng Mía Nguyên Liệu Giảm Sút Cả 3 Tiêu Chí

Vùng Mía Nguyên Liệu Giảm Sút Cả 3 Tiêu Chí
Ngày đăng: 15/01/2015

Niên vụ ép 2014 - 2015, cả 3 nhà máy đường ở Nghệ An đã đi vào hoạt động. Nhưng vụ ép năm nay các nhà máy đường đều đối mặt với khó khăn do diện tích mía giảm, năng suất mía không cao, dẫn đến sản lượng mía giảm nhiều so với các niên vụ trước.

Vùng mía nguyên liệu cho 3 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh hàng năm được ổn định từ 28.600 - 28.800 ha. Trong đó, Nhà máy đường Tate & Lyle 18.800 ha, Nhà máy đường Sông Con 8.200 ha và Nhà máy đường Sông Lam 1.800 ha. Nhưng niên vụ ép 2014 - 2015 này trên cả 3 vùng mía nguyên liệu của 3 nhà máy diện tích năng suất và sản lượng mía đều thấp thua so với kế hoạch đề ra và giảm nhiều so với niên vụ ép năm 2013 - 2014.
Tại Nhà máy đường Tate & Lyle, ông Ngô Văn Tú - Phó Tổng Giám đốc cho biết: Niên vụ ép 2014 – 2015, diện tích mía giảm 3.000 ha, năng suất mía giảm từ 2 - 3 tấn/ha so với vụ ép 2013 - 2014, kéo theo sản lượng mía giảm trên 200.000 tấn. Tại nhà máy đường Sông Lam, ông Hoàng Văn Hùng - Phó Giám đốc cho biết: Chưa bao giờ nhà máy lại thiếu nhiều mía nguyên liệu như niên vụ này. Những vụ ép trước đây, nhà máy luôn ổn định 1.800 ha mía, sản lượng thu mua đạt từ 100.000 - 110.000 tấn.
Nhưng niên vụ ép này diện tích mía đứng chỉ còn lại 1.400 ha, giảm 400 ha so với vụ trước. Địa phương giảm diện tích mía nhiều ở vùng mía nguyên liệu này là huyện Anh Sơn. Các xã như Hoa Sơn từ 154 ha mía trước đây, nay chỉ còn lại 100 ha và sẽ tiếp tục giảm nữa. Tại xóm 4, xã Hoa Sơn có 167 hộ, năm 2013 còn trồng được 36 ha mía, sang năm 2014 chỉ còn lại 17 ha mía. Chị Nguyễn Thị Mến ở xóm 4, xã Hoa Sơn, cho biết: Gia đình chị năm 2013 trồng 17 sào mía (1 sào 500m2) nay chỉ trồng 7 sào. Số diện tích không trồng mía 10 sào đó chuyển sang trồng ngô xuân + đậu hè thu + ngô đông.
Kết quả thu hoạch cả năm 2014 qua tính toán cho thấy: Bình quân 1 sào mía thu hoạch được 2.750 kg, bán cho nhà máy với giá 800 đồng/kg, thành tiền 2.200.000 đồng. Trong khi đó chi phí đầu tư cho sản xuất (phân các loại, giống, công chăm sóc thu hoạch…) hết 1.530.000 đồng, thu nhập được trên 1 sào mía cả năm 2014 chỉ được 670.000 đồng.
Trong khi đó, diện tích bỏ mía để trồng 2 vụ ngô và 1 vụ đậu thì cả năm thu hoạch được 540 kg ngô hạt, giá bán 6.500 đồng/kg ngô và 35 kg đậu xanh chi phí các khoản còn thu 3.045.000 đồng/sào/năm. “Rõ ràng trồng mía thu nhập quá kém so với trồng ngô và đậu cùng trên diện tích đó. Đây chính là lý do chúng tôi sẽ giảm trồng mía…”, chị Nguyễn Thị Mến nói.
Không riêng gì xã Hoa Sơn mà còn nhiều xã khác như xã Thành Sơn từ 88 ha mía năm 2013, nay chỉ còn lại 41 ha; xã Bình Sơn cũng từ 281 ha mía trước đây, nay chỉ còn lại 212 ha và khả năng tiếp tục giảm trong vụ trồng năm 2015. Theo ông Hoàng Văn Hùng - Phó Giám đốc Nhà máy đường Sông Lam thì: Việc nhà máy thiếu nguyên liệu, đồng nghĩa với việc công nhân giảm thu nhập, do không có việc làm. Đây là vấn đề nan giải mà lãnh đạo nhà máy đang khẩn trương nghiên cứu, tìm kiếm giải pháp khắc phục.
Vì vậy, vụ ép 2014 - 2015 nhà máy bãi bỏ việc thu mua mía cho bà con nông dân tại nhà máy và thay vào đó là cán bộ của nhà máy trực tiếp thu mua mía cho bà con nông dân tại ruộng. Đồng thời kể từ tháng 11/2014 nhà máy không tính lãi suất đối với bà con nông dân đã vay giống và phân bón trong khi sản xuất và sẽ hỗ trợ mía trồng mới năm 2015 cho mỗi ha 3 tấn vôi đầu tư cho cây mía.
Đối với vùng mía nguyên liệu của Nhà máy đường Sông Con, tuy diện tích mía giảm không nhiều nhưng năng suất mía giảm khá mạnh. Ông Trần Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Nhà máy đường Sông Con cho biết: Niên vụ ép 2014 - 2015 diện tích mía nguyên liệu sụt giảm không nhiều nhưng năng suất mía giảm khá lớn, từ năng suất bình quân trên 58 tấn/ha trong vụ ép năm 2013 - 2014, nay chỉ còn lại gần 54 tấn/ha, giảm hơn 4 tấn/ha, kéo theo sản lượng mía cả vụ ép giảm gần 40.000 tấn.
Cũng theo ông Trần Ngọc Sơn, nguyên nhân năng suất mía giảm chủ yếu là do một phần vì hạn hán kéo dài nhiều ngày không có mưa trong thời gian vừa qua. Phần còn lại do giá thu mua mía cho bà con nông dân với giá thấp hơn các vụ trước đó, nên họ không mạnh dạn đầu tư phân bón nhiều và đủ cho cây mía như các vụ trước.
Còn theo ông Nguyễn Duy Kết - Chủ tịch UBND xã Giai Xuân (huyện Tân Kỳ) là xã có diện tích mía lên đến 1.150 ha, nhiều nhất trong số các xã thuộc vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường Sông Con: Vụ mía năm 2013 năng suất mía toàn xã đạt bình quân 62 tấn/ha, vụ mía năm 2014 năng suất mía chỉ còn lại 57 tấn/ha, giảm 5 tấn/ha.
Khi chúng tôi hỏi vì sao năng suất mía giảm lớn như vậy thì ông Kết cho biết: Niên vụ trước giá mía nhà máy mua bình quân 900.000 đồng/tấn mía, đến niên vụ 2013 - 2014 giá mua mía của nhà máy giảm xuống còn 800.000 đồng/tấn đối với mía loại 1 và 770.000 đồng/tấn mía loại 2. Trong khi đó giá giống mía, giá phân bón, giá ngày công lao động lại cao. Nếu tính đầy đủ thì chi phí đầu tư để sản xuất trên 1 ha mía hết gần 40 triệu đồng, doanh thu trên mỗi ha mía chỉ có 44 - 45 triệu đồng, trừ chi phí, còn lại chỉ thu nhập được từ 4 - 5 triệu đồng/ha/năm.
Đó là chưa kể đến trường hợp nơi trồng mía ở xa đường giao thông vùng nguyên liệu, chặt xong mía phải thuê xe công nông, xe kéo tay bốc và vận chuyển mía ra đường lớn cho ô tô chuyển về nhà máy. Trong trường hợp này thì người trồng mía gần như không có lãi, thậm chí thua lỗ.
Không phải bây giờ, mà đã 2, 3 năm nay vùng mía nguyên liệu ở Nghệ An đã và đang có xu thế giảm dần cả diện tích, năng suất và sản lượng mía. Theo chúng tôi có nhiều nguyên nhân như: giá cả thu mua thấp, thời tiết không thuận lợi, sâu bệnh phát triển mạnh…
Vì vậy, vấn đề là phải tìm giải pháp khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tình trạng nói trên. Để làm được việc này, đòi hỏi vào công tác tái cơ cấu lại vùng đất trồng mía bằng cách mạnh dạn chuyển dần đất lúa không hoàn toàn chủ động nước, sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng mía.
Việc làm này đã được Công ty Nông nghiệp Sông Con (huyện Tân Kỳ) thử nghiệm chuyển 120 ha sản xuất lúa kém hiệu quả do không chủ động nước sang trồng mía, đã đưa năng suất mía từ bình quân 68 tấn/ha lên 110 - 120 tấn/ha. Đây là cách làm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất đã đưa doanh thu trên 1 ha mía từ 54 - 55 triệu đồng/ha lên 90 - 95 triệu đồng/ha, trừ chi phí các loại, người trồng mía vẫn có thu nhập được từ 50 - 55 triệu đồng/ha/năm.
Cách làm này không những đem lại giá trị kinh tế cao mà hạn chế được tình trạng đang trên đà sụt giảm diện tích, năng suất và sản lượng mía trong các vùng nguyên liệu của các nhà máy đường. Đồng thời, các nhà máy đường cần có chiến lược về vùng nguyên liệu tốt hơn nhằm đưa giống mới năng suất vào sản xuất, sát cánh với người nông dân để cùng đồng hành qua các mùa vụ theo hướng 2 bên cùng hưởng lợi…


Có thể bạn quan tâm

Đã Xác Định Nguyên Nhân Cá Chết Ở Xã Quảng Thọ Đã Xác Định Nguyên Nhân Cá Chết Ở Xã Quảng Thọ

Hơn nửa tháng nay, tình trạng cá bị bệnh và chết ở xã Quảng Thọ (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế) khiến hàng trăm hộ nuôi đứng ngồi không yên. Chi cục Nuôi trồng thủy sản đã cử cán bộ trực tiếp đến địa phương hướng dẫn bà con về cách phòng, chống bệnh cho cá và xử lý môi trường nước ở vùng nuôi...

30/05/2012
Cách Chiết Cây Ăn Quả Nhanh Ra Rễ Như Thế Nào? Cách Chiết Cây Ăn Quả Nhanh Ra Rễ Như Thế Nào?

Chiết cành thường vào vụ xuân tháng 2-4 và vụ thu tháng 8-9. Vụ xuân chiết trước khi cây nhú lộc xuân. Nếu các loại cây rụng lá vào mùa đông, cần chiết sau khi lộc xuân đã trở thành lá bánh tẻ thì tỷ lệ cây sẽ ra rễ nhiều hơn

14/06/2011
Thu Giữ Một Lượng Lớn Chất Cấm Trong Chăn Nuôi Thu Giữ Một Lượng Lớn Chất Cấm Trong Chăn Nuôi

Tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Đắk Nông ngày 28.5, đơn vị này đã phát hiện và thu giữ một lượng lớn chất cấm trong chăn nuôi được bán tại hai cơ sở kinh doanh thuốc thú y, thức ăn gia súc của bà Vũ Thị Miên (xã Đắk Sin) và cửa hàng Anh Khoa (thị trấn Kiến Đức, cùng H.Đắk R’lấp).

30/05/2012
Đề Phòng Bệnh Lạ Xuất Hiện Trên Tôm Nuôi Ở Ninh Thuận Đề Phòng Bệnh Lạ Xuất Hiện Trên Tôm Nuôi Ở Ninh Thuận

Trở lại vùng nuôi tôm ở Ninh Thuận dọc tuyến đường ven biển từ An Hải (Ninh Phước) đến Phước Dinh (Thuận Nam), chúng tôi cảm nhận được không khí trầm lặng khi nhìn thấy khá nhiều ao đìa bỏ không. Trong những tháng qua, do xuất hiện bệnh lạ làm tôm nuôi chết hàng loạt đã khiến các hộ nuôi chần chừ chưa dám thả giống dù đã vào chính vụ. Một số hộ chọn giải pháp an toàn là ngưng sản xuất để xem thử tình hình.

31/05/2012
Vicofa Hỗ Trợ Giống Cây Cà Phê Cho Các Tỉnh Tây Nguyên Vicofa Hỗ Trợ Giống Cây Cà Phê Cho Các Tỉnh Tây Nguyên

Theo đó, Sở NN–PTNT Dak Lak được hỗ trợ 75.400 cây, Lâm Đồng: 70.000 cây, Dak Nông: 50.000 cây, Gia Lai: 50.000 cây, Kon Tum: 10.000 cây, Công ty TNHH một thành viên cà phê Thắng Lợi (Dak Lak): 20.600 cây, Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu cà phê 2/9 (Dak Lak): 20.000 cây. Số lượng cây giống này gồm 3 loại: cà phê mít ghép, cà phê vối ghép và cà phê thực sinh do Công ty TNHH tư vấn đầu tư phát triển nông - lâm nghiệp Eakmat cung cấp vào tháng 7/2012. Tiến sĩ Trần Vinh, Phó viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết: số cà phê giống này phục vụ cho việc tái canh những diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng. Viện cũng sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho bà con nông dân trong việc triển khai việc tái canh đạt hiệu quả.

01/06/2012
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.