Nhiều Thách Thức Cho Ngành Chăn Nuôi Khi Việt Nam Gia Nhập TPP
Năng suất thấp, giá thành sản xuất cao, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa kiểm soát tốt dịch bệnh… là những hạn chế của ngành chăn nuôi Việt Nam hiện nay. Nếu không khắc phục những tồn tại này, ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết. Trong đó, dự kiến, thuế suất nhiều sản phẩm thịt nhập khẩu bằng 0%.
Thua ngay trên sân nhàTheo thống kê, trong số 20 nước có tổng đàn heo nái đứng đầu thế giới, Việt Nam đứng cuối bảng về năng suất sinh sản. Ở các nước như Mỹ, Thái-lan, Trung Quốc… trung bình mỗi heo nái sinh sản 26 con heo con/năm, thì Việt Nam chỉ sinh sản được khoảng 16 con/năm.
Ngoài ra, nguyên liệu sản xuất thức ăn ở Việt Nam lại phụ thuộc vào thị trường nước ngoài khi có gần 90% phải nhập khẩu. Điều này khiến giá thức ăn chăn nuôi ở trong nước luôn cao hơn các nước trong khu vực từ 10 đến 15% đã đẩy giá thành sản phẩm chăn nuôi cao hơn các nước khác. Điều này tạo nên nghịch lý thịt ngoại đang được người tiêu dùng trong nước lựa chọn thay cho thịt nội. Bởi, dù đang chịu mức thuế nhập khẩu từ 5 đến 7%, nhưng giá thịt ngoại trên thị trường vẫn không cao hơn thịt nội là mấy, trong khi chất lượng lại tốt hơn.
Bên cạnh đó, xét trên bình diện chung, quy mô chăn nuôi chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 23 nghìn trang trại, ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Vậy điều gì sẽ xảy ra khi thịt ngoại sẽ được nhập vào Việt Nam với thuế suất 0% trong trường hợp Việt Nam gia nhập TPP?
Nói về vấn đề này, ông Phạm Đức Bình, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Bình, đồng thời là Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai cho biết: “Trong bối cảnh ngành chăn nuôi trong nước đang có quá nhiều yếu thế, giá thịt heo, thịt gà cao hơn so với các nước, một khi gia nhập TPP, thuế suất nhập khẩu thịt và các sản phẩm liên quan của các nước nhập vào Việt Nam với thuế suất bằng 0%, giá thành thậm chí sẽ còn thấp hơn thịt nội, ngành chăn nuôi trong nước khó cạnh tranh nổi. Hệ lụy là không chỉ người chăn nuôi, mà những nông dân trồng cây lương thực làm nguyên liệu thức ăn cho ngành chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng”.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công nhấn mạnh: “Hiện nay, khi Hiệp định TPP chưa đàm phán xong, nhưng thực tế thì người tiêu dùng trong nước đã có xu hướng dùng các loại thịt ngoại, đặc biệt là thịt bò. Cụ thể, chỉ trong 11 tháng năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu gần 210 nghìn con trâu, bò theo đường chính ngạch, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2013.
Con số này đã chứng minh được nhận định trên. Và điều khi sẽ xảy ra khi Việt Nam tham gia TPP, tôi nghĩ chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ đối mặt với những thử thách cực lớn, nguy cơ thua ngay trên sân nhà là rất cao nếu chúng ta không có những biện pháp khắc phục những hạn chế này”.
Giải pháp nào cho ngành chăn nuôi?
Những dự báo như trên đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu, và nếu không có những giải pháp đối phó, rất có thể mối lo ngại trên sẽ trở thành hiện thực. Trong số nhiều “đối sách” đưa ra bàn bạc, thảo luận, vấn đề làm sao tăng năng suất, giảm giá thành chăn nuôi để tận dụng lợi thế về mức ưu đãi thuế suất xuất khẩu các sản phẩm gia súc, gia cầm sang các nước thành viên TPP đã thu hút nhiều sự quan tâm, bàn luận.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, lại băn khoăn: “Đây là chuyện không hề đơn giản. Muốn làm được điều này, chúng ta phải hình thành ngay quy hoạch và xây dựng ngay các vùng chăn nuôi tập trung, có quy mô lớn để sản xuất. Những vùng này sẽ chuyên sản xuất các loại vật nuôi có chất lượng tốt, năng suất cao, bảo đảm các yếu tố tiêu chuẩn để xuất ngoại, như vậy mới có thể hy vọng”.
Trước những yêu cầu khắt khe về hàng rào kỹ thuật thương mại quốc tế, việc xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm để cạnh tranh ngay trong các nước thành viên xem ra là vấn đề của nhiều năm sau nữa.
Nhiều người thực tế hơn thì cho rằng, giải pháp tốt nhất để ngành chăn nuôi trong nước đứng vững khi Việt Nam gia nhập TPP, là phải tăng sức cạnh tranh đối với các sản phẩm thịt nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa. Tức là, phải tìm cách để nâng cao chất lượng thịt nội, hạ giá thành chăn nuôi, tạo ra giá bán cạnh tranh trên thị trường và quan trọng là phải tạo ra được chuỗi thị trường ổn định, bền vững.
Ông Phạm Đức Bình cho biết thêm: “Muốn đứng vững trước “làn sóng TPP”, vấn đề đầu tiên là người chăn nuôi phải chủ động, phải thay đổi tư duy sản xuất. Tức là phải liên kết với nhau, tạo nên một chuỗi thông suốt từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, phải chủ động được con giống, thức ăn, thuốc thú y… thông qua sự liên kết với các doanh nghiệp. Có như vậy mới mong hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các loại thịt ngoại”.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Phan Minh Báu thì cho rằng: “Khi Việt Nam gia nhập TPP, tức là tham gia vào sân chơi chung, chúng ta phải hoàn thiện mình. Chúng ta không hoàn thiện, không làm mình mạnh lên thì sẽ gặp thiệt thòi.
Một trong những giải pháp mà ngành chăn nuôi Đồng Nai - địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất nước với gần 1,3 triệu con heo, 13 triệu con gà công nghiệp - đang triển khai là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại khâu chăn nuôi theo hướng ổn định về số lượng, bảo đảm chất lượng.
Để thực hiện chính sách này, Đồng Nai đang có nhiều chương trình để hỗ trợ người chăn nuôi đầu tư sản xuất theo hướng hiện đại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia cùng người chăn nuôi hình thành nên các chuỗi liên kết sản xuất. Qua đó nâng cao chất lượng và hạ giá thành chăn nuôi”.
Liệu những giải pháp mà ngành chăn nuôi trong nước đã và đang chuẩn bị có đủ để giúp người nông dân “đứng vững” trước “làn sóng” thịt ngoại được dự báo sẽ đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường trong nước khi Việt Nam là thành viên TPP? Đây chắc chắn là một trong những thử thách mà ngành chăn nuôi trong nước đối mặt với nhiều thách thức đang đặt ra không hề nhỏ.
Có thể bạn quan tâm
Là vùng đất chiêm trũng với diện tích mặt nước lớn, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đã tận dụng lợi thế, mạnh dạn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi trồng thủy sản (NTTS) giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Hơn 13 năm qua, kể từ ngày chè cây cao được đưa vào trồng trên nương ngô, nương sắn cũng là chừng ấy năm, các hộ gia đình ở Can Hồ bỏ công chăm sóc, làm hàng rào bảo vệ cẩn thận, mặc dù nguồn thu từ cây chè chẳng đáng là bao. Chè búp tươi sau khi thu hái, sơ chế chỉ bán cho người dân bản Thèn Pả xã Huổi Lèng sử dụng.
Tính đến cuối tháng 7, nông dân huyện Điện Biên Đông đã hoàn thành gieo cấy những thửa ruộng cuối cùng thuộc trà muộn vụ lúa mùa năm 2014. Hiện nay, phần lớn diện tích lúa mùa trên địa bàn đang bén rễ hồi xanh và bước vào thời kỳ đẻ nhánh.
Thạch Đỉnh là một trong những xã nghèo của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Đầu năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã kết hợp với UBND xã Thạch Đỉnh xây dựng mô hình trình diễn "Nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng bền vững trong ao đất có quạt nước" do anh Lê Văn Loan làm chủ mô hình.
Thủy sản được đánh giá là một trong những lợi thế góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, phát triển kinh tế hộ. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nguồn lợi này thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mưa lũ, dịch bệnh. Vì vậy, người nuôi thủy sản cần chủ động các biện pháp đối phó để nguồn lợi thủy sản phát triển bền vững, hiệu quả.