Vùng Khóm Đồng Dinh Bị Bệnh Héo Lá, Giảm Năng Suất
Hơn 1 năm qua, vùng trồng khóm Đồng Dinh (Phú Hòa - Phú Yên) rộng 500ha xuất hiện bệnh héo đỏ lá. Hiện loại bệnh này không có thuốc trị khiến khóm “xuống sức” kéo theo giảm năng suất, thiệt hại ước tính lên đến hàng tỉ đồng.
Bệnh lây lan nhanh
Ông Đặng Thành Tâm, một người trồng khóm ở thị trấn Phú Hòa than thở: “Rẫy khóm của tôi ban đầu xuất hiện hiện tượng héo đỏ lá từng chòm nhỏ trên đọt, sau đó lan ra nhiều diện tích, tôi cứ tưởng vùng này bị khô nước. Thế nhưng, tôi đi dọc theo suối Cái qua các vùng trồng khóm lân cận thì rẫy khóm nào cũng có hiện tượng này. Nhưng hầu hết bà con trồng khóm ở đây không biết bệnh gì?”.
Bà Hồ Thị Giang vừa đầu tư trên 100 triệu đồng mua rẫy khóm bên cạnh rộng trên 2ha cũng bị loại bệnh này. Trong khi đó, vợ chồng bà mua rẫy khóm mới “ăn” lứa khóm trái vụ thu nhập chưa đáng là bao, đến vụ khóm chính, rẫy khóm bị héo đỏ lá.
“Tưởng là khóm gốc lâu năm xấu nên vợ chồng tôi trồng lại khóm tơ, cuối cùng cũng bị héo đỏ lá. Khi khóm tơ bị bệnh, sau một thời gian khô từ lá xuống gốc nên tôi đành nhổ bỏ. Lúc trồng, tôi bón lót gần 20 bao phân, với giá như hiện nay tương đương trên 10 triệu đồng, đó là chưa tính công làm cỏ, chăm sóc”, bà Giang nói.
Nhiều rẫy khóm trong vùng bị bệnh héo đỏ lá, một số người nghĩ như một bệnh thường gặp trên các loại cây trồng khác nên mua thuốc trừ rầy, thuốc sâu về phun để ngăn ngừa nhưng vẫn không khỏi.
Ông Nguyễn Văn Minh, một nông dân ở xã Hòa Thắng trồng khóm ở vùng này cho biết: “Thấy khóm bị bệnh ngày càng lan rộng, tôi mua thuốc trừ rầy về phun. Thời gian đầu thấy bệnh không phát thêm nhưng lá không xanh lại. Sau đó nhìn kỹ trên đọt lá vẫn héo đỏ, về sau lan xuống gốc làm khô cây”.
Giảm năng suất
Ông Lê Hồng Ngọc (ở thị trấn Phú Hòa) có rẫy khóm tại Đồng Dinh rộng 8ha, trung bình hằng năm thu trên 100 triệu đồng/ha, trừ chi phí lãi 40 triệu đồng/ha. Nhưng nay khóm bị bệnh, năng suất giảm, lãi chỉ còn 10 đến 15 triệu đồng/ha.
Ông Ngọc nói: “Người trồng khóm lâu nay rất thong thả vì giá cả ổn định, năm nào gia đình tôi cũng lãi trên 300 triệu đồng, nay khóm bị bệnh héo đỏ lá, gom lại chỉ còn lãi 100 triệu đồng. Trong khi đó, đây là thu nhập chính của cả 4 gia đình riêng của các con tôi. Không riêng gì rẫy khóm của gia đình tôi, các rẫy khóm khác ở đây đều bị bệnh và giảm năng suất so với năm trước”.
Theo tính toán của nhiều nông dân, do bệnh héo đỏ lá khiến năng suất giảm, kéo theo thu lãi thấp hơn các năm trước từ 25 đến 30 triệu đồng/ha. Theo đó, vùng trồng khóm Đồng Dinh rộng gần 500ha, hơn 1 năm qua thiệt hại hàng tỉ đồng.
Theo thạc sĩ Đặng Văn Mạnh, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, chi cục tiến hành lấy mẫu gửi vào Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh giám định, kết quả cây khóm bị nhiễm bệnh virut PMWaV-1 (héo đỏ lá). Đây là loại bệnh nguy hiểm và không có thuốc trị.
Bệnh này do rệp sáp mang mầm bệnh đu bám trên cây, người dân vận chuyển giống trồng từ vùng này sang vùng khác nên khả năng lây lan nhanh. “Để hạn chế dịch bệnh, trước mắt Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tiến hành một số thí nghiệm về quản lý bệnh, tập huấn nông dân về biện pháp ngăn ngừa bệnh.
Tuy nhiên, về lâu dài cần có sự hỗ trợ tích cực từ Cục Bảo vệ thực vật và Sở NN-PTNT để có biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả nhất, giảm thiệt hại cho người trồng khóm”, ông Đặng Văn Mạnh cho biết.
Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa: Vùng khóm Đồng Dinh chạy dọc theo suối Cái nối dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa. UBND huyện đang triển khai dự án trồng khóm theo hướng VietGAP, đồng thời đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu Khóm Đồng Dinh.
Với đặc điểm tiểu vùng khí hậu, khóm có vị ngọt thanh, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là kết cấu hạ tầng của vùng trồng khóm chưa được đầu tư để triển khai dự án.
Có thể bạn quan tâm
Sản xuất theo phong trào, chất lượng chưa đồng bộ, chưa xây dựng được thương hiệu, bỏ ngỏ thị trường nội địa… là những hạn chế cố hữu của nông sản nói chung và trái cây nói riêng.
Những tưởng với sự hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ từ phía đối tác Nhật Bản; hỗ trợ kinh phí đầu tư từ UBND tỉnh để ngư dân nâng cấp, cải hoán tàu thuyền đánh bắt thí điểm theo công nghệ của nước bạn chuyển giao thì năng suất, chất lượng cá ngừ đại dương tại Bình Định sẽ được nâng cao, hướng xuất khẩu qua Nhật Bản sẽ thuận lợi. Vậy nhưng, qua đợt thí điểm vừa qua, cá ngừ đại dương Bình Định vẫn đang loay hoay…
Chủ yếu hỗ trợ cho bà con trong vùng Dự án nuôi cá trên ruộng lúa thí điểm theo tổ hợp tác 33ha tại các xã Mỹ Phước (Mang Thít), Hiếu Nhơn, Hiếu Thành (Vũng Liêm), vốn đầu tư 400 triệu đồng. Nông dân tham gia dự án được hỗ trợ cá giống, 30% chi phí thức ăn và được trung tâm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi.
Đến thôn Tài Tùng, xã Yên Than (huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh), hỏi trang trại nuôi gà của anh Phạm Văn Bình ai cũng biết, bởi anh là một trong những người tiên phong bỏ công sức và kinh phí để khôi phục lại giống gà Tiên Yên nổi tiếng trước đây.
Thỏ là vật dễ nuôi, không đòi hỏi nhiều công sức, vốn ít, có thể tận dụng thức ăn ngay tại địa phương, nhu cầu thị trường rất lớn, đang là một hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi của nhiều hộ nông dân ở Quỳnh Phụ (Thái Bình).