Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vùng cao gửi niềm tin vào cây bắp lai

Vùng cao gửi niềm tin vào cây bắp lai
Ngày đăng: 30/05/2015

Những ngày cuối tháng 5, trên con đường lên xã vùng cao Sơn Cao, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), đập vào mắt là mầm xanh biếc đôi bờ bắp non thẳng tắp. Mới hơn 9 giờ sáng, nhưng mặt trời đã chói chang, nóng rát cả mặt người.

Dù vậy, trên cánh đồng Tà Nủ, thôn Làng Môn, anh Đinh Cà Rỏ vẫn cặm cụi, tay thoăn thoắc cuốc cỏ cho ruộng bắp hơn 4 sào của gia đình vừa xuống giống được hơn 10 ngày.

Gia đình anh Đinh Cà Rỏ là một trong số những hộ tham gia mô hình trồng bắp lai giống CP333 do Trung tâm Khuyến nông huyện Sơn Hà thực hiện chia sẻ: Ruộng này từ trước giờ làm lúa. Vì không có nước nên vụ đông xuân năm nào trời cho may mắn lắm 4 sào kiếm được 20 bao lúa tươi, còn hầu như năm nào cũng cắt lúa cho trâu ăn vì thiếu nước.

Thế nhưng, vụ hè thu này, được hỗ trợ giống, phân, cán bộ thường xuyên xuống đồng hướng dẫn cách trồng, chăm sóc bà con vui lắm! “Thấy bắp lên rất đều và đẹp, bà con rất hy vọng vào giống bắp này sẽ giúp mang lại thu nhập ổn định hơn cây lúa”- anh Rỏ phấn khởi.

Không phải đến bây giờ mà trước đó từ vụ đông xuân 2013 - 2014, Trung tâm Khuyến nông huyện Sơn Hà khuyến khích nông dân đưa giống bắp lai LVN10- loại giống chịu hạn tốt vào trồng tại những đồi cao, những diện tích lúa kém hiệu quả cho nên năng suất và sản lượng của số bắp lai mang lại cao hơn hẳn so với giống bắp truyền thống đã trồng lâu nay.

Còn nhớ trước đây, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn với nguồn thu nhập ít ỏi từ sản xuất nông nghiệp, cây trồng chính là lúa, bắp giống thuần ở địa phương cùng với thói quen lâu nay "bỏ giống xuống đất rồi giao cho trời" cho nên năng suất và sản lượng của cây trồng mang về cũng không cao hơn là mấy.

Những ngày đầu đưa cây bắp lai vào trồng trên vùng đất này gặp không ít khó khăn, khi bà con chưa quen thay đổi tập quán trồng giống bắp địa phương. Nhưng với quyết tâm cao và xác định đưa giống bắp lai trồng thay thế giống bắp địa phương, chuyển đổi giống cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sẽ làm tăng năng suất, giúp bà con thoát nghèo, xã đã tập trung tuyên truyền, đặc biệt phải làm cho cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu để nhân dân học tập, làm theo.

Theo ông Trần Đình Vũ- Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Cao, những năm qua, xã Sơn Cao đã trồng cây bắp lai LVN10, sau những mùa bám đồng, giống bắp LVN 10 phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây, đặc biệt chịu hạn rất tốt.

Kết quả mang về năng suất lẫn sản lượng đều cao hơn hẳn mấy so với giống bắp truyền thống đã trồng lâu nay. Dẫu vậy, giống bắp lai LVN 10 mỗi cây cho hai trái, nhưng hạn chế của nó là trái nhỏ nên năng suất cũng chỉ dừng lại ở 27 tạ/ha.

Với kinh nghiệm đã được đúc kết qua nhiều vụ gieo trồng nên kỹ thuật chăm sóc của bà con đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên rõ rệt. Vì thế địa phương rất mong ngành nông nghiệp có mô hình thí điểm một giống bắp mới có đặc tính tương tự LVN 10, nhưng vượt trội về năng suất. Và địa phương đang gửi niềm tin vào giống bắp lai CP333 khi quyết tâm vận động bà con trồng thí điểm 3 ha.

Diện tích 8 ha mà Sơn Cao đang trồng bắp là những vùng không chủ động được nước tưới, không thích hợp với trồng lúa vì vốn dĩ cây lúa cần nước thường xuyên còn cây bắp việc này không nhất thiết. Cây bắp chỉ cần độ ẩm trong đất, hơn nữa vào thời điểm này trở đi ở miền núi thường xuyên có mưa giông rất thích hợp cho cây bắp sinh trưởng và phát triển.

Cũng theo anh Vũ, việc đưa các cây trồng khác thay thế cho cây lúa ở Sơn Cao cũng như các địa phương miền núi khác phải đảm bảo các yếu tố như: giống cây có tiềm năng năng suất, chất lượng cao, nhất là chịu hạn tốt trong bối cảnh nguồn nước đang cạn kiệt như hiện nay. Nếu mô hình này thành công, những vụ hè thu tới, địa phương sẽ hướng dẫn bà con trồng xen vào đậu phộng để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích cho nông dân.

Ông Lê Văn Việt- Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh cho biết, đây không phải là lần đầu tiên giống bắp lai CP bén duyên với đất đồng Quảng Ngãi, mà 2 năm qua, Trung tâm đã trồng khảo nghiệm ở nhiều vùng thiếu nước ở các huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn.

Kết quả mang lại cho thấy, dòng giống của CP là CP311, CP111, CP333, CP501 thì CP333 là “con nhà nghèo dễ nuôi”. Trong vụ hè thu, giống bắp này vượt trội về khả năng chịu hạn, năng suất và chất lượng so với các giống bắp lai chất lượng cao khác trên cùng một vùng đất. CP333 cho năng suất vượt trội từ 80 đến hơn 92 tạ/ha. Với những ưu việt của nó, Trung tâm mạnh dạn đưa lên vùng cao để thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra các địa phương khác trong những vụ sau.

Việc đưa các giống bắp chịu hạn, chất lượng cao vào thay thế các vùng sản xuất lúa nước kém hiệu quả góp phần thúc đẩy nhanh hơn chủ trương chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng trong bối cảnh nguồn nước cạn kiệt vào vụ hè thu như hiện nay được xem giải pháp tối ưu tại các địa phương miền núi.


Có thể bạn quan tâm

Sản Lượng Lúa Cả Nước Trong Năm Nay Dự Kiến Sẽ Đạt 45 Triệu Tấn Sản Lượng Lúa Cả Nước Trong Năm Nay Dự Kiến Sẽ Đạt 45 Triệu Tấn

Mặc dù diện tích xuống giống giảm, nhưng do thời tiết tương đối thuận lợi, lúa được giá phần nào khuyến kích nông dân đầu tư, chăm sóc nên năng suất

29/09/2014
Dự Báo Xuất Khẩu Gạo Có Nhiều Chuyển Biến Tích Cực Vào Những Tháng Cuối Năm Dự Báo Xuất Khẩu Gạo Có Nhiều Chuyển Biến Tích Cực Vào Những Tháng Cuối Năm

Việt Nam vừa thỏa thuận ký hợp đồng cung cấp cho phía Philippines 200.000 tấn gạo 25% tấm với giá tương đương 475 USD/tấn; cung cấp cho phía Indonesia 200.000 tấn gạo (trong đó 50.000 tấn gạo 5% tấm với giá 443,5 USD/tấn (FOB) và 150.000 tấn gạo 15% tấm với giá 442,1 USD/tấn).

29/09/2014
Theo Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn Theo Mô Hình Cánh Đồng Mẫu Lớn

Tính đến nay, tổng diện tích mía tại khu vực phía Đông tỉnh đạt 24.000 ha, tăng gấp 10 lần so với thời điểm sau cuộc khủng hoảng mía đường năm 1999-2000, mía trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của các địa phương trong khu vực. Những năm qua, Nhà máy Đường An Khê trở thành đơn vị đầu tư, thu mua phần lớn nguyên liệu mía khu vực phía Đông.

29/09/2014
Hương Trà (Thừa Thiên Huế) Gấp Rút Thu Hoạch Thủy Sản Tránh Lũ Hương Trà (Thừa Thiên Huế) Gấp Rút Thu Hoạch Thủy Sản Tránh Lũ

Năm nay, Hương Trà (Thừa Thiên Huế) thả nuôi 306 ha thuỷ sản các loại như: cá kình, tôm sú, tôm rảo, cua…, tập trung chủ yếu ở 2 xã Hải Dương và Hương Phong.

29/09/2014
Hội Thảo Đầu Bờ Về Hội Thảo Đầu Bờ Về "Nuôi Tôm Theo Hướng VietGAP"

Sáng 27/9, tại UBND xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, Tiểu Ban quản lý Dự án nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (gọi tắt là CRSD) Khánh Hòa đã phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh tổ chức Hội thảo đầu bờ đánh giá kết quả nuôi tôm an toàn sinh học theo hướng VietGAP trên 4 ao nuôi tôm tại xã Ninh Phú.

29/09/2014