Vui Xuân Không Quên Đồng Ruộng

Dù là những ngày nghỉ Tết, nhưng các cán bộ, kỹ thuật viên thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh An Giang và Trạm BVTV các huyện vẫn thường xuyên ra đồng, nắm chắc tình hình dịch bệnh, diễn biến phát triển lúa đông xuân. Đồng thời, khuyến cáo bà con nông dân không nên vì vui Tết mà bỏ quên đồng ruộng.
Phòng bệnh hơn trị bệnh
Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Nguyễn Hữu An thông tin: “Thời gian nghỉ Tết hàng năm, cán bộ, kỹ thuật viên của đơn vị vẫn đảm bảo công tác trực nhật và ra đồng cùng nông dân. Các trạm BVTV huyện đã phân công cán bộ xuyên suốt tại cơ quan, đồng thời nhắc nhở anh em kỹ thuật viên phải phối hợp cùng nông dân thăm đồng dịp Tết vì khả năng xảy ra sâu bệnh cao trong thời gian này”.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 236.000 héc-ta lúa đông xuân đang trong giai đoạn mạ - đẻ nhánh - đòng trổ nên nguy cơ rầy nâu, bệnh đạo ôn diễn biến khá phức tạp. Trước tình hình đó, Chi cục BVTV đã chỉ đạo các trạm đẩy mạnh công tác khuyến nông, tuyên truyền cảnh báo cho nông dân về nguy cơ tác hại của dịch bệnh sẽ diễn ra trong dịp Tết.
“Với những cán bộ, kỹ thuật viên công tác trong ngành Nông nghiệp, đây là thời điểm phải tập trung bám sát đồng ruộng. Tết là dịp để mọi người nghỉ ngơi nhưng dịch hại, sâu bệnh thì không hề “nghỉ ngơi”. Vì thế, chúng tôi vẫn xuống đồng với bà con với mục tiêu “ăn chắc” vụ lúa đông xuân”- ông An chia sẻ.
Hàng năm, cán bộ Chi cục BVTV tỉnh vẫn sắp xếp thời gian phối hợp các Trạm BVTV tìm hiểu tình hình sâu bệnh cho dù đó là ngày mồng một Tết. Mặt khác, Chi cục BVTV tỉnh phối hợp UBND các huyện, các phòng, ban chuyên môn đề ra kế hoạch phòng trừ rầy nâu, bệnh đạo ôn và các dịch hại khác trên lúa trước, trong và sau Tết. Chi cục thực hiện tổng hợp số liệu do các Trạm BVTV báo về thường xuyên trong thời gian nghỉ Tết, từ đó lên kế hoạch ứng phó với sâu bệnh.
Hỗ trợ tối đa
Đã nhiều năm gắn bó với nông dân, anh Huỳnh Tấn Hưng, Phó Trưởng trạm BVTV huyện Châu Phú, luôn sẵn sàng cho công tác thăm đồng cùng nông dân vào những ngày Tết. “Các cán bộ, kỹ thuật viên đã sắp xếp kế hoạch trực Tết tại cơ quan, đồng thời thường xuyên đến thăm bà con, nghe thông báo tình hình cụ thể.
Mỗi người đều ý thức được trách nhiệm của mình. Vui xuân là một việc nhưng hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ chuyên môn đối với nông dân cũng rất quan trọng. Nếu công tác phòng ngừa sâu bệnh dịp Tết không hiệu quả thì đó cũng là một phần trách nhiệm của chúng tôi” - anh Hưng thật tình.
Về công tác thăm đồng, đoàn cán bộ kỹ thuật của huyện Châu Phú sẽ thực hiện 4 đợt kiểm tra trước, trong và sau Tết tại các tiểu vùng có nguy cơ nhiễm sâu bệnh cao. Khi phát hiện dấu hiệu sâu bệnh, đoàn sẽ thông báo cho UBND các xã, kịp thời đưa ra cảnh báo bằng phương tiện truyền thông giúp bà con nắm bắt thông tin.
Trong những ngày này, một số khu vực thuộc huyện Châu Phú đang xuất hiện bệnh cháy bìa lá, rầy nâu nên các cán bộ kỹ thuật của trạm BVTV Châu Phú đã tăng cường công tác thăm đồng cùng nông dân. “Dự kiến, chúng tôi sẽ thực hiện các buổi khuyến nông cho bà con tại một số xã trên địa bàn huyện vào thời điểm trước Tết, nhất là những địa bàn có dấu hiệu nhiễm sâu bệnh cao. Cần phải chủ động trong công tác phòng ngừa để giúp nông dân đạt năng suất cao” - anh Hưng nhận định.
Ông Nguyễn Văn Két, nông dân xã Bình Long (Châu Phú), thật tình: “Điều kiện canh tác hiện nay đòi hỏi người nông dân phải theo sát ruộng lúa. Vì vậy, chúng tôi vẫn thường xuyên thăm đồng kể cả những ngày Tết. Anh em kỹ thuật viên ngành Nông nghiệp của huyện năm nào cũng cùng chúng tôi theo dõi sát tình hình sâu bệnh. Nhờ đó, nông dân có thể yên tâm ăn Tết mà không quá lo sâu bệnh làm ảnh hưởng nhiều đến năng suất vụ lúa đông xuân”.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, mít Thái được bà con nông dân huyện Chơn Thành (Bình Phước) đưa vào trồng nhiều do dễ trồng, chăm sóc và khoảng 2,5 năm cho thu hoạch. Những năm trước, mít Thái đã giúp nông dân xóa đói và vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, mùa thu hoạch năm 2014, đến thời điểm này, thị trường mít rớt giá quá mạnh, gây thiệt hại nặng về kinh tế, làm cho bà con nông dân điêu đứng, dở khóc, dở mếu.

Về vùng chuyên canh thanh long trong những ngày này vào ban đêm, gần như đến nơi nào chúng tôi cũng thấy ánh đèn điện sáng choang phát ra từ những vườn thanh long làm rực sáng cả vùng quê. Hỏi ra mới biết, thời điểm này, nông dân đang tập trung xông đèn xử lý thanh long cho trái nghịch vụ.

“Ai cũng nói Lục Ngạn được trời phú cho chất đất hiếm nơi nào có. Vườn rộng mà không làm nên cơm cháo gì thì thật lãng phí. Vì thế tôi đã dồn hết tâm huyết vào chăm cây có múi để có hướng đi của riêng mình”. Anh Lưu Văn Sáng, thôn Trại Ba, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) mở đầu câu chuyện về nghề làm vườn với chúng tôi như thế.

Ngày 24-12, tại UBND thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã đến khảo sát và làm việc với Hợp tác xã (HTX) xoài Bảy Ngàn để xây dựng nhãn hiệu tập thể. Tại đây, HTX đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh hướng dẫn thực hiện các trình tự, thủ tục và gợi ý các mẫu logo nhãn hiệu xoài. Theo đó, HTX đã thống nhất chọn tên nhãn hiệu tập thể là Xoài cát Bảy Ngàn.

Với việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống cây ăn quả theo hướng nâng cao giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường, các nhà vườn tập trung đầu tư phát triển mạnh các giống cam như: đường canh, cam sành, cam V2. Riêng cam đường canh, tính đến đầu tháng 12, nông dân trong huyện đã thu hoạch được trên 500 tấn.