Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vui Buồn Với Nghề Nuôi Dê

Vui Buồn Với Nghề Nuôi Dê
Ngày đăng: 25/02/2015

Là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi về thời tiết và nguồn thức ăn sẵn có, nên nghề nuôi dê ở Đồng Nai được nhiều nông dân lựa chọn để nâng cao thu nhập.

Bên cạnh việc phát triển chăn nuôi làm giàu cho gia đình, nhiều câu chuyện nghĩa tình về việc giúp nhau làm kinh tế cũng nảy sinh xung quanh nghề chăn nuôi này.

Nghề tốn công

Là người có 16 năm gắn bó với nghề nuôi dê, bà Lê Thị Huệ (47 tuổi, ngụ ấp 4, xã Nhân Nghĩa, huyện Cẩm Mỹ) cho hay: "Nếu nuôi các loại vật khác, như: heo, gà, vịt, chim bồ câu, bò sữa… phải tốn chi phí về con giống và thức ăn hàng ngày, thì nuôi dê chỉ đầu tư về con giống, còn nguồn thức ăn đã có sẵn trong tự nhiên, chỉ cần bỏ công sức và thời gian để cắt lá cây là đủ. Bên cạnh đó, do dê là loại vật có đặc tính ưa sạch sẽ nên những thức ăn đã bị dẫm đạp lên là chúng không ăn và lại thích sống trên nhà sàn nên người nuôi không cần phải tốn công tắm rửa hàng ngày".

Bên cạnh đặc tính dễ dãi trong ăn uống và thuận lợi trong dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, thì dê còn là con vật sinh sản tốt, dễ nhân đàn. Ông Hoàng Văn Sách (dân tộc Nùng, 67 tuổi, ngụ ấp 7, xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom), người đang nuôi 10 con dê sinh sản cho hay, một con dê đực có thể phối giống cho cả đàn gần 10 con dê cái. Dê cái sau khi phối giống được 5 tháng rưỡi thì sinh con. Khi dê sinh con, người nuôi không cần can thiệp, mà chúng tự động cắt dây rốn, tìm vú mẹ như loài trâu bò vậy.

Được biết, trước kia do giống dê thường có kích thước, trọng lượng nhỏ, nên mỗi lứa dê nái chỉ đẻ một con, chủ nuôi nào “mát tay” lắm thì mỗi lứa dê cái đẻ 2 con. Nhưng hiện nay do giống dê có kích thước và trọng lượng lớn hơn gấp nhiều lần, nên số con đẻ trong một lứa cũng tăng lên, thường là 3con/lứa, có trường hợp 4 con/lứa.

Bên cạnh những mặt thuận lợi thì nghề nuôi dê cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro. Trong đó, việc giá cả thiếu ổn định luôn làm nhiều người nuôi ít gắn bó với nghề.

Bà Lê Thị Huệ, nhớ lại: "Năm 2009 là năm đầu tiên tôi đến với nghề nuôi dê. Lúc đó, giá một con dê đực giống là 10 triệu đồng, dê cái là 5,5 triệu đồng/con, còn giá dê thịt bán tại chuồng là 35 ngàn đồng/kg. Sau một năm chăm sóc tỉ mỉ, tôi xuất bán lứa dê thịt đầu tiên thì giá rớt thảm hại, chỉ còn 14 ngàn đồng/kg.

Lúc giá giảm sâu như vậy, nhiều người nuôi dê như tôi đã bán sạch cả đàn để chuyển sang loài vật nuôi khác, nhưng gia đình tôi vẫn giữ đàn vì cho rằng, chăn nuôi có lúc này lúc khác và đã giữ được đàn dê cho đến bây giờ. Nhưng thú thật, lúc đó một con dê nuôi một năm được 30kg mà bán chỉ có 450 ngàn đồng thì chẳng thấm tháp gì với công sức bỏ ra. Nay thì giá dê đã ổn định với mức bình quân trên 90 ngàn đồng/kg dê thịt nên người nuôi đã có lời".

Nghĩa tình quanh nghề nuôi dê

Từ khi giá dê lên cao người nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh tiếp tục có thêm động lực bám trụ với con vật này. Đây cũng là nghề được nhiều mạnh thường quân và chính quyền địa phương lựa chọn để hỗ trợ cho người nghèo phát triển kinh tế.

Đứng bên đàn dê cái 3 con đang chờ tới ngày sinh sản của mình, ông Nguyễn Văn Mười (ngụ xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) vui mừng cho biết, 3 con dê cái của ông được UBND xã bàn giao từ đầu năm 2014 để chăn nuôi phát triển kinh tế. Khi nhận cả 3 con dê đều là dê cái, không có dê đực để phối giống, nên hộ ông Võ Văn Tùng ngụ cùng xã đã tận tình hướng dẫn kỹ thuật, cho gia đình ông Mười mượn dê đực về phối giống cho dê cái mà không hề tính toán thiệt hơn điều gì.

Ông Nguyễn Văn Long, một lái dê tại TX.Long Khánh, cho hay giá dê thịt hiện nay đang giữ ổn định ở mức bình quân trên 90 ngàn đồng/kg, còn dê giống từ 4 -12 triệu đồng tùy vào kích thước, trọng lượng. Do đặc tính ưa sống sạch sẽ, thức ăn là lá cây tự nhiên nên thịt dê rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Còn ông Phan Bình (ngụ ấp 12, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ) cho hay: "Năm 2004, gia đình tôi từ tỉnh Quảng Ngãi đến ấp 12, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ làm thuê làm mướn kiếm sống. Do không có đất sản xuất nên kinh tế giá đình rất khó khăn, nhất là khi 2 đứa con gái đều đang tuổi ăn tuổi học.

Tôi rất mong có được một diện tích đất nhất định để chăn nuôi dê. Hiểu được hoàn cảnh của gia đình tôi nên ông Lê Văn Hoàng (63 tuổi, ngụ ấp 12, xã Xuân Tây) đã cho gia đình tôi mượn gần 3 sào đất để tôi xây dựng chuồng trại nuôi 40 con dê thịt và trồng một số loài cây làm thức ăn cho dê". Từ khi có điều kiện chăn nuôi dê, đời sống của gia đình ông Bình đã đỡ vất vả, tiền lời từ việc bán dê đã giúp con cái được đi học đầy đủ hơn.

“Ăn Tết Nguyên đán 2015 xong là 2 con dê cái của tôi sẽ sinh con, lúc đó nếu là dê cái tôi sẽ tiếp tục để làm giống còn là dê đực thì bán lấy tiền trả lại cho bà Lê Thị Huệ là người đã cho tôi vay tiền mua 2 con dê này về chăn nuôi tăng gia sản xuất”- bà Điểu Thị Kim Thanh (dân tộc Chơro, ngụ ấp 4, xã Nhân Nghĩa) cho hay.

Được biết, xuất phát từ hoàn cảnh của bà Điểu Thị Kim Thanh không có việc làm ổn định, kinh tế gia đình lại khó khăn, nên bà Lê Thị Huệ đã hỗ trợ về vốn và kinh nghiệm chăn nuôi giúp gia đình bà Điểu Thị Kim Thanh tăng gia phát triển kinh tế.


Có thể bạn quan tâm

Anh Thành Ứng Dụng Hiệu Quả Máy Làm Cỏ Mía Anh Thành Ứng Dụng Hiệu Quả Máy Làm Cỏ Mía

Anh Nguyễn Hữu Thành 47 tuổi là nông dân đầu tiên ở thôn Tân Hiệp (Hòa Sơn, Ninh Sơn) ứng dụng máy làm cỏ mía niên vụ 2013- 2014. Máy làm cỏ mía trị giá 28 triệu đồng do Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ theo chương trình cơ giới hóa đồng ruộng. Trong đó, gia đình anh Thành đóng góp 8 triệu đồng.

29/07/2013
Tái Cấu Trúc Ngành Thủy Sản Tái Cấu Trúc Ngành Thủy Sản

Phải khẳng định rằng Thủy sản là một trong những nhóm ngành xuất khẩu chủ lực và là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Tiền Giang. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, ngành Thủy sản gặp khó không chỉ ở yếu tố thị trường tiêu thụ bên ngoài mà còn chính ở những yếu tố nội tại trong nước. Vì vậy, việc tái cấu trúc quy trình sản xuất, xuất khẩu đang được đặt ra một cách cấp thiết.

30/07/2013
Cây Dưa Lê Cho Thu Nhập Cao Cây Dưa Lê Cho Thu Nhập Cao

Vụ hè thu năm nay, anh Trần Liền trồng 7 sào dưa lê trên vùng đất cát xã Nhơn Hải. Anh đầu tư chăm sóc chu đáo, đúng kỹ thuật nên cây dưa phát triển tốt, Anh thu hoạch đạt năng suất 2 tấn/sào, bán tại rẫy 5000 đồng/kg, trừ chi phí sản xuất anh còn lãi hơn 8 triệu đồng/sào, cao hơn nhiều loại cây trồng khác. Mỗi năm, anh trồng 2 vụ dưa lê đem lại nguồn thu nhập ổn định bảo đảm cuộc sống gia đình.

30/07/2013
Anh Phú Trúng Mùa Tôm Anh Phú Trúng Mùa Tôm

Vụ tôm năm nay, anh Phạm Văn Phú, thôn Sơn Hải (Phước Dinh, Thuận Nam) đầu tư 600 triệu đồng nuôi 3 sào tôm thẻ chân trắng theo mô hình trải bạt nổi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

30/07/2013
Tập Trung Phát Triển Chuỗi Giá Trị Chăn Nuôi Tập Trung Phát Triển Chuỗi Giá Trị Chăn Nuôi

Thực hiện Dự án Hỗ trợ Tam nông, huyện Bác Ái được chọn triển khai tại 9/9 xã trên toàn địa bàn huyện cho 5.423 hộ dân, trong đó có 3.618 hộ nghèo và 570 hộ cận nghèo. Gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Bác Ái xác định tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao tỷ trọng giá trị trong chăn nuôi và nông sản hàng hóa từ lợi thế sẵn có của địa phương.

30/07/2013