Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Cần Mô Hình Liên Kết Mới

Vực Dậy Nghề Nuôi Cá Tra Cần Mô Hình Liên Kết Mới
Ngày đăng: 24/04/2013

Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh kinh tế của vùng ĐBSCL; song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề nuôi cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.

Càng nuôi càng lỗ

Chiều 21-4, các nhà máy đã bắt xong hầm cá tra nguyên liệu gần 700 tấn của ông Nguyễn Khắc Phục, ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp). Vụ này nhờ chăm sóc chu đáo nên hầm cá không xảy ra dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt ít, chất lượng cá tốt, trọng lượng bình quân từ 850 - 900 g/con. Mặc dù cá đẹp, nhưng các nhà máy chỉ mua với giá 21.000 đồng/kg, trong khi giá thành là 23.000 đồng/kg; bán 700 tấn lỗ hơn 1 tỷ đồng. Nông dân đầu tư tiền tỷ, cố công nuôi cá đẹp, phục vụ chế biến xuất khẩu, nào ngờ bán lỗ. Ông Nguyễn Văn Mách ở xã Tân Thành, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) lo lắng: “Dân nuôi cá tra tiếp tục lao xuống vực bởi giá giảm mạnh và khó tiêu thụ. Hiện hầm cá hơn 150 tấn tới kỳ thu hoạch nhưng không biết bán cho ai. Kêu doanh nghiệp uy tín thì họ kỳ kèo giá thấp, còn những doanh nghiệp nhỏ chấp nhận mua giá nhỉnh hơn nhưng thiếu nợ lâu nên người nuôi không dám bán”.

Kéo chúng tôi ra hầm cá vừa thu hoạch xong vào chiều 21-4, ông Võ Văn Hải, phường Thuận An (Thốt Nốt - Cần Thơ) tâm sự: “Nhờ mối mang lâu năm, cộng với cá đẹp nên nhà máy chịu mua giá 21.700 đồng/kg. Tuy nhiên, tính ra vẫn lỗ hơn 1.000 đồng/kg; lỗ hoài khiến dân nuôi cá không cầm cự nổi”. Ở phường Thuận An, số hộ bỏ nghề cá chiếm từ 80% - 90%. Theo ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), vùng nuôi cá tra Hồng Ngự nổi tiếng ngày nào - bây giờ vắng lặng. Hơn 30% hộ chia tay với cá tra chuyển sang nuôi cá lóc, nhiều hộ còn lại làm nghề khác hoặc giảm sản lượng nuôi cá tra do “càng nuôi càng lỗ”. Tương lai cá tra chưa biết về đâu?

Cần liên kết 4 bên

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý 1-2013, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 388,4 triệu USD, giảm 8,7% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó thị trường chính EU giảm tới 15,3%; Mỹ giảm 11,7%, các thị trường khác giảm 9,2%. Lạc quan nhất là thị trường Brazil tăng 49%, Saudi Arabia tăng 7,1%, ASEAN tăng 8,3%... Bộ Công thương nhìn nhận, xuất khẩu cá tra tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức mới về thị trường, rào cản kỹ thuật dựng lên ở nhiều nước, Mỹ tăng thuế chống bán phá giá; nguồn vốn phục vụ sản xuất và xuất khẩu gặp khó, trong khi giá cá nguyên liệu thấp kéo dài khiến người nuôi không còn khả năng cầm cự…

Theo ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cần nhiều giải pháp để vực dậy nghề cá. Siết chặt quy hoạch, quản lý theo hướng không tăng diện tích sản lượng mà tập trung đầu tư nâng chất lượng, giá trị. Kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng cá tra trước khi xuất khẩu, cần xử lý mạnh tay để tránh ảnh hưởng uy tín cá tra Việt Nam trên trường quốc tế.

Ông Phạm Văn Bên, Giám đốc DNTN Thức ăn Cỏ May, cho rằng để ổn định nghề cá, cần liên kết giữa “người nuôi - doanh nghiệp sản xuất thức ăn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra - ngân hàng”. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đứng ra làm “chủ xị” liên kết với người hộ nuôi hình thành vùng nuôi lớn; doanh nghiệp sản xuất thức ăn cung cấp thức ăn cho người nuôi thông qua hợp đồng với doanh nghiệp xuất khẩu; và ngân hàng cung ứng vốn qua hợp đồng giữa doanh nghiệp xuất khẩu cá tra với doanh nghiệp thức ăn và người nuôi.

Khi tới kỳ thu hoạch thì người nuôi phải bán toàn bộ sản phẩm cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cái lợi của mô hình này là người dân chỉ cần nuôi gia công nhưng đảm bảo đầu ra và lời khoảng 2.000 đồng/kg; doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng và giá đầu vào biết trước, nhằm dễ dàng trong việc đàm phán hợp đồng với nước ngoài; doanh nghiệp thức ăn bán được nhiều sản phẩm, trong khi ngân hàng cho doanh nghiệp vay vốn đúng địa chỉ và có tài sản thế chấp rõ ràng… Nếu có cơ quan chức năng đứng ra làm đầu mối để gắn kết 4 bên lại với nhau thì những khó khăn của cá tra hiện nay sẽ được tháo gỡ ổn thỏa.

Ông Lê Vĩnh Tân, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp xác định, cá tra là sản phẩm thế mạnh của tỉnh. Để đưa nghề cá vượt qua khó khăn, tỉnh đang đề nghị doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gắn với người nuôi, nhằm xóa dần tình trạng nuôi nhỏ lẻ, tự phát. Sản xuất và tiêu thụ cá tra tới đây phải theo hợp đồng rõ ràng và có sự phân chia lợi nhuận hợp lý để cùng phát triển.


Có thể bạn quan tâm

Ấn Độ Đầu Tư Nhà Máy Điện Từ Trấu Tại Đồng Tháp Ấn Độ Đầu Tư Nhà Máy Điện Từ Trấu Tại Đồng Tháp

Ông Vikram Rajpurohit, GĐ Cty Adarsh Vibrant Impex (Ấn Độ), cho biết, Đồng Tháp là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp và đây chính là điểm tương đồng với đất nước Ấn Độ. Cty Adarsh Vibrant Impex có thể hợp tác với tỉnh Đồng Tháp trong lĩnh vực nông nghiệp cùng một số lĩnh vực khác có liên quan và khởi đầu là dự án nhà máy điện từ phế phẩm nông nghiệp.

22/01/2015
Tổng Lực “Siết” Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm Tổng Lực “Siết” Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm

Ngày 5/1/2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã có thông báo kết luận tại cuộc họp BCĐ liên ngành TƯ về VSATTP, theo đó thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong kế hoạch đề ra nhằm tạo chuyển biến rõ nét về công tác đảm bảo VSATTP đối với sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực trong năm 2015…

22/01/2015
Xây Dựng Khu Giết Mổ Gia Súc, Gia Cầm Tập Trung Lớn Nhất Thái Nguyên Xây Dựng Khu Giết Mổ Gia Súc, Gia Cầm Tập Trung Lớn Nhất Thái Nguyên

Dự kiến trong quý IV/2015, công trình sẽ chính thức đi vào hoạt động. Đây sẽ là trung tâm đầu mối cung cấp sản phẩm động vật cho các chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các Trung tâm Thương mại thuộc khu vực Việt Bắc, góp phần đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn, cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh và các vùng phụ cận, giải quyết đầu ra cho người chăn nuôi.

22/01/2015
Cây Sưa Giống Sốt Giá Cây Sưa Giống Sốt Giá

Trên các tuyến đường dọc theo thị xã Đồng Xoài về các huyện thị, ngang qua QL13, 14 dễ dàng bắt gặp nhiều cơ sở trưng bảng bán cây sưa giống. Do nhu cầu lớn nên giá cây giống sưa cũng cao ngất ngưởng, có nơi tới vài chục ngàn đồng/cây vài tháng tuổi.

22/01/2015
Giá Thành Sản Xuất Lúa Đông Xuân Giảm Giá Thành Sản Xuất Lúa Đông Xuân Giảm

Căn cứ vào mức giá thành sản xuất lúa nói trên, các cơ quan có thẩm quyền, các doanh nghiệp, cá nhân tổ chức thu mua lúa với giá định hướng đảm bảo mức lãi tối thiểu cho người sản xuất lúa vụ đông xuân 2014-2015.

22/01/2015