Vừa Nâng Cao Thu Nhập, Vừa Bảo Vệ Môi Trường
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện XDNTM, tiêu chí môi trường tuy đã được các địa phương quan tâm thực hiện song kết quả chưa cao. Để nâng cao tỷ lệ các xã đạt tiêu chí về môi trường, nhiệm vụ đặt ra cho các ban ngành, cơ quan là cần có nhiều giải pháp, mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn có tính khả thi như VAC (vườn, ao, chuồng).
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của các ngành, các cấp, trong những năm qua, lĩnh vực kinh tế VAC trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phát triển khá mạnh và đa dạng. Về quy mô, VAC có thể chia làm 2 loại, gồm trang trại và gia trại. Sự phát triển, hình thức đầu tư, hiệu quả kinh tế, giải pháp bảo vệ môi trường của hai loại hình này cũng có nhiều đặc thù khác nhau. Theo loại hình sản xuất, mô hình VAC bao gồm: VAC vườn đồi, chủ yếu là trồng rừng; VAC chăn nuôi gia súc gia cầm với các loại con nuôi chủ yếu là bò, dê, lợn, gà…; VAC nuôi tôm trên cát; VAC sản xuất giống; VAC gia trại…
Phần lớn các mô hình kinh tế tổng hợp có quy mô được đầu tư nguồn vốn khá lớn, một số trang trại còn thuê mướn thêm nhân công, loại hình sản xuất tập trung chủ yếu vào một đến hai thành phần trong mô hình VAC. Các trang trại vườn đồi thường trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà (VC), một số ít trang trại kết hợp nuôi thêm cá (VA). Trang trại nuôi tôm trên cát thì chủ yếu là nuôi tôm (A); trang trại khác nuôi lợn kết hợp nuôi cá (AC)…
Các gia trại phát triển tại gia đình tuy quy mô nhỏ hơn nhưng thường đủ 3 thành phần VAC, tuy nhiên, những mô hình này thường thiếu vốn và đất sản xuất. Bên cạnh lợi ích kinh tế, công tác bảo vệ môi trường tại các mô hình kinh tế tổng hợp cũng được người dân quan tâm thực hiện. Các cấp chính quyền, ban ngành liên quan đã phối hợp tổ chức hàng chục đợt tập huấn, tham quan với sự tham gia của hàng trăm lượt người, đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng hệ thống xử lý môi trường. Nhiều chủ trang trại, gia trại đã xây dựng hệ thống biogas, sử dụng phân vi sinh, dùng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn đầu tư công nghệ mới…nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, công tác bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế VAC vẫn chưa đi vào chiều sâu. Về phía người dân, nhận thức về trách nhiệm và lợi ích từ việc bảo vệ môi trường còn hạn chế. Nhiều trang trại, gia trại còn thiếu quan tâm, đầu tư cho việc bảo vệ môi trường tại khu vực sản xuất, nhất là các công trình xử lý chất thải, nước thải, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng còn thiếu kiểm soát.
Chẳng hạn như nhiều trang trại nuôi tôm trên cát chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải đúng mức, không có giải pháp an toàn để xử lý dịch bệnh; tình trạng chăn nuôi vịt đàn đại trà gây ô nhiễm cho một số con sông trên địa bàn tỉnh; việc đốt phụ phẩm nông nghiệp vẫn diễn ra phổ biến, gây ô nhiễm môi trường không khí… Chính việc không quan tâm đến xử lý môi trường từ người dân đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như: nguồn nước tự nhiên bị ô nhiễm, dịch bệnh lây lan trên gia súc, gia cầm, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của cộng đồng.
Mặt khác, do mức độ phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Trị còn hạn chế nên hệ thống hạ tầng chưa phát triển đồng bộ, một số khu vực nông thôn còn thiếu nước sạch sinh hoạt. Phần lớn chất thải rắn ở các vùng nông thôn chưa được thu gom, xử lý đúng cách đảm bảo vệ sinh môi trường. Vấn đề quy hoạch đất đai, quy hoạch cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội, môi trường, chỉnh trang khu dân cư chưa được tiến hành đồng bộ, còn nhiều vướng mắc. Nguồn vốn vay cho phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp còn hạn chế cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường ở vùng nông thôn.
Để kinh tế trang trại phát triển hiệu quả, bền vững đi đôi với thực hiện tốt vấn đề môi trường, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong XDNTM, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, tập huấn để nâng cao kiến thức cơ bản, kinh nghiệm trong điều hành sản xuất, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất, từ đó tạo ra động lực để người dân mạnh dạn đầu tư phát triển trang trại.
Phát triển các mô hình tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp để tiết kiệm chi phí đầu tư và diện tích đất sử dụng, đặc biệt là đối với bảo vệ môi trường. Các địa phương cần có kế hoạch bố trí vốn để hỗ trợ trang trại phát triển sản xuất, đặc biệt là có chính sách ưu đãi vay vốn đối với việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường.
Cần kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ môi trường với mô hình kinh tế tổng hợp. Để thực hiện được vấn đề này, cũng cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban ngành liên quan, sự lồng ghép các chương trình đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nhất là chương trình XDNTM để có thể nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Xã Mường Mùn, huyện Tuần Giáo có 2.300ha rừng, chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Hầu hết diện tích rừng nằm trong khu vực phòng hộ sông Đà nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường sống con người... Những năm qua xã Mường Mùn luôn xác định bảo vệ và phát triển rừng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, những năm qua, huyện Điện Biên Đông luôn nỗ lực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) cho người dân. Thông qua các hình thức chuyển giao đào tạo, bồi dưỡng; trực tiếp hướng dẫn nông dân áp dụng KHKT vào sản xuất thông qua các mô hình trình diễn... Đó là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, kim ngạch xuất khẩu trái cây và rau quả trong năm 2014 có khả năng đạt mức hơn 1,4 tỷ USD, con số cao nhất từ trước cho đến nay. Dự báo sẽ có làn sóng nhập khẩu lớn từ thị trường Việt Nam trong những năm tới sẽ là cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông sản.
Thiếu vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện đang là khó khăn lớn đối với sự phát triển của các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh, nhất là HTX nông nghiệp. Trong khi đó, hàng hóa cung ứng chưa đạt chất lượng đồng đều, sự thiếu năng động của các HTX cũng là khó khăn rất lớn cho việc liên kết tiêu thụ nông sản hiện nay.
Theo Hội Nông dân TP.Sa Đéc, Dự án trồng hoa kiểng do Trung ương Hội Nông dân đầu tư đã giải ngân cho 50 hộ dân trồng hoa, mỗi hộ từ 10 đến 20 triệu đồng. Với số vốn vay được, nhiều hộ đã đầu tư mở rộng diện tích trồng hoa kiểng, có nguồn vốn mua thêm nguyên, vật liệu sản xuất.