Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vụ Tôm Nước Lợ Được Mùa, Được Giá

Vụ Tôm Nước Lợ Được Mùa, Được Giá
Ngày đăng: 29/07/2013

Vụ 1 nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ năm 2013, nhân dân vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn (Ninh Bình) đã nuôi trồng được 2.557 ha, trong đó có 1.907 ha tôm sú, 615 ha ngao, 50 ha tôm thẻ chân trắng.

Theo đánh giá của ngành thủy sản tỉnh, đến thời điểm này, nuôi trồng thủy sản nước lợ tương đối thuận lợi, nhân dân đang vào vụ thu hoạch tôm sú với sản lượng cao và được giá.

Ngay từ tờ mờ sáng, không khí lao động ở các đầm nuôi tôm các xã Kim Đông, Kim Trung rất nhộn nhịp và khẩn trương. Người dân ở đây thu tôm sớm để thương lái kịp đưa những chuyến hàng về các phiên chợ. Bác Lưu Văn Nguyên (xã Kim Đông) vui mừng chia sẻ: “Năm nay thời tiết tương đối thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, vì vậy hộ nào có sự đầu tư, chọn con giống đảm bảo, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thì có lãi, nhiều hộ có lãi lớn.

Vụ này gia đình tôi nuôi 4 mẫu tôm, chủ yếu là tôm sú và một ít cá diêu hồng, ước sản lượng đạt trên 2 tấn. Đến nay đã thu được trên 8 tạ với giá 115.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có lãi trên 120 triệu đồng.

Cùng có niềm vui được mùa tôm nhưng bác Trần Đồng Năm, xã Kim Đông lại phấn khởi hơn vì năm nay bác chọn phương pháp nuôi tôm công nghiệp, có hiệu quả cao hơn so với nuôi quảng canh. Theo bác Năm, nuôi tôm công nghiệp tuy chi phí cao hơn, đòi hỏi phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật nuôi thả nhưng lại có nhiều ưu điểm như tôm được cho ăn khoa học, việc xử lý môi trường triệt để, giảm được bệnh dịch, giảm rủi ro trong đầu tư và hiệu quả cao.

Năm nay gia đình bác Năm nuôi 5 mẫu tôm sú, trong đó có 1,5 mẫu là nuôi tôm theo phương pháp công nghiệp. Do làm tốt công tác vệ sinh ao đầm, nguồn giống đảm bảo chất lượng, nuôi khoa học nên vụ tôm này của gia đình bác ước đạt tổng sản lượng trên 3 tấn, thu nhập đạt 180 triệu đồng.

Tại các chợ, điểm buôn bán tôm, chúng tôi bắt gặp hoạt động thu mua tôm của thương lái khá nhộn nhịp. Được biết, thương lái từ khắp nơi về chợ hoặc về tận đầm nuôi tôm để thu mua với giá cả ổn định. Đang thu mua tôm của các chủ hộ nuôi, chị An Thị Thủy, một thương lái thu mua tôm cho biết: Chúng tôi thu mua tôm ở đây gần 1 tháng nay, cứ buổi sáng xe đến thu mua ở các chợ hoặc tại đầm nuôi, sau đó phân phối khắp trong tỉnh và cả các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hà Nam…

Nhìn chung, năm nay chất lượng tôm thương phẩm cao hơn những năm trước với nhiều kích cỡ khác nhau: loại 30 con/kg; 40 con/kg... đến 70 con/kg. Do chất lượng tôm đảm bảo nên việc tiêu thụ nhanh hơn và giá cũng cao hơn.

Vụ tôm năm nay, hầu hết các đầm tôm ở các xã bãi ngang đều được mùa, được giá, bà con nông dân rất phấn khởi vì nghề nuôi thả tôm cho lợi nhuận cao nhưng rủi ro lớn, chỉ khi thu hoạch rồi mới đảm bảo ăn chắc. Tính đến thời điểm này, người dân nuôi tôm đã thu hoạch được trên 220 tấn tôm sú, 50 tấn tôm thẻ chân trắng. Giá tôm năm nay cao hơn từ 20 - 30% so với năm trước, ước lợi nhuận bình quân đạt gần 100 triệu đồng/ha.

Theo đồng chí Vũ Minh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh: Năm nay, người dân nuôi thả tôm được mùa do nhiều nguyên nhân. Trước hết là công tác vệ sinh ao đầm nuôi được các cấp, các ngành khuyến cáo nhân dân địa phương tập trung làm tốt theo đúng kỹ thuật.

Cùng với đó, chất lượng con giống là một trong những vấn đề ảnh hưởng tới sản lượng và chất lượng tôm thương phẩm cuối vụ, do đó Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Kim Sơn bàn các biện pháp quản lý chất lượng con giống. Trong đó chú trọng đến việc kiểm tra, kiểm soát các cơ sở dịch vụ cung cấp con giống về xuất xứ, kích cỡ con giống, dịch bệnh và kiểm tra các chỉ số môi trường của con giống có phù hợp với điều kiện địa phương hay không.

Trong vụ 1, các ngành chức năng đã kiểm tra, kiểm soát được 85 triệu con tôm sú; 32 triệu con tôm thẻ chân trắng. Nhìn chung, chất lượng con giống được kiểm tra, quản lý khá chặt chẽ, chỉ có một số ít các hộ dân chưa nhận thức được tầm quan trọng chất lượng con giống đã tự nhập giống ở các tỉnh lân cận bằng phương tiện xe gắn máy.

Ngoài ra, Chi cục Thủy sản đã cử cán bộ thường xuyên theo dõi, kiểm tra sự sinh trưởng và phát triển của con tôm, phát hiện những dấu hiệu không tốt để khuyến cáo nhân dân xử lý kịp thời.

Về phía người dân, đã chú trọng đầu tư cho sản xuất, nhiều hộ đã áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả cao. Thực tế cho thấy, có năm tôm nuôi đang sinh trưởng, phát triển tốt, tôm đủ trọng lượng để thu hoạch nhưng không ít hộ cố để to hơn bán giá cao nhưng lại bị thua lỗ do thời tiết làm tôm chết hàng loạt.

Rút kinh nghiệm, năm nay người dân đã biết tính toán hợp lý để làm sao không bị lỗ, hầu hết các chủ đầm tôm đều thu tỉa dần khi tôm đã đủ kích cỡ và trọng lượng.

Trong những vụ nuôi trồng thủy sản tiếp theo, để nghề nuôi trồng thủy sản vùng nước lợ phát triển bền vững, Chi cục Thuỷ sản tỉnh khuyến cáo người dân nuôi tôm, sau khi thu hoạch xong vụ 1 cần nhanh chóng cải tạo lại ao hồ, phơi đáy hồ, vệ sinh xung quanh hồ nuôi trước khi thả nuôi tôm vụ 2 sắp tới.

Ngoài việc thực hiện nuôi trồng theo đúng kỹ thuật thâm canh, bảo vệ môi trường nước thì rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành chức năng trong việc quản lý chất lượng con giống, tư vấn nhân dân lựa chọn đơn vị cung ứng giống, tiếp tục mở rộng các mô hình sản xuất giống đảm bảo chất lượng.


Có thể bạn quan tâm

Nông Dân Ngã Năm Khai Thác Thủy Sản Mùa Lũ Nông Dân Ngã Năm Khai Thác Thủy Sản Mùa Lũ

Khi nước lũ tràn đồng thì gia đình anh Lê Văn Nghiệp ở ấp Tân Thành B – xã Long Tân (Sóc Trăng) đã mua 60 cái dớn về đánh bắt cá. Vì gia đình ít đất sản xuất nên anh Nghiệp tranh thủ con nước về đánh bắt thủy sản để có thêm thu nhập, chờ khi nước rút mới gieo sạ vụ lúa đông xuân.

06/11/2013
Đầu Ra Bấp Bênh, Hơn 120 Ha Diện Tích Nuôi Cá Tra Treo Ao Đầu Ra Bấp Bênh, Hơn 120 Ha Diện Tích Nuôi Cá Tra Treo Ao

Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, trong 10 tháng đầu năm 2013, tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trên địa bàn quận gặp nhiều khó khăn do giá cá tra nguyên liệu sụt giảm, nông dân bán cá khó thu được tiền mặt mà vẫn phải bán chịu cho doanh nghiệp. Tổng diện tích nuôi cá tra thịt trên địa bàn quận đến nay chỉ đạt hơn 431 ha, giảm 52 ha so với cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi cá tra đã treo ao là 120,94 ha, tăng 52 so với năm trước. Ngoài ra, diện tích sản xuất cá tra giống trên địa bàn quận cũng giảm 16 ha so với năm trước, xuống còn 59,1 ha, với 60 hộ dân tham gia.

06/11/2013
Phê Duyệt Quy Hoạch Nuôi Trồng Thuỷ Sản Đến Năm 2020 Phê Duyệt Quy Hoạch Nuôi Trồng Thuỷ Sản Đến Năm 2020

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Quyết định số 2234/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch Nuôi trồng thủy sản của tỉnh đến năm 2020.

06/11/2013
Giá Tôm Tăng Mạnh, Nông Dân Thu Lợi Cao Giá Tôm Tăng Mạnh, Nông Dân Thu Lợi Cao

Trong vòng nửa tháng trở lại đây, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng (tôm nước lợ) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tăng mạnh trở lại sau một thời gian giảm nhẹ. Nhiều hộ dân nhờ giá tôm tăng mạnh đã thu bạc tỉ chỉ trong thời gian 2-3 tháng thả nuôi với loại tôm thẻ chân trắng.

06/11/2013
Khấm Khá Với Nghề Nuôi Dê Khấm Khá Với Nghề Nuôi Dê

Nuôi dê từ năm 2004, dù bị nhiều thất bại, nhưng chị Bùi Thị Lượm, ngụ tổ 3, ấp Mỹ Hòa, xã Song Thuận (Châu Thành - Tiền Giang) vẫn không nản chí, kiên nhẫn gắn bó với nghề. Đến nay, chị là 1 trong những người nuôi dê nhiều nhất xã.

06/11/2013