Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vụ tôm cuối mất mùa rớt giá

Vụ tôm cuối mất mùa rớt giá
Ngày đăng: 19/10/2015

Sản lượng giảm mạnh

Vào giữa tháng 8.2015, ông Nguyễn Tố Qua ở thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) thả nuôi 10 nghìn con tôm thẻ chân trắng giống trong ao nuôi 5 nghìn mét vuông.

Chưa đầy 2 tháng sau, ông quyết định xuất bán tôm cho thương lái.

Vụ này tổng sản lượng tôm mà ông thu hoạch được chỉ đạt 2,5 tạ, chưa bằng 70% so với các lần trước.

Theo ông Qua, hồi trước thông thường mỗi năm người dân vùng này chỉ nuôi 2 vụ tôm chính nhưng mấy năm gần đây không ít hộ đã thay đổi theo hướng tăng vụ bằng việc thả sớm hơn lịch quy định và rút ngắn thời gian nuôi bởi thời tiết thất thường.

Ông Qua nói: “Riêng gia đình tôi, từ đầu năm 2015 đến nay đã thả nuôi 4 lứa tôm.

Trong đó, đợt 1 và đợt 2 thu lãi được gần 80 triệu đồng, còn đợt 3 và đợt 4 này thì mỗi vụ lỗ hơn 5 triệu đồng vì tôm bị nhiễm bệnh nên chết nhiều khiến sản lượng đạt thấp”.

Người nuôi tôm ở vùng đông Duy Xuyên kiểm tra tôm thả nuôi trước khi thu hoạch.

Ngay cạnh hồ nuôi của ông Qua là hồ tôm của ông Nguyễn Bảy.

Liên tục mấy ngày nay ông Bảy huy động người dân nhanh chóng thu hoạch tôm để kịp bán cho thương lái nhằm tránh nguy cơ thiệt hại do mưa lũ.

Ông Bảy cho biết đây là đợt thu hoạch thứ 3 trong năm và sản lượng tôm đạt rất thấp.

“Trong vụ cuối này, với diện tích ao nuôi rộng hơn 4.500m2, tôi thả gần 10 nghìn con tôm giống nhưng nay chỉ thu được xấp xỉ 2 tạ tôm thịt.

Nguyên nhân là thời tiết diễn biến hết sức bất thường, nhất là sau khi cơn bão số 3 xuất hiện đến nay con tôm mắc phải một số bệnh nên xảy ra hiện tượng chết rải rác”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Trung – cán bộ phụ trách thủy sản xã Duy Vinh cho biết, mấy ngày nay người dân địa phương gấp rút thu hoạch 70ha diện tích tôm nuôi vụ cuối của năm 2015, tập trung nhiều nhất tại 2 thôn Đông Bình và Hà Mỹ.

Theo thống kê sơ bộ, tổng sản lượng tôm vụ này chỉ đạt 50 tấn, chưa bằng 50% so với lứa trước.

Nguyên nhân chủ yếu là cơn bão số 3 hồi giữa tháng 9 dương lịch gây mưa to, dẫn đến mực nước ở các hồ nuôi thay đổi thất thường, thậm chí một số hồ nước tràn qua bờ gây thất thoát lớn cho người dân.

Bên cạnh đó, quy trình kỹ thuật chăm sóc, ao nuôi, con giống cũng chưa thực sự đảm bảo theo hướng dẫn của ngành chức năng.

Ông Trung nói: “Trước khi bước vào mỗi vụ nuôi, chúng tôi thường phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho người dân và luôn khuyến cáo họ tuân thủ nghiêm lịch thời vụ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số hộ dân vẫn cứ tự ý phá vỡ quy định”.

Rớt giá

Khác với trước đây, giá tôm dao động 90 - 120 nghìn đồng/kg thì vụ này giảm xuống còn 75 - 100 nghìn đồng/kg.

Ông Huỳnh Văn Quân ở thôn Hà Mỹ (xã Duy Vinh) cho biết, trong đợt cuối của năm 2015 này ông thả nuôi 15 nghìn con tôm giống theo hình thức lót bạt.

Hiện tại, con tôm đã tới kỳ xuất bán, thương lái tìm đến tận hồ hỏi mua nhưng giá đưa ra chỉ 100 nghìn đồng/kg, giảm 20 nghìn đồng so với trước đây.

Ông Quân chia sẻ: “Từ trước đến nay, giá cả tôm nuôi cứ phụ thuộc vào thị trường và thương lái vẫn là người định đoạt giá.

Nếu thấy được mình bán, còn không thì phải tự tìm cách tiêu thụ.

Riêng thời điểm này, nếu tôi không gật đầu bán thì lỡ mưa lũ bất ngờ ào đến chắc chắn sẽ trắng tay.

Thôi thì phải đành chấp nhận.

Mấy năm nay, không ít người dân ở vùng quê sông nước này đã quyết định bỏ hồ nuôi để chuyển sang làm các ngành nghề khác nhưng rồi họ cũng quay lại với con tôm, dù rằng việc sản xuất luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro do yếu tố thời tiết và thị trường tiêu thụ sản phẩm”.

Đâu riêng gì ông Quân, vụ này nhiều hộ dân khác ở các xã Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Thành của huyện Duy Xuyên cũng gặp khó khăn vì mất một khoản thu nhập không nhỏ do tôm rớt giá mạnh.

Theo ông Trần Châu Giang – Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên, vụ cuối của năm 2015 toàn huyện có 112ha ao nuôi tôm thẻ chân trắng, tập trung chủ yếu tại 3 xã vừa nêu.

Trong giai đoạn đầu, con tôm phát triển rất tốt nhưng đến thời điểm gần cuối vụ thì gặp phải thời tiết bất lợi nên một số loại dịch bệnh bùng phát và gây hại nhiều hồ tôm.

Ông Giang nói: “Qua số liệu thống kê mới nhất cho thấy, lứa này tổng sản lượng tôm thịt mà người dân trên địa bàn huyện thu được khoảng 118 tấn, chỉ bằng một nửa so với vụ 1.

Trong khi đó, giá bán sản phẩm lại thấp hơn mùa trước 10 - 20 nghìn đồng/kg.

Vì thế, tính chung các hộ nuôi tôm ở Duy Xuyên sẽ mất không dưới 1,5 tỷ đồng”.


Có thể bạn quan tâm

Khóc trên mỗi vuông tôm, ao cá Khóc trên mỗi vuông tôm, ao cá

Dù được kỳ vọng góp phần cứu vớt cho xuất khẩu ngành nông lâm thủy sản đang trong thế suy giảm xuất khẩu do giá thế giới giảm, tiêu thụ khó khăn nhưng nhiều chính sách liên quan đến con tôm và cá tra đang gây khó cho doanh nghiệp.

09/06/2015
Hong Kong dừng nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam Hong Kong dừng nhập khẩu gia cầm từ Việt Nam

Hồng Công sẽ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm nguồn gốc từ VN do lo ngại dịch cúm gia cầm (H5N1 và H5N6).

09/06/2015
Muối miền Trung bị rớt giá thê thảm Muối miền Trung bị rớt giá thê thảm

300 đồng/kg muối - với mức giá này, chưa bao giờ muối ở miền Trung lại rớt giá thê thảm như lúc này.

09/06/2015
Lỗ hổng quy hoạch nông sản Lỗ hổng quy hoạch nông sản

Thời gian qua, các mặt hàng nông sản liên tục rớt giá. Điều đáng nói khi được mùa cũng rớt giá, mất mùa cũng rớt.

09/06/2015
Sông Bình thí điểm mô hình xoài Đài Loan đỏ Sông Bình thí điểm mô hình xoài Đài Loan đỏ

Mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng mới, tìm hướng phát triển kinh tế cho riêng mình, đó là cách nghĩ và áp dụng của một số hộ dân tại xã Sông Bình, huyện Bắc Bình. Trong đó mô hình trồng xoài Đài Loan đỏ của gia đình ông Phạm Quốc Vinh là một điển hình, có nhiều triển vọng.

09/06/2015