Vụ Tôm 2014 Ở Huyện Cù Lao Dung Nóng Ở Chuyện Phá Mía Và Thiếu Điện
Không chỉ có tình hình nắng nóng kéo dài, hay giá tôm nguyên liệu tăng cao, mà chuyện phá mía nuôi tôm và thiếu điện đang góp phần “gia nhiệt” làm cho vụ nuôi tôm nước lợ năm 2014 ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) “nóng” lên từng ngày.
Phá mía nuôi tôm
Năm 2013, nhiều hộ nuôi tôm đạt lợi nhuận cao, trong khi phần lớn người trồng mía chỉ có lãi thấp, huề vốn thậm chí thua lỗ, nên một số hộ đã chuyển đổi một phần (hoặc toàn bộ) diện tích mía sang nuôi tôm.
Chỉ trong vòng 4 tháng đầu năm 2014, toàn huyện đã có 345,08ha mía, 1,3 ha vườn tạo, 10,85ha đất bãi bồi và 54,95ha thủy sản được chuyển sang nuôi tôm, nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp đà tăng trưởng này, nhất là tình trạng thiếu điện 3 pha và thiếu vốn.
Đồng chí Phạm Hồng Văn-Phó Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết: “Năm nay do mặn lên trễ và thấp, nên hiện nay, nhiều hộ chưa dám phá mía chuyển sang nuôi tôm vì sợ trễ vụ. Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, từ nay đến cuối vụ, ít nhất cũng có từ 50ha mía bị phá bỏ chuyển sang nuôi tôm”.
Tính đến ngày 24-4, nông dân trong huyện đã thả nuôi 726,8ha tôm; trong đó, tôm thẻ là 705ha và 21,8 ha tôm sú. Kết quả thu hoạch 151,4ha cho năng suất bình quân 6 tấn/ha và giá bán tôm thẻ cỡ 100 con/kg bình quân từ 100.000-106.000 đồng/kg, phần lớn các diện tích thu hoạch đều đạt lợi nhuận khá.
Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng nên đã có 24,7ha tôm nuôi bị thiệt hại do bệnh đốm trắng, đốm đen và hoại tử gan tụy. Kết quả trên được ngành chức năng và lãnh đạo địa phương đánh giá là rất tốt so với những vùng nuôi khác như: Vĩnh Châu, Mỹ Xuyên hay Trần Đề.
Tuy nhiên, theo đồng chí Phạm Hồng Văn, những khó khăn ở vụ nuôi 2014 cũng đã phát sinh, chủ yếu là cơ sở hạ tầng và vốn. Đồng chí Phạm Hồng Văn cho biết thêm: “Hệ thống thủy lợi nội đồng ở những vùng nuôi tập trung đang bị bồi lắng rất nhanh, không đảm bảo nhu cầu cấp, thoát nước, nên khi xảy ra dịch bệnh rất dễ lây lan trên diện rộng”.
Những dự báo mới đây cho thấy, diện tích mía trên địa bàn huyện sẽ còn tiếp tục giảm để chuyển sang nuôi tôm. Nguyên nhân chính là do những ao tôm đã và đang thu hoạch đều cho lợi nhuận khá cao, mặc dù giá tôm nguyên liệu gần đây đã giảm.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo huyện, các diện tích mở mới nuôi tôm hầu hết đều nằm trong vùng quy hoạch và nếu không có phát sinh lớn từ nay đến cuối vụ, diện tích thả nuôi năm nay của huyện sẽ vào khoảng 1.512ha, tức vẫn chưa vượt quá diện tích quy hoạch đã được phê duyệt.
Vì vậy, lãnh đạo huyện kiến nghị UBND tỉnh cho phép huyện được chuyển 400ha diện tích mía ở những vùng đất thấp, dễ ngập mặn, vùng đất nằm sâu trong nội đồng có điều kiện thu hoạch, vận chuyển khó khăn sang nuôi tôm là phù hợp với quy hoạch và nguyện vọng của người dân.
Thiếu điện
Trước đây, khi quy hoạch nuôi tôm ở Cù Lao Dung được duyệt, ngành điện đã đầu tư một số trạm biến áp, để phục vụ nuôi tôm tại những vùng quy hoạch này.
Tuy nhiên, lúc này, diện tích nuôi còn thấp, quy mô nhỏ, nên lượng điện tiêu thụ rất ít so với công suất các trạm, để tránh lãng phí thiết bị, ngành điện đã chuyển một số trạm biến áp sang những vùng khác có nhu cầu bức xúc hơn. Đến khi con tôm thẻ “lên ngôi”, lợi nhuận gấp hàng chục lần cây mía, nông dân ùn ùn chuyển sang nuôi tôm thẻ, gây nên tình trạng thiếu điện nghiêm trọng từ năm 2013 đến nay.
Đồng chí Phạm Hồng Văn cho biết: “Nhu cầu điện phục vụ nuôi tôm năm nay là rất lớn, nhưng hệ thống lưới điện, trạm biến áp hiện tại không đảm bảo nhu cầu sản xuất. Ngay cả một số hộ có điều kiện lắp bình hạ thế, nhưng tiến độ thi công của ngành điện cũng còn rất chậm”.
Một vấn đề bức xúc khác liên quan đến điện phục vụ nuôi tôm chính là những hộ đã có hợp đồng mua bán điện phục vụ sản xuất với ngành điện nay bỗng dưng nhận thông báo sẽ bị cắt điện từ tháng 6 tới đây. Điều này sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi tôm vì vụ nuôi đã được chuẩn bị hoàn tất, nếu không có điện người nuôi sẽ không thể thực hiện kế hoạch đã đề ra ở vụ nuôi này.
Mặt khác, lúc ký hợp đồng, người nuôi đã đầu tư một khoản tiền khá lớn (vài chục triệu đồng) để kéo đường dây từ trạm biến áp về đến ao nuôi, nay không sử dụng sẽ lãng phí. Chính quyền địa phương cũng chưa đồng tình với quyết định trên của điện lực.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiểu-Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung, nêu quan điểm: “Trước đây, khi những hộ này đăng ký, ngành điện đã khảo sát nhu cầu tiêu thụ công suất trạm và đồng ý ký hợp đồng bán điện phục vụ nuôi tôm tại một số khu vực có trạm biến áp còn dư tải. Không hiểu sao, đầu năm nay lại thông báo cắt điện đối với những hộ này. Liệu quyết định này của ngành điện có vi phạm hợp đồng kinh tế về mua bán điện hay không rất cần được làm rõ?!”.
Lãnh đạo huyện Cù Lao Dung đã kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét tiếp tục cho những hộ này được sử dụng điện nuôi tôm từ nay đến hết năm 2014, nếu trạm biến áp chưa sử dụng hết công suất.
Ngoài ra, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT cần xem xét, cho phép các hộ có nhu cầu lắp bình hạ thế cặp tuyến đê bao Tả-Hữu, đê biển được phép lắp trụ điện phía ngoài đê cách chân đê từ 3-5m và phía trong đê cách chân đê 25m, vì nếu không có chủ trương, ngành điện không dám lắp đặt trụ do vi phạm Luật Bảo vệ đê điều.
Đồng chí Phạm Hồng Văn nêu ý kiến: “Phải có thời gian để người nuôi chuẩn bị tiền lắp bình hạ thế hoặc mua máy phát điện hay máy dầu loại nhỏ, chứ cắt ngang kiểu này sẽ rất khó cho người nuôi”.
Thiếu điện phục vụ nuôi tôm ở huyện Cù Lao Dung chưa thể dừng lại, nếu như ngành điện không kịp thời triển khai thi công lắp mới, nâng cấp hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện kịp tiến độ thả nuôi của các hộ dân.
Có thể bạn quan tâm
Có khoảng 80% nguồn cung lương thực ở châu Á và một phần ở châu Phi được các nông hộ nhỏ SX ra để tự nuôi sống bản thân và gia đình họ.
Cũng náo nức và khẩn trương không kém so với các nhóm nông dân khác của 12 tỉnh ĐBSCL, nhưng nhóm nông dân ở Khóm Vĩnh Mỹ A, phường 3, TX Ngã Năm (Sóc Trăng) lại có nét chuẩn bị rất riêng của họ…
Thời gian qua, xã Hoài Xuân (huyện Hoài Nhơn) đã tập trung thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), góp phần làm cho bộ mặt nông thôn địa phương có nhiều thay đổi tích cực, đời sống vật chất tinh thần của người dân từng bước được cải thiện…
Mỹ Thọ là xã Anh hùng, thuộc huyện Phù Mỹ. Những năm qua, Mỹ Thọ đã phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng quê hương ngày càng phát triển. “Từ xóa đói, giảm nghèo, rồi từng bước vươn lên khá giàu nhờ tập trung phát triển kinh tế nông-ngư nghiệp là 2 ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương”- ông Nguyễn Kim Trắc, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ, khẳng định.
Quỹ Tín dụng nhân dân (QTD) thị trấn (TT) Diêu Trì hoạt động trên địa bàn TT Diêu Trì và 2 xã Phước An, Phước Thành (huyện Tuy Phước). Hoạt động của QTD đã góp phần giúp các địa phương này phát triển, kinh tế bình quân hàng năm từ 12 - 15,3%, thu nhập bình quân đầu người từ 34,5 - 40 triệu đồng/năm.