Vụ mùa năm 2015 đạt năng suất cao nhờ cơ cấu giống, thời vụ hợp lý

Thời tiết bất lợi cho sản xuất
Nhiều năm gần đây, chưa vụ mùa nào, thời tiết khắc nghiệt như năm nay: mùa hè, nắng nóng kéo dài với nhiệt độ 30 - 40 độ C, mưa cũng diễn biến bất thường, ảnh hưởng giai đoạn làm mạ khay mới nảy mầm.
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Hải Phòng Đoàn Hữu Thanh cho biết: thời tiết không thuận rất bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.Vào thời điểm lúa trỗ, một số giống mẫn cảm gặp mưa kéo dài làm cho quá trình thụ phấn lúa kém, gây tỷ lệ lép hạt cao.
Theo Chi cục Thủy lợi Hải Phòng, ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa lớn kéo dài đúng lúc triều cường, tiêu thoát nước qua các công dưới đê gặp khó khăn, gây ngập úng cục bộ tại xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo), Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh), Hồng Thái (huyện An Dương), Chĩnh Mỹ và Lưu Kiếm (Thủy Nguyên)...
Nông dân canh tác lúa ở một số vùng đất trũng lo lắng khi diện tích lúa mùa mới cấy bị ngập úng khó bảo đảm được năng suất, chất lượng. Trên các cánh đồng vào thời điểm lúa đứng cái, làm đòng, hiện tượng sâu bệnh diễn ra phức tạp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, nguy cơ giảm năng suất lúa mùa.
Bà Đỗ Thị Sơn ở thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy) nhớ lại: “Ngày nào ra thăm ruộng đúng vào giai đoạn lúa trỗ bông cũng nhìn thấy những đám lúa xanh bị cháy lá, cứ lo không biết có giữ vững được năng suất”.
Diễn biến sâu bệnh xuất hiện bất thường khiến không chỉ nhiều nông dân mà cán bộ nông nghiệp đứng ngồi không yên.
Chủ động ứng phó với khó khăn
Trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng vụ mùa này các địa phương vẫn giữ vững được năng suất so với vụ mùa trước.
Theo Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp-PTNT Hải Phòng), thành công của vụ mùa này là nhờ chủ động cơ cấu giống lúa, trà và khung thời vụ thích hợp, tránh được ảnh hưởng của thời tiết; các địa phương đưa một số giống lúa mới, chống, chịu được thời tiết khắc nghiệt, cho chất lượng gạo ngon vào canh tác.
Vụ mùa năm nay, một số địa phương tích cực đưa các giống mới VT – NA2, TBR 225, SQ2 vào gieo cấy trên đồng ruộng, áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, sản xuất mạ khay, máy cấy, thu hoạch bằng cơ giới hóa.
Kết quả, các giống mới đều cho năng suất từ 64 - 72 tạ/ha, cao hơn các giống lúa đại trà, giúp nông dân thu lãi từ 15 - 17 triệu đồng/ha.
Công tác phòng, trừ sâu bệnh được tích cực chỉ đạo quyết liệt từ thành phố đến các địa phương.
Thành phố và Sở Nông nghiệp – PTNT ban hành nhiều công văn, công điện...
trực tiếp chỉ đạo các địa phương phòng, trừ sâu bệnh và các đối tượng dịch hại.
Lực lượng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp bám sát đồng ruộng, tăng cường kiểm tra, theo dõi, tập huấn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hiệu quả tới bà con nông dân. Tại khu vực 3 xã đường 10, huyện Tiên Lãng vừa thu hoạch xong lúa mùa, nông dân phấn khởi vì giữ vững năng suất lúa nếp cái hoa vàng, một số diện tích lúa tẻ đạt năng suất cao hơn.
Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Đại Thắng Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: kết quả vụ lúa mùa này phản ánh trình độ thâm canh của nông dân tốt hơn.
Trước diễn biến thời tiết bất thường, bà con chấp hành lịch gieo cấy, chủ động và linh hoạt trong khung thời vụ để ứng phó.
Vì vậy, vào cuối vụ, khi chuẩn bị gặt mùa, dù một số diện tích lúa bị đổ, nhưng không ảnh hưởng năng suất và chất lượng.
Đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu canh tác Từ thực tế vụ mùa vừa qua cho thấy, trong một số khâu canh tác cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hải Phòng, diện tích lúa vụ mùa ứng dụng gieo sạ tại các địa phương mới đạt 1606 ha, bằng 4,1% tổng diện tích gieo cấy; sử dụng máy cấy đạt hơn 4% tổng diện tích gieo cấy; diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ mới đạt hơn 1000 ha.
Vì vậy trong các vụ sản xuất tới, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Các địa phương tranh thủ nguồn vốn đầu tư của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đầu tư mua máy cơ khí hóa ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Các tổ dịch vụ cơ khí hóa ở các địa phương hoạt động tiện lợi với chi phí ngày càng giảm nhằm khuyến khích nông dân tích cực tham gia ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, tiến tới cơ giới hóa đồng bộ trên toàn diện tích canh tác nông nghiệp đem lại hiệu quả cao.
Vụ mùa 2015, toàn thành phố gieo cấy 39115 ha, đạt 99% mức kế hoạch; trong đó trà mùa sớm chiếm 8%, mùa trung chiếm 87,5%, mùa muộn chiếm 4% tổng diện tích gieo cấy.
Có thể bạn quan tâm

Qua 06 năm (2008 -2013) triển khai thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 06 tháng 3 năm 2008 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức “Tháng hành động bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng ven biển tỉnh Thanh Hóa”

Sau gần 3 tháng nhận bàn giao từ Chương trình Tấm lưới nghĩa tình của Quỹ Tấm lòng vàng Lao động của Tổng LĐLĐ Việt Nam, tàu cá 605 CV do Quỹ trao tặng cho Nghiệp đoàn Nghề cá An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vẫn chưa một lần vươn khơi bám biển. Vì sao?

Ngày 30-1, các hộ nuôi tôm lớn ở 2 huyện: Nhơn Trạch, Long Thành (Đồng Nai) cho biết, trong mấy ngày giáp tết, giá tôm sú thương lái mua tại đầm, hồ là 370-420 ngàn đồng/kg tăng khoảng 70-80 ngàn đồng/kg so với ngày thường.

Tuy nhiên, theo các chủ tàu cá khai thác cá ngừ đại dương những ngày giữa tháng 1.2014, giá cá ngừ đại dương được thương lái thu mua với giá từ 100 - 120 ngàn đồng/kg nhưng hiện nay do nhiều tàu trúng đậm nên thương lái ép giá, chỉ còn 80.000 đồng đến 90.000 đồng/kg.

Trong tiết trời lạnh giá của những ngày cuối năm, dọc tuyến đường từ trung tâm thị xã dẫn sang các xã đảo khu vực Hà Nam, chúng tôi được chứng kiến bà con tấp nập chở các loại thuỷ sản: Tôm, cá, cua, ruốc... từ các xã ven biển sang trung tâm thị xã tiêu thụ.