Vụ mùa năm 2015 đạt năng suất cao nhờ cơ cấu giống, thời vụ hợp lý

Thời tiết bất lợi cho sản xuất
Nhiều năm gần đây, chưa vụ mùa nào, thời tiết khắc nghiệt như năm nay: mùa hè, nắng nóng kéo dài với nhiệt độ 30 - 40 độ C, mưa cũng diễn biến bất thường, ảnh hưởng giai đoạn làm mạ khay mới nảy mầm.
Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư Hải Phòng Đoàn Hữu Thanh cho biết: thời tiết không thuận rất bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.Vào thời điểm lúa trỗ, một số giống mẫn cảm gặp mưa kéo dài làm cho quá trình thụ phấn lúa kém, gây tỷ lệ lép hạt cao.
Theo Chi cục Thủy lợi Hải Phòng, ảnh hưởng của cơn bão số 2 và mưa lớn kéo dài đúng lúc triều cường, tiêu thoát nước qua các công dưới đê gặp khó khăn, gây ngập úng cục bộ tại xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo), Hòa Nghĩa (quận Dương Kinh), Hồng Thái (huyện An Dương), Chĩnh Mỹ và Lưu Kiếm (Thủy Nguyên)...
Nông dân canh tác lúa ở một số vùng đất trũng lo lắng khi diện tích lúa mùa mới cấy bị ngập úng khó bảo đảm được năng suất, chất lượng. Trên các cánh đồng vào thời điểm lúa đứng cái, làm đòng, hiện tượng sâu bệnh diễn ra phức tạp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, nguy cơ giảm năng suất lúa mùa.
Bà Đỗ Thị Sơn ở thôn Phong Cầu, xã Đại Đồng (huyện Kiến Thụy) nhớ lại: “Ngày nào ra thăm ruộng đúng vào giai đoạn lúa trỗ bông cũng nhìn thấy những đám lúa xanh bị cháy lá, cứ lo không biết có giữ vững được năng suất”.
Diễn biến sâu bệnh xuất hiện bất thường khiến không chỉ nhiều nông dân mà cán bộ nông nghiệp đứng ngồi không yên.
Chủ động ứng phó với khó khăn
Trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng vụ mùa này các địa phương vẫn giữ vững được năng suất so với vụ mùa trước.
Theo Phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp-PTNT Hải Phòng), thành công của vụ mùa này là nhờ chủ động cơ cấu giống lúa, trà và khung thời vụ thích hợp, tránh được ảnh hưởng của thời tiết; các địa phương đưa một số giống lúa mới, chống, chịu được thời tiết khắc nghiệt, cho chất lượng gạo ngon vào canh tác.
Vụ mùa năm nay, một số địa phương tích cực đưa các giống mới VT – NA2, TBR 225, SQ2 vào gieo cấy trên đồng ruộng, áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, sản xuất mạ khay, máy cấy, thu hoạch bằng cơ giới hóa.
Kết quả, các giống mới đều cho năng suất từ 64 - 72 tạ/ha, cao hơn các giống lúa đại trà, giúp nông dân thu lãi từ 15 - 17 triệu đồng/ha.
Công tác phòng, trừ sâu bệnh được tích cực chỉ đạo quyết liệt từ thành phố đến các địa phương.
Thành phố và Sở Nông nghiệp – PTNT ban hành nhiều công văn, công điện...
trực tiếp chỉ đạo các địa phương phòng, trừ sâu bệnh và các đối tượng dịch hại.
Lực lượng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp bám sát đồng ruộng, tăng cường kiểm tra, theo dõi, tập huấn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hiệu quả tới bà con nông dân. Tại khu vực 3 xã đường 10, huyện Tiên Lãng vừa thu hoạch xong lúa mùa, nông dân phấn khởi vì giữ vững năng suất lúa nếp cái hoa vàng, một số diện tích lúa tẻ đạt năng suất cao hơn.
Chủ nhiệm HTX nông nghiệp xã Đại Thắng Nguyễn Văn Ngọc chia sẻ: kết quả vụ lúa mùa này phản ánh trình độ thâm canh của nông dân tốt hơn.
Trước diễn biến thời tiết bất thường, bà con chấp hành lịch gieo cấy, chủ động và linh hoạt trong khung thời vụ để ứng phó.
Vì vậy, vào cuối vụ, khi chuẩn bị gặt mùa, dù một số diện tích lúa bị đổ, nhưng không ảnh hưởng năng suất và chất lượng.
Đẩy mạnh cơ giới hóa các khâu canh tác Từ thực tế vụ mùa vừa qua cho thấy, trong một số khâu canh tác cần đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hải Phòng, diện tích lúa vụ mùa ứng dụng gieo sạ tại các địa phương mới đạt 1606 ha, bằng 4,1% tổng diện tích gieo cấy; sử dụng máy cấy đạt hơn 4% tổng diện tích gieo cấy; diện tích lúa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ mới đạt hơn 1000 ha.
Vì vậy trong các vụ sản xuất tới, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Hải Phòng tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa vào đồng ruộng.
Các địa phương tranh thủ nguồn vốn đầu tư của chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ đầu tư mua máy cơ khí hóa ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Các tổ dịch vụ cơ khí hóa ở các địa phương hoạt động tiện lợi với chi phí ngày càng giảm nhằm khuyến khích nông dân tích cực tham gia ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, tiến tới cơ giới hóa đồng bộ trên toàn diện tích canh tác nông nghiệp đem lại hiệu quả cao.
Vụ mùa 2015, toàn thành phố gieo cấy 39115 ha, đạt 99% mức kế hoạch; trong đó trà mùa sớm chiếm 8%, mùa trung chiếm 87,5%, mùa muộn chiếm 4% tổng diện tích gieo cấy.
Related news

Gạo Việt Nam đang ở vị trí thực sự bị đe dọa, gạo giá rẻ cạnh tranh vất vả so với Ấn Độ, gạo chất lượng cao đang thua rõ ràng so với Campuchia, Thái Lan.

So với hai năm trước, tình hình xuất khẩu thủy sản đang ngày một giảm.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp năm 2015 được dự báo là sẽ thấp nhất trong vòng 5 năm qua, song theo đánh giá của đại diện Bộ NN&PTNT thì đây là điều bình thường, khó tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh khó khăn chung.

Cá hường vện (còn gọi là thái hổ) là giống cá kiểng nước ngọt quý hiếm hầu như chỉ có trên dòng sông Vàm Cỏ Đông.

Mô hình nuôi lợn trên đệm lót sinh học đã xuất hiện từ lâu, với nhiều lợi ích thiết thực, nhất là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện nhiều nông dân ở một số địa phương đã quay lưng với đệm lót sinh học và trở về với cách nuôi truyền thống.