Vụ lúa Đông xuân 2015-2016 Khuyến cáo xuống giống sớm
Hiện nông dân ở những nơi có điều kiện sản xuất thuận lợi trên địa bàn tỉnh đang tranh thủ xuống giống sớm lúa Đông xuân.
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, từ tháng 10-2015 đến tháng 4-2016, lượng mưa ở khu vực Nam bộ thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-40% và mùa mưa có khả năng kết thúc sớm hơn năm trước.
Bên cạnh đó, đỉnh lũ trên sông Cửu Long năm 2015 thấp hơn so với trung bình nhiều năm.
Với tình hình này, khả năng vụ lúa Đông xuân 2015-2016 ở các tỉnh khu vực ĐBSCL sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn.
Do đó, việc xuống giống vụ lúa Đông xuân 2015-2016 cho toàn khu vực được đề nghị triển khai sớm hơn những năm trước để tận dụng nguồn nước ngọt cho lúa phát triển, sinh trưởng tốt; đồng thời, chủ động thời gian thu hoạch vào tháng 2 và tháng 3 sẽ thuận lợi cho xuất khẩu.
Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Mặc dù ngày chính thức xuống giống lúa Đông xuân trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 20 ngày nữa (theo lịch thời vụ của ngành nông nghiệp tỉnh).
Tuy nhiên, trước dự báo về tình hình thời tiết diễn biến phức tạp của Trung tâm Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ; đặc biệt, nhằm hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới và bị xâm nhập mặn, do đó, tùy theo thực tế của từng vùng sản xuất mà các địa phương xây dựng lịch xuống giống cho phù hợp.
Cũng theo ông Thể, một điểm mới trong việc chỉ đạo xuống giống lúa Đông xuân năm nay là các địa phương không nên ngăn cản người dân xuống giống sớm, những nơi có điều kiện thuận lợi nên khuyến cáo bà con gieo sạ, nhưng phải đảm bảo đồng loạt trên từng cánh đồng để tránh sự gây hại của rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá từ đầu vụ.
Bên cạnh đó, trước khi gieo sạ, bà con cần thu gom và mang ra khỏi ruộng hoặc trục nhận rơm, gốc rạ, tàn dư thực vật của vụ lúa trước; làm đất thật kỹ để tránh ngộ độc hữu cơ; áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, bón phân cân đối nhằm hạn chế đổ ngã, dịch hại; khuyến cáo sử dụng các giống lúa như: OM 4900, OM 4218, OM 5451, OM 7347, OM 6976, Jasmine 85,…
Trên thực tế những ngày qua, có không ít nông dân trên địa bàn tỉnh đang vệ sinh đồng ruộng, nhiều nơi, bà con đã xuống giống lúa Đông xuân sớm.
Ghi nhận tại cánh đồng lúa ở ấp 5, xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy), hiện nông dân nơi đây đã gieo sạ được khoảng 15ha, lúa trong giai đoạn từ 5-7 ngày tuổi và phát triển tốt.
Gặp chúng tôi bên ruộng lúa vừa sạ được 7 ngày tuổi, ông Lê Văn Tài thông tin: “Năm nay, nước lũ thấp hơn từ 3-4 tấc nước so với cùng kỳ năm trước.
Thấy nước ít, xung quanh lại có bờ bao kiên cố nên tôi và bà con nơi đây tranh thủ bơm nước ra ngoài, tiến hành làm đất để sạ sớm nhằm thu hoạch trước, bán được giá.
Đây là năm thứ 2 tôi sạ sớm, mấy vụ trước, chỉ có vài hộ với 5ha, nhưng vụ này mở rộng lên khoảng 15ha”.
Theo kế hoạch, vụ lúa Đông xuân năm nay, toàn tỉnh xuống giống khoảng 79.000ha, tập trung nhiều ở các huyện Châu Thành A, Vị Thủy, Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.
Căn cứ vào tình hình thực tế, năm nay, bà con trên địa bàn tỉnh đang xuống giống lúa Đông xuân sớm hơn từ 5-10 ngày so với cùng kỳ, trong đó, huyện Vị Thủy là địa phương có diện tích lúa Đông xuân gieo sạ sớm nhất (trên 15ha).
Dự báo trong 10 ngày tới, nông dân ở nhiều nơi của huyện Châu Thành A sẽ xuống giống tập trung, với diện tích khoảng 2.000ha.
Trước dự báo về những diễn biến khắc nghiệt của hạn hán, xâm nhập mặn trong năm tới, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cũng vừa có công điện gửi một số bộ, ngành Trung ương và các địa phương về tình trạng khẩn trương chuẩn bị đối phó hạn hán và xâm nhập mặn năm 2016.
Ông Cao Đức Phát, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng: Để bảo đảm việc cấp nước phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp vụ Đông xuân 2015-2016, Hè thu 2016, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của El Nino;
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố phía Nam tổ chức kiểm tra chặt chẽ nguồn nước, cân đối khả năng cung cấp nước cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn, ưu tiên cho dân sinh và các ngành sản xuất kinh doanh chủ lực của địa phương.
Bên cạnh đó, cần tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, kênh, để khơi thông dòng chảy, đảm bảo đủ điều kiện dẫn nước thông thoáng từ đầu mối tới mặt ruộng; đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để chủ động vận hành, tận dụng mọi nguồn nước để phục vụ tốt sản xuất, dân sinh…
xuống giống khoảng 250.000ha; tiếp đó, khoảng 650.000ha ở vùng phù sa ngọt thực hiện xuống giống từ ngày 1 đến 30-11 và khoảng 550.000ha vùng thượng lưu sông Tiền, sông Hậu xuống giống trong tháng 12.
Đợt 2, còn khoảng 110.000ha ở một số vùng khó khăn sẽ xuống giống trễ hơn, trong 10 ngày đầu tháng 1-2016.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, hiện đàn bò đang có xu hướng thu hẹp do quỹ đất trồng cỏ hạn chế, nguồn thức ăn tự nhiên khan hiếm. Bên cạnh, thu hoạch lúa chủ yếu bằng máy nên rất khó sử dụng phụ phẩm rơm.
Những ngày này, tại các chợ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đầy ắp những loại trái cây được người dân từ trong vườn đem ra, hoặc được các tiểu thương lấy từ các tỉnh khác về bán lại. Sản phẩm rất đa dạng về chủng loại, chất lượng không thua hàng ngoại và giá bán cũng tương đối mềm.
Đề án thí điểm khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá nóc bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2013-2015 vừa được Bộ NNPTNT phê duyệt.
Nuôi cá trong ruộng lúa là một hình thức canh tác xen kẽ làm tăng thu nhập trên cùng một thửa ruộng. Mô hình này đã được một số địa phương thực hiện theo tập quán cũ, tuy nhiên, chỉ khi các hộ dân áp dụng đúng kỹ thuật nuôi trồng, hình thức nuôi cá-lúa mới thực sự phát huy hiệu quả.
Ông Hồ Văn Đại mà mọi người ở ấp Mương Khai, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) thường quen gọi ông với cái tên rất thân thiện là Tư Đại ba ba, ông là một trong những điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương, nhờ việc nuôi ba ba hiệu quả, đến nay ông đã có được một cơ ngơi đáng để nhiều người mơ ước.