Chuỗi Sản Xuất Rau An Toàn Lên Sàn Để Tăng Giá Trị
Bắt đầu vận hành từ năm 2010, đến nay Sàn Giao dịch Rau quả và Thực phẩm An toàn Hà Nội đã thu hút được 625 Hợp tác xã (HTX) trên 11 tỉnh, thành tham gia với 1.441 điểm phân phối. Cùng với những thành công ban đầu, mô hình này đã và đang đặt ra nhiều vấn đề trong việc phát triển bền vững và tăng thu nhập cho nông dân.
Ông Nguyễn Thành Lưu – Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch Rau quả và Thực phẩm An toàn Hà Nội cho biết: Hiện nay đa số các cơ sở sản xuất cây trồng an toàn, đặc biệt là rau an toàn (RAT) ở khu vực phía Bắc đều ở quy mô nhỏ lẻ, năng lực quản trị sản xuất, kinh doanh và tiếp cận thị trường yếu nên rất khó kết nối vào các chuỗi giá trị lớn, ổn định và có giá trị gia tăng cao.
Bên cạnh đó, chuỗi giá trị RAT hiện đang tồn tại quá nhiều khâu trung gian, cả ở đầu vào và đầu ra dẫn đến hậu quả là các cơ sở sản xuất phải mua vật tư đầu vào như: giống cây con, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…với giá cao và bán sản phẩm đầu ra giá thấp. Trong khi đó giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cuối cùng lại rất cao, không kiểm soát được chất lượng sản phẩm, làm mất lòng tin dẫn đến giảm giá trị sản phẩm.
Từ những bất cập này, năm 2010, Công ty Cổ phần Sàn Giao dịch Rau quả và Thực phẩm An toàn Hà Nội đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống sàn giao dịch vật tư đầu vào (IMX) và Sàn Giao dịch Sản phẩm Đầu ra (OPX) dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông.
Theo ông Lưu, trên nền tảng công nghệ này, việc mua vật tư nông nghiệp đầu vào sẽ giúp các cơ sở sản xuất RAT mua được vật tư tốt từ các nhà cung cấp uy tín (vì chỉ có các nhà cung cấp “đạt chuẩn” mới được tham gia giao dịch) với giá bán thấp hơn nhờ kết nối trực tiếp, bỏ qua các khâu trung gian không cần thiết.
“Không những vậy, tham gia giao dịch trên sàn còn giúp cho cơ sở sản xuất RAT chủ động được đầu ra, xây dựng được thương hiệu, tạo lập thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy bán hàng với giá tốt hơn, đồng thời được hỗ trợ tiếp nhận thông tin thị trường để điều chỉnh sản xuất phù hợp”, ông Lưu cho hay.
Tuy nhiên, ông Lưu cũng nhìn nhận, thực tế hoạt động của Sàn Giao dịch cũng đang đặt ra những thách thức lớn, cản trở việc mở rộng hoạt động và phục vụ cho các cơ sở sản xuất RAT trên cả nước. Theo đó, năng lực và nguồn lực của các cơ sở còn quá yếu và phần lớn chưa hiểu được cách thức giao dịch được chuẩn hóa, công tác lập kế hoạch và tổ chức sản xuất cũng rất lạc hậu nên thường gặp trục trặc trong quá trình giao dịch.
Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch của Sàn hiện chưa thể đáp ứng được yêu cầu tăng số lượng cơ sở sản xuất phục vụ giao dịch cũng như mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ ra tất cả các tỉnh trên cả nước; hệ thống quản trị giao dịch hiện tại chưa phủ rộng đến hộ nông dân – chủ thể sản xuất và người tiêu dùng – chủ thể tiêu dùng cuối cùng. Chính vì vậy, chưa tạo thành một hệ thống quản trị cho phép thúc đẩy sự bền vững của các chủ thể trong chuỗi liên kết từ sản xuất – phân phối – tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Từ thực tế này, ông Lưu cho biết, hiện nay, Sàn Giao dịch Rau quả và Thực phẩm An toàn đang đẩy mạnh xúc tiến làm việc với các Ngân hàng và Quỹ tín dụng để hỗ trợ kết nối các cơ sở sản xuất RAT đủ điều kiện vay vốn sản xuất. Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Sàn sẽ tiếp tục kêu gọi ngành nông nghiệp và các tổ chức hỗ trợ phát triển nông nghiệp có liên quan quan tâm thúc đẩy tăng cường năng lực cho các cơ sở sản xuất để họ có thể tham gia giao dịch hiệu quả trên Sàn.
“Để tăng cơ hội tham gia cho các cơ sở sản xuất RAT, trong vòng 1 – 2 năm đầu tiên tham gia, Sàn sẽ hỗ trợ phí giao dịch cho các cơ sở sản xuất để họ có điều kiện tham gia. Sau thời gian đó, khi sản lượng giao dịch đã tăng thì họ sẽ hoàn toàn có khả năng tự thanh toán phí giao dịch cho sàn với khoảng 1,5% doanh số giao dịch.”, ông Lưu cho hay.
Hệ thống quản trị chuỗi liên kết sản xuất – phân phối – tiêu thụ của Sàn Giao dịch Rau quả và Thực phẩm An toàn Hà Nội giai đoạn 2015 – 2020 hiện đang được xây dựng với những nhân tố chính là: Các hộ nông dân, các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp, sàn giao dịch sản phẩm đầu ra, người tiêu dùng…Hệ thống này vừa cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm dễ dàng và hiệu quả mà còn giúp tạo dựng thương hiệu cho cơ sở sản xuất.
Nguồn bài viết: http://baocongthuong.com.vn/chuoi-san-xuat-rau-an-toan-len-san-de-tang-gia-tri.html
Có thể bạn quan tâm
Đối với vết hại cục bộ ở phần thân gốc thì cần cạo sạch vết bệnh, dùng thuốc ALIETTE với nồng độ 0,5% quét vào vết bệnh. Đối với những cây có bệnh nhẹ thì cần phun ALIETTE với nồng độ 0,3% lên toàn bộ thân cây. Cần chú ý đào rãnh thoát nước tốt cho vườn cây, tránh tình trạng ngập úng cục bộ.
Nhằm nâng cao ý thức cho người nuôi tôm trong việc sử dụng tôm giống qua xét nghiệm, góp phần hạn chế dịch bệnh, đề án xét nghiệm bệnh tôm miễn phí cho hộ nghèo và cận nghèo được triển khai hơn 1 năm qua.
Trung tâm khuyến nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với Công ty Bunge (Hoa Kỳ) thí điểm trồng cây đậu nành thay thế cây bắp tại xã Đá Bạc (H.Châu Đức). Đến thời điểm này, mô hình này đã mang lại hiệu quả bước đầu cho bà con nông dân trong xã.
Thời gian qua, huyện vùng cao Bác Ái được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo đó, một số thôn, xã nằm trong vùng dự án được di dời về nơi ở mới.
Ngày 11/9/2013, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) đã gửi công văn đến Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố thực thuộc Trung ương ven biển đề nghị cảnh báo tới cơ sở nuôi tôm khi xuất bán tôm thương phẩm.