Vụ Hè Thu Ở Ba Tơ Nỗ Lực Chống Hạn

Dự báo vụ hè thu năm nay, hàng trăm hecta lúa, hoa màu ở huyện Ba Tơ bị hạn nghiêm trọng. Huyện đang khẩn trương tu sửa, nạo vét, khắc phục khẩn cấp các công trình thủy lợi để đưa vào sử dụng, phục vụ nước tưới cho vụ hè thu và lên phương án chuyển đổi cây trồng để né hạn.
Khoanh vùng hạn
Huyện Ba Tơ có gần 1.900 ha xuống giống vụ hè thu. Theo lịch thời vụ, nông dân xuống giống bắt đầu vào ngày 15.5 và kết thúc vào ngày 5.6. Toàn huyện có 3 hồ chứa nước, 47 đập dâng, 27 tuyến lấy nước tự chảy và 190 đập bổi. Các công trình này đã từng đáp ứng tưới tiêu cho diện tích trên hai vụ/năm.
Tuy nhiên, nắng hạn kéo dài trong thời gian qua, cộng với hàng loạt công trình bị hư hỏng do đợt lũ lụt cuối năm 2013 đã ảnh hưởng lớn đến việc tích trữ nguồn nước cũng như dẫn nước về các cánh đồng.
Theo thống kê của huyện, hiện có khoảng 14 đập dâng có thể bị mất nguồn nước làm ảnh hưởng đến 175 ha nội vùng. Bên cạnh đó, nếu không có lũ tiểu mãn cũng không đảm bảo nguồn nước để phục vụ sản xuất cho 950ha. Đồng thời trên 450ha được hưởng nguồn nước từ 190 đập bổi hiện cũng khá bấp bênh.
Các khu vực bị “điểm” sẽ bị ảnh hưởng hạn nghiêm trọng thuộc các cánh đồng Hố Tối (Ba Khâm), Sa Lung, Cây Muối (Ba Trang), đồng Trường An, Chùa (Ba Động), Làng Tăng, Huy Ba (Ba Thành) Dốc Ổi (Ba Liên) Nước Lá (Ba Vinh)...
Qua kiểm tra của ngành nông nghiệp huyện Ba Tơ thì tất cả các đập dâng, đập bổi hiện mực nước đã xuống thấp hơn những năm trước. Chính vì thế, mặc dù lịch thời vụ đã đến nhưng một số cánh đồng thuộc các xã trên, nông dân vẫn chưa có nước để làm đất xuống giống. Nhiều cánh đồng trơ gốc rạ...
Tìm cách đối phó với hạn
Ông Võ Hữu Dị - Phó Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tơ, cho biết nếu hạn xảy ra, toàn huyện có khoảng 880 ha bị thiếu nước tưới, trong đó có khoảng 480ha ruộng lúa có khả năng bị hạn (chiếm 25% tổng diện tích gieo sạ vụ hè thu); 150ha rau màu, 250ha cây công nghiệp có khả năng thiếu nước tưới.
Ngay từ đầu vụ, huyện đã thành lập phương án đối phó với hạn, đặc biệt là sau khi kết thúc vụ đông xuân, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho huyện có chủ trương bố trí kinh phí để nhanh chóng triển khai thi công hàng loạt công trình kênh mương, thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng do đợt lũ cuối năm 2013 để lại.
Các địa phương, các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành các tuyến kênh, đập dâng Gò (Ba Vinh), đập Trường An (Ba Động); kênh N2 thôn Suối Loa (Ba Động); đập Mang Kẻ (Ba Thành); Ka Giang làng Trui (Ba Tiêu) và hàng loạt các công trình khác, với kinh phí gần 3 tỷ đồng, nhằm đáp ứng tưới tiêu cho lúa.
Bên cạnh khẩn trương khắc phục các công trình hư hỏng, huyện cũng đã có kế hoạch chuyển đổi 40ha lúa có khả năng hạn sang các loại cây màu như bắp lai, đậu phụng; chuẩn bị 6 máy bơm; 10 tấn dầu diezen; đắp hàng ngàn mét khối đất đập bổi; nạo vét kênh mương đất và bê tông các loại, huy động hơn 14.500 ngày công công ích để phục vụ vụ hè thu. Tổng nguồn kinh phí để chống hạn cho vụ hè thu năm nay dự trù gần 5,7 tỷ đồng.
Đối với các công trình thủy lợi phát huy tác dụng, nhưng trong thời điểm nắng nóng hiện nay, huyện đã có kế hoạch quản lý chặt chẽ, chống rò rỉ, thất thoát nguồn nước, phân phối nước hợp lý, hiệu quả; đồng thời bố trí lịch tưới cụ thể để tưới luân phiên, tiết kiệm nước...
Huyện cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường vận động nhân dân thường xuyên nạo vét kênh mương, đảm bảo dòng chảy thông suốt; bố trí các loại máy bơm nước tại các vị trí đầu mối công trình để đảm bảo bơm nước khi mực nước sông, suối xuống thấp hơn cao trình cống lấy nước...
Có thể bạn quan tâm

Gia đình ông Vũ Văn Hợi ở thôn Bu Ruăh, xã Đắk N’drung (Đắk Song - Đắk Nông) có 2 ha tiêu đang phát triển xanh tốt, cho năng suất cao, năm 2012, đạt hơn 5 tấn/ha. Theo ông thì sở dĩ đạt được kết quả như vậy vì những năm gần đây, được sự hướng dẫn trực tiếp của các cán bộ Trạm bảo vệ thực vật huyện, ông đã biết phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững, nên năng suất tăng gần gấp đôi so với trước.

“Tôi khao khát được thấy quê hương đổi mới, không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ được bà con. Quê tôi từ cuộc sống bấp bênh nay như bừng tỉnh cả một vùng chiêm trũng, nhà nhà dưới ao đàn cá, trên bờ hàng cây trĩu quả, trong chuồng đàn lợn, đàn gà gối nhau… Nghề cá ở Bình Dương thực sự trở thành mưu sinh của nhiều gia đình”. Đó là lời tâm sự của vị Phó Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bắc Ninh - rất chân thành, rất mộc mạc bởi đơn giản ông cũng là một lão nông lam lũ.

Tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề “Phát triển nghề trồng nấm hiệu quả” nhiều diễn giả cho rằng, nếu phối hợp đồng bộ giữa “4 nhà” sẽ khai thác tốt tiềm năng phát triển nghề trồng nấm của nước ta. Trong đó, Đồng Tháp cũng là địa phương có truyền thống sản xuất nấm, hàng năm cung ứng cho thị trường 9.500 tấn nấm rơm...

Đồng Hỷ là huyện miền núi có diện tích trồng cây ăn quả lớn của tỉnh Thái Nguyên, trong đó diện tích trồng vải khoảng 835 ha và 290 ha nhãn. Cây vải chủ yếu là vải thiều Thanh Hà, thời vụ thu hoạch ngắn từ 15 – 30/6 hàng năm, giá bán thấp nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Cây nhãn chủ yếu là giống nhãn địa phương, trồng bằng hạt, chất lượng chưa được ngon, quả nhỏ, hạt to, cùi mỏng, năng suất thấp.

Ông Nguyễn Hữu Ánh, phó trưởng Trạm khuyến nông - lâm - ngư huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) cho biết để khắc phục tình trạng bị thoái hóa giống, nâng cao năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác, một nhóm kỹ sư của trạm đã nhân giống thành công chuối già lùn bằng phương pháp nuôi cấy mô. So với các loại giống chuối thông thường, chuối nuôi cấy mô có thời gian trồng đến khi thu hoạch ngắn hơn, thu hoạch đại trà cả vườn một lần, năng suất cao...