Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vụ Bản Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Gia Trại

Vụ Bản Phát Triển Kinh Tế Trang Trại, Gia Trại
Ngày đăng: 02/01/2015

Những năm qua, huyện Vụ Bản đã tập trung phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhằm khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, từng bước chuyển mạnh sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Thực hiện Nghị quyết số 07 của BCH Đảng bộ tỉnh khoá XVIII về phát triển kinh tế trang trại, gia trại, huyện Vụ Bản chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại gắn với quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp và quy hoạch xây dựng NTM.
Trong 2 năm 2012-2013, huyện đã tập trung thực hiện dồn điền, đổi thửa nhằm quy hoạch đất công gọn vùng, gọn thửa; tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất theo quy mô gia trại, trang trại. Bên cạnh đó, huyện đã có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân được tiếp cận các kênh tín dụng để có vốn đầu tư xây dựng và phát triển trang trại. Việc phát triển cơ sở hạ tầng vùng kinh tế trang trại được huyện thực hiện theo phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.
Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất để giảm ô nhiễm môi trường, phòng, chống dịch bệnh, tạo ra thực phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng. Đến nay, toàn huyện có 323 trang trại, gia trại, trong đó có 19 trang trại đạt tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định.
Năm 2014, giá trị sản xuất các trang trại, gia trại của huyện đạt trên 240 tỷ đồng. Tại các xã: Hiển Khánh, Hợp Hưng, Tân Khánh, Tam Thanh, Kim Thái… phong trào phát triển kinh tế trang trại hết sức sôi động. Nhiều trang trại có doanh thu trên 1 tỷ đồng như: trang trại nuôi gà sạch của ông Trần Văn Lương, xã Kim Thái, doanh thu đạt 1,57 tỷ đồng; trang trại tổng hợp của ông Chử Văn Mạnh, xã Cộng Hòa, đạt 1,2 tỷ đồng, trang trại chăn nuôi của ông Bùi Đình Vỹ, xã Thành Lợi, đạt 1,87 tỷ đồng…
Các trang trại đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, đầu tư phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán, manh mún, tạo nên những vùng sản xuất quy mô lớn, hàng hóa tập trung với trình độ thâm canh cao. Việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại luôn gắn liền với chương trình phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực của huyện.
Các trang trại, gia trại trong huyện luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản hàng hóa có giá trị cao. Đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng về con người, đất đai, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện.
Năm 2007, anh Phạm Đức Thuần, thôn Phong Cốc, xã Tân Khánh, đấu thầu 4ha ở cánh đồng Rặng Sậy, đầu tư gần 800 triệu đồng cải tạo, xây dựng hệ thống ao nuôi cá khoa học có hệ thống cống bơm tiêu nước liên thông, khép kín, bờ ao và đáy được bê tông hóa.
Anh đã nuôi các loại cá truyền thống, cá cảnh, cá rô phi đầu vuông, trong đó đem lại hiệu quả kinh tế nhất là nuôi cá cảnh. Hiện tại anh đang nuôi cá chép vàng đuôi dài và cá vàng 4 đuôi. Do nắm được “bí quyết” lai phối màu cho cá nên cá cảnh nhà anh bán rất chạy.
Năm 2014, anh đã xuất bán được 4 tấn cá cảnh với giá 100-130 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, anh còn ương cá giống để bán cho bà con trong và ngoài xã, mỗi năm anh xuất bán từ 3-4 tấn cá giống với giá 70-80 nghìn đồng/kg. Hằng năm, trang trại của anh đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng, cho thu lãi trên 300 triệu đồng.
Đến nay, anh đã trả hết nợ ngân hàng và đầu tư 300 triệu đồng làm chuồng nuôi thêm vịt, lợn. Có thể nói, nhờ phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã làm tăng số hộ giàu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, thực hiện có hiệu quả chương trình “xóa đói, giảm nghèo” của huyện. Phần lớn chủ trang trại đều có kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý, điều hành sản xuất, đây cũng là những gương tiêu biểu cho các hộ nông dân trên địa bàn huyện học tập và áp dụng vào sản xuất.
Chúng tôi đã đến thăm một trong hai trang trại được cấp giấy chứng nhận VietGAHP của ông Trần Hồng Kỳ ở thôn Thượng, xã Minh Tân. Trang trại gồm 2 khu chuồng nuôi 12.500 con gà đẻ được ông đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Việc xây dựng và thiết kế chuồng trại đảm bảo nghiêm ngặt theo đúng quy trình, có lắp đặt giàn mát, quạt hút gió ở đầu và cuối mỗi ô chuồng. Hệ thống cho ăn và dọn phân được thiết kế tự động.
Toàn bộ đàn gà của trang trại đều là giống gà ngoại Isa Brown chuyên trứng, mỗi con có khả năng đẻ bình quân từ 280-300 trứng/năm. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gà giống, ông luôn thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh Gumboro, Newcastle, bệnh cúm gia cầm… và xét nghiệm máu kiểm tra sức khỏe con giống trước khi cho nhập chuồng.
Công tác tiêu độc, khử trùng bên ngoài chuồng trại được thực hiện định kỳ từ 3-4 ngày/lần. Ngoài ra, gà còn được bổ sung thức ăn đủ chất như: vitamin C, glueco đúng quy trình và hàm lượng cho phép theo tiêu chuẩn để tăng cường sức đề kháng, khả năng sinh trưởng cũng như năng suất đẻ trứng. Trung bình mỗi ngày gia đình ông xuất bán hơn 10 nghìn quả trứng gà sạch, doanh thu đạt 2,8 tỷ đồng/năm.
Theo ông Kỳ, thực hành chăn nuôi gà theo quy trình VietGAHP không những đảm bảo chăn nuôi an toàn bền vững mà còn giúp cho người tiêu dùng an tâm hơn với sản phẩm sạch, bảo đảm ATVSTP, thị trường tiêu thụ ổn định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở Vụ Bản vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Do những năm gần đây, giá thức ăn chăn nuôi, thủy sản liên tục tăng, thời tiết diễn biến thất thường trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi duy trì thường xuyên ở mức thấp nên nhiều người dân không còn vốn để tái đầu tư vào sản xuất; quy mô và hình thức phát triển trang trại, gia trại biến động lớn dẫn đến việc điều tra, đánh giá xếp loại, cấp giấy chứng nhận trang trại đạt tiêu chuẩn rất khó khăn, đặc biệt là trang trại chăn nuôi. Hầu hết các trang trại, gia trại chưa chú trọng phát triển sản xuất các đối tượng cây, con có giá trị kinh tế cao.
Chưa xây dựng được mối liên kết giữa các trang trại; giữa trang trại với các nhà cung cấp thức ăn và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều gia trại và một số trang trại chăn nuôi phát triển trong khu dân cư trên cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ nên hệ thống chuồng trại chưa đảm bảo, chất thải chưa được xử lý thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Nhiều trang trại xây dựng trên diện tích đấu thầu quỹ đất công ích của xã, thời gian hợp đồng giới hạn theo nhiệm kỳ 5 năm nên các chủ trang trại còn băn khoăn về tính ổn định, lâu dài nên chưa mạnh dạn đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng. Các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại của địa phương chưa đủ mạnh, chưa đồng bộ nên hiệu quả, tính khích lệ bị hạn chế.
Để đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại trong những năm tới, huyện Vụ Bản đã quy hoạch quỹ đất phát triển kinh tế trang trại trên phạm vi toàn huyện là 960,1ha ở 293 vùng tập trung.
Đồng thời huyện tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích về mặt bằng sản xuất như: tạo điều kiện cho hộ thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để phát triển kinh tế trang trại; khuyến khích các hộ đấu thầu quỹ đất, chuyển nhượng diện tích được giao dài hạn để xây dựng và phát triển thành trang trại lớn để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai.
Khuyến khích hộ dân bỏ vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại; các tổ chức tín dụng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của Nhà nước; các trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước theo quy định.
Bên cạnh đó, huyện cũng tạo điều kiện cho các chủ trang trại tham gia các lớp tập huấn, đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật và tổ chức quản lý, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm. Thành lập câu lạc bộ trang trại, tăng cường liên kết, liên doanh trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Huyện phấn đấu đến hết năm 2015 sẽ có 63 trang trại đạt tiêu chí do Bộ NN và PTNT quy định.


Có thể bạn quan tâm

Vụ Hành Không Vui Vụ Hành Không Vui

Sau gần 3 tháng, hành tím Lý Sơn xuống giống hồi tháng giêng nay đã cho thu hoạch. Hành vụ này hầu hết là được mùa, được giá, nhưng nông dân đất đảo vẫn kém vui.

28/05/2014
Rau An Toàn Ra Chợ Rau An Toàn Ra Chợ

Thời gian qua, có không ít dự án rau an toàn (RAT) được người nông dân theo đuổi, thế nhưng không bao lâu thì nhiều mô hình RAT phải “phá sản”.

10/05/2014
Dân Nuôi Yến Đang “Ngồi Trên Lửa” Dân Nuôi Yến Đang “Ngồi Trên Lửa”

Cần Giờ lâu nay được xem như “thủ phủ nuôi yến” của TP.HCM, nhưng sau Thông tư 35 của Bộ NNPTNN về quản lý và quy hoạch nghề nuôi yến, dân nuôi yến ở Cần Giờ như đang “ngồi trên lửa”.

10/05/2014
Việt Nam Hiện Là Quốc Gia Duy Nhất Xuất Khẩu Thanh Long Sang New Zealand Việt Nam Hiện Là Quốc Gia Duy Nhất Xuất Khẩu Thanh Long Sang New Zealand

Ngày 28-5, tại Hà Nội, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, Ngài Haike Manning và Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Hồng đã ký kết Chương trình đảm bảo chính thức để xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam sang New Zealand.

28/05/2014
4 Tháng Đầu Năm, Đồng Bằng Sông Cửu Long Thu Hoạch Hơn 250.000 Tấn Cá Tra 4 Tháng Đầu Năm, Đồng Bằng Sông Cửu Long Thu Hoạch Hơn 250.000 Tấn Cá Tra

Ông Võ Hùng Dũng Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam cho biết đến cuối tháng 04/2014, diện tích nuôi cá tra mới toàn vùng là 1.048 ha, diện tích thu hoạch là 990 ha với sản lượng 252.942 tấn, năng suất trung bình đạt 256 tấn/ha.

10/05/2014