Vỡ mộng vì trồng cà tím lại ra cà...ngũ sắc
Gốc cà chết khô đầy đường
Tìm về thôn Sơn Du, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh thời điểm này, đi đến đâu chúng tôi cũng nghe chuyện về giống cà “ngũ sắc”, một thứ giống cà mới lạ đã khiến cho nhiều hộ dân trong thôn một thời từng mơ tưởng về giống cây trồng mới này sẽ giúp họ nhanh đổi đời.
Ông Tô Văn Thiện (51 tuổi), một người dân trong thôn đưa chúng tôi ra ruộng cà của mình. Trên dọc đường nội đồng đâu đâu cũng thấy cây, gốc cà chết khô, chất thành từng đống ngổn ngang. Ông Thiện bảo: “Cũng xuất phát từ việc một người anh em của ông Tô Văn Hán – Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Sơn Du mua giống cà trên về trồng trên 13 thước đất (312m2) mà thu được hàng trăm triệu đồng/vụ nên bà con trong thôn đổ xổ đi tìm mua giống về trồng. Nhưng đến giờ chúng tôi phải chịu hậu quả đáng buồn”.
Theo tìm hiểu của PV, từ cuối năm 2014, có một số nhân viên của Công ty TNHH East- West Seed về xã giới thiệu giống cà tím F1 Orma cho năng suất cao. Vì thế nên vụ xuân vừa qua ông Thiện đã sang chợ Vân Trì (Vân Nội) mua hơn 10 gói giống về gieo trồng. Trên diện tích 3 sào đất, gia đình ông Thiện đã phải đầu tư hàng chục triệu đồng tiền giống, phân bón, thuốc trừ sâu… “Là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nhất, nhưng gia đình tôi chỉ được công ty đền bù 1 triệu đồng/sào, tính ra còn chưa đủ tiền mua phân, chứ chưa nói gì đến công và các khoản phí khác” – ông Thiện bức xúc.
Cũng bị thiệt hại hơn 1 sào cà, nhưng đến nay ông Tô Văn Hán – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Sơn Du vẫn chưa nhận được tiền đền bù. Ông Hán cho biết: “Xót quá anh ạ. Cả ruộng cà sai trĩu quả, tính ra năng suất đến hàng tạ quả/1 lần thu nhưng chở đi chợ không ai mua đành phải phá đi cho đỡ hại đất, chờ vụ sau để trồng loại rau khác thôi”.
Chờ giám đốc về mới thu hồi được hạt giống
Theo ông Hán, toàn thôn hiện có hơn 400 hộ sản xuất nông nghiệp, với hơn 23,3ha đất, diện tích trồng giống cà tím các loại khoảng 2ha, trong đó có từ 5 đến hơn 10 hộ trồng trên dưới 2 mẫu cà đều là giống của cà tím Cơm Xanh của Công ty East- West Seed và hiện đều trắng tay. Tuy vậy trong số này có một số hộ đã thỏa thuận được mức đền bù với công ty, còn một số hộ chưa nhận được gì. “Do nhân viên thị trường của công ty về giới thiệu sản phẩm không thông qua chính quyền nên đến giờ thiệt hại của người dân ra sao cũng khó thống kê. Ngoài ra cũng khó để truy trách nhiệm của công ty vì có hộ đã nhổ bỏ giống cà đó” – ông Hán giải thích thêm.
Chúng tôi đã tìm đến đại lý bán hạt giống rau Tuấn Lý nằm trong chợ đầu mối Vân Trì. Đây chính là đại lý đầu mối lớn cung cấp các loại hạt giống rau nói chung và giống cà tím, ớt của Công ty East- West Seed cho các xã trong và ngoài huyện Đông Anh. Trong vai người đi mua hạt giống rau, chúng tôi được bà Ngô Thị Lý (56 tuổi) mời chào: “Ở chợ này chỉ có duy nhất đại lý của chị bán giống cà tím (Cơm Xanh) mới này thôi. Hiện chỉ còn gần 20 gói, nếu không mua nhanh sẽ hết hàng”.
Qua đối chiếu nhãn mác, bao bì gói giống, chúng tôi thấy loại cà tím này giống với loại cà “ngũ sắc” mà người dân ở thôn Sơn Du cung cấp trước đó. Hỏi về vấn đề này, bà Lý thay đổi sắc mặt: “Chúng tôi không thấy công ty thu hồi hay khuyến cáo gì đối với giống cà này. Từ tháng 4.2014 đến nay, giống cà tím này vẫn bán chạy”.
Trao đổi với PV Dân Việt qua điện thoại, ông Long Ngọc Hổ, nhân viên thị trường phụ trách các tỉnh miền Bắc của Công ty East- West Seed thừa nhận, đây là sự việc ngoài ý muốn của công ty. “Sau khi được người dân gọi điện phản ánh, công ty đã đề nghị chuyên gia từ nước ngoài về phối hợp với cán bộ kỹ thuật tại Việt Nam xuống kiểm tra thực tế, chụp ảnh, lấy mẫu mang về kiểm tra để tìm nguyên nhân”, ông Hổ nói.
Theo ông Hổ, hạt giống cà tím Cơm Xanh trên là giống mới được chuyển từ Thái Lan về tiêu thụ ở Việt Nam từ tháng 4.2014. Tới nay mới phát hiện ra sự việc trên. “Nguyên nhân ban đầu là do virus có trong đất ruộng trồng cà làm cho quả cà thay đổi màu sắc. Sau khi tiến hành kiểm tra 3 lần và làm việc với người dân, giữa công ty và người dân đã thống nhất mức đền bù cho các hộ bị thiệt hại là 1 triệu đồng/sào” – ông Hổ khẳng định.
Trước thông tin giống cà tím của công ty vẫn bán trôi nổi ngoài thị trường, anh Hổ cho biết: “Do giám đốc maketting của công ty đang đi công tác nước ngoài nên chúng tôi chưa thể thu hồi các lô hàng giống cà tím. Phải chờ 1-2 ngày nữa, khi lãnh đạo về, công ty mới tiến hành thu hồi được”.
Có thể bạn quan tâm
Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình (Quảng Nam) phối hợp với tổ chức Phát triển quốc tế (IDE) tại Việt Nam hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa để nâng cao năng suất rau màu, bước đầu đem lại kết quả khả quan.
Sau 2 ngày có chỉ đạo của Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, về việc làm rõ đúng, sai trong vụ tạm giữ 1,8 tấn bạch tuộc tại Hải Dương, Công an tỉnh này đã nhận sai và bồi thường số tiền 650 triệu đồng cho các ngư dân ở huyện Cần Giờ (TPHCM) vì số hàng đã bị hỏng.
Nhờ được học nghề trồng dâu, nuôi tằm bài bản, nhiều hộ dân xã Bắc Bình (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) bây giờ đang có thu nhập cao từ nghề này và tạo việc làm cho hàng trăm lao động.
Để thu được một triệu đồng tiền lãi từ nuôi các loài cá truyền thống (cá trắm, cá mè, cá trôi, cá chép…), một người nông dân có thể phải sử dụng đến hàng trăm m2 ao nuôi, nhưng với anh Nguyễn Hữu Tân, ở tổ 1, phường Tân Quang, thị xã Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang), chỉ với 3 chiếc lồng nuôi cá, rộng 8 m2 mỗi lồng, trung bình hàng năm đem về cho anh 70-80 triệu đồng tiền lãi.
Sau 23 năm phục vụ quân đội, năm 1990 ông Năng Văn Tuyến, thôn Quan Ngoại, xã Tam Quan (Tam Đảo) trở về địa phương với hai bàn tay trắng. Kinh tế gia đình ông ngày càng khó khăn và vất vả, bởi nguồn thu nhập gia đình lúc đó chủ yếu dựa vào 5 sào ruộng. Năm 1996, ông Tuyến đã bàn với gia đình mua 2 mẫu diện tích đất đồi của HTX với thời gian 50 năm để trồng cây ăn quả và chăn nuôi.