Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) Xây Dựng Vùng Sản Xuất Cà Chua Ghép Theo Tiêu Chuẩn VietGap
Những năm qua, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất và giá trị kinh tế trên ha canh tác. Một trong các giải pháp là đẩy mạnh ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào sản xuất, điều này đã phát huy hiệu quả ở một số loại cây như cây lúa cấy mật độ hợp lý, bí đỏ, ngô nếp, đặc biệt là cây cà chua ghép trên nhiều đồng đất tại Vĩnh Tường.
Được sự giúp đỡ của UBND tỉnh, Hội đồng Khoa học công nghệ tỉnh, vụ thu đông năm 2009, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vĩnh Tường bắt đầu triển khai thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Xây dựng mô hình trồng cà chua ghép trái vụ trên gốc cây cà tím”. Mục đích của đề tài nhằm khắc phục bệnh héo rũ vi khuẩn và nâng cao hiểu quả kinh tế trong sản xuất cà chua trái vụ.
Từ năm 2010 đến nay, huyện Vĩnh Tường tiếp tục xây dựng mô hình ứng dụng kết quả nghiên cứu cà chua ghép trên địa bàn, với quy mô và số hộ tham gia ngày càng lớn hơn. Qua thực tế triển khai, cà chua ghép trái vụ đã khẳng định ưu thế kháng bệnh héo rũ vi khuẩn của giống cà chua không ghép gốc.
Đồng thời cũng khẳng định, giống cà chua Savior ghép trên gốc cà tím là một trong các giống thích hợp với điều kiện sản xuất của huyện Vĩnh Tường bởi tiềm năng về năng suất và giá trị vượt trội so với cà chua đối chứng không ghép, mở ra hướng đi mới để Vĩnh Tường hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đồng chí Lỗ Tất Chánh – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: “Sử dụng giống cà chua ghép trên gốc cà tím là một tiến bộ kỹ thuật có khả năng giải quyết triệt để bệnh héo rũ vi khuẩn trên cà chua. Qua 5 năm triển khai trên địa bàn huyện Vĩnh Tường, cà chua ghép trên gốc cà tím đã cho năng suất và hiệu quả kinh tế rất cao, thời điểm này, nhiều hộ đã thu nhập khoảng 20 triệu đồng/sào.
Việc xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa cà chua ghép tại huyện Vĩnh Tường theo hướng VietGap đã tạo ra sản phẩm cà chua an toàn cho người sản xuất và người tiêu dùng; đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Trong thời gian tới, huyện Vĩnh Tường sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cà chua ghép ở vụ Thu đông theo hướng Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần chi phí về giống còn lại nhân dân phải tự túc”.
Với điều kiện tự nhiên và tiềm năng đất đai, cũng như kinh nghiệm sản xuất rau màu của nông dân Vĩnh Tường thì việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ghép cà chua trên gốc cà tím sẽ mở ra nhiều triển vọng để nâng cao hệ số sử dụng đất.
Mở rộng diện tích trồng cà chua ghép thành công sẽ dần thay thế một phần diện tích trồng cà chua truyền thống ở các địa phương, góp phần từng bước thay đổi cơ cấu thời vụ, giảm dần diện tích trồng cà chua chính vụ bằng cơ cấu trà sớm hoặc muộn để đạt hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Vụ Thu - Đông năm 2013, huyện Vĩnh Tường tiếp tục triển khai nhân rộng trồng cà chua ghép trái vụ với tổng diện tích 13 ha tại 6 xã, thị trấn gồm Đại Đồng, Tân Tiến, Vũ Di, Vĩnh Sơn, thị trấn Thổ Tang và thị trấn Tứ Trưng. Trong đó, có 11 ha được UBND tỉnh hỗ trợ về giống, còn lại 02 ha do bà con trong huyện đăng ký mua giống để canh tác thêm.
Cà chua ghép được trồng vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8; thời gian thu hoạch cà chua ghép khoảng từ cuối tháng 10 năm trước cho đến tháng 3 năm sau. Theo đánh giá của các hộ trồng cà chua, cây cà chua ghép có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, cây khỏe, bộ lá có màu xanh đậm, bản lá dày, có khả năng chống chịu nhiệt và kháng bệnh cao (đặc biệt là bệnh héo rũ vi khuẩn).
Số chùm hoa và tỷ lệ đậu quả cao, một cây trung bình có khoảng 60 - 80 quả và đạt từ 3 đến 4 kg quả/gốc ghép, tùy theo điều kiện chăm sóc tại các xứ đồng mà số lượng quả có thể cao hơn nhiều như ở các ruộng tại Tân Tiến, Đại Đồng. Năng suất bình quân cả vụ đạt trên 3 tấn/sào, có nơi đạt từ 3,5 đến 4 tấn/sào.
Như vậy, sau 5 năm nghiên cứu (từ 2009 – 2013) cho thấy cà chua ghép cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với cà chua không ghép.
Công thức luân canh có cây cà chua ghép cho tổng thu 1 sào cao hơn công thức luân canh không có cây cà chua ghép khoảng 24 triệu đồng; cho thu nhập đạt cao hơn từ 18,6 triệu đồng đến 18,8 triệu đồng. Trong đó, riêng sản phẩm cà chua ghép cho tổng thu 1 sào đạt 21,5 triệu đồng; thu nhập đạt 16,2 triệu đồng.
Xã Tân Tiến là một trong những địa phương đầu tiên tham gia vào mô hình cà chua ghép của huyện Vĩnh Tường. Trước kia, bà con nơi đây chỉ trồng các loại cây: rau cải vụ đông, ớt, hành, đậu, đỗ, mướp đắng, cà tím, cà chua… Từ khi thí điểm thành công mô hình cà chua ghép trái vụ với hiệu quả kinh tế cao, bà con trong xã đã mạnh dạn đăng ký tham gia mô hình này.
Vụ Thu - Đông 2013, diện tích cà chua ghép trái vụ của xã tăng lên 2,4 ha, với tổng số 50 hộ tham gia. Trung bình mỗi hộ tham gia mô hình trồng khoảng 1 - 2 sào. Điển hình có những hộ làm giàu từ cây cà chua ghép như hộ anh Bùi Văn Thắng, hộ anh Chu Văn Cấp trồng hơn 2 sào, cho thu lãi 80 triệu đồng/vụ. Theo các hộ trồng cà chua ghép, giá bán cà chua trên thị trường được giá ngay từ đầu vụ, đạt mức 17.000 đồng/kg; bình quân đạt từ 7.000 - 10.000 đồng/kg.
Quả cà chua ghép khi chín có màu đỏ đẹp, đặc ruột dày cùi, vị ngọt, mát, thời gian bảo quản trong điều kiện tự nhiên lâu nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển xa. Nắm bắt được tâm lý ưu thích sử dụng sản phẩm cà chua ghép của số đông người tiêu dùng, nhiều thương lái đã chủ động đặt mua buôn số lượng lớn ngay tại ruộng của các hộ dân.
Với năng suất, tiềm năng và hiệu quả kinh tế mang lại, mô hình sản xuất cà chua ghép hàng hóa đã làm thay đổi cách nghĩ, tập quán canh tác của người nông dân, giúp người dân ngày càng chủ động áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới, cây trồng mới vào sản xuất. Thành công từ mô hình trồng cà chua ghép trái vụ đã mở ra hướng đi mới, mang lại hiệu quả cao cho ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Tường.
Có thể bạn quan tâm
Sáng nay (28/9), Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và UBQG Tìm kiếm cứu nạn vừa ra công điện số 70 gửi các tỉnh sẽ chịu ảnh hưởng bão số 10 là Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Thực tiễn sản xuất đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách cần có tư duy mới, cách tiếp cận hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp… Mô hình liên kết mới thật sự đạt được mục tiêu như mong muốn: hài hòa lợi ích giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản, để người nông dân không bị thiệt.
Nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động của địa phương, những năm qua Đảng ủy, UBND Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng - Nam Định) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản. UBND thị trấn đã rà soát thực địa, xây dựng quy hoạch phát triển vùng nuôi. Hằng năm, thị trấn tổ chức từ 8 - 10 lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản cho hàng trăm lượt hộ dân
Sáng 27-3, Sở NN-PTNT tổ chức lễ phát động tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân kỷ niệm 54 năm thành lập ngành thủy sản (1/4/1959 - 1/4/2013).
Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) vừa cho biết, sản lượng thủy sản 9 tháng qua ước tính đạt 4.496 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 3335 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 475 nghìn tấn, tăng 6,4%.