Vĩnh Giang Phát Triển Kinh Tế Đa Dạng, Hiệu Quả
Trong những ngày này, đến thôn Tân Trại I, xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) chúng tôi chứng kiến không khí lao động thật sôi nổi, nhà nào cũng đầu tư trồng hồ tiêu. Bên cạnh việc thu mua cây choái bản địa, nhiều hộ còn ra tận Hà Tĩnh, Nghệ An để mua cây choái. Giá một cây choái hiện tại giao động từ 150 đến 180 ngàn đồng, cao gấp 10 lần so với 5 năm về trước nhưng vẫn được nông dân đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thuần, Trưởng thôn Tân Trại I cho biết: “Hiện tại thôn Tân Trại I có 35 ha hồ tiêu, trong đó có 27 ha đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân đạt 60 tấn/năm.
Trong số 200 hộ của thôn thì có 90% số hộ có vườn đồi trồng hồ tiêu. Trong những năm gần đây chúng tôi vận động nhân dân xóa bỏ toàn bộ vườn tạp để đưa cây hồ tiêu vào canh tác. Nhờ vậy, 100% hộ ở thôn Tân Trại I đều có cây hồ tiêu. Điển hình có các hộ như: Ngô Văn Thu, Võ Chí Quành, Nguyễn Thị Ty có số lượng từ 800 đến 1.000 cây, cho thu hoạch mỗi năm từ 1,2 đến 1,5 tấn”.
Không chỉ có thôn Tân Trại I, nông dân ở Cổ Mỹ, Di Loan, Tân An đã dành hàng mẫu đất để trồng tiêu, như hộ ông Lê Văn Tiến, Hoàng Đức Giang ở thôn Cổ Mỹ trồng hàng ngàn gốc, thu hoạch 1,5 đến 1,6 tấn hạt tiêu khô mỗi năm. Theo giá tiêu hiện tại 200 nghìn đồng/1kg thì nhiều hộ có thu trên dưới 300 triệu đồng mỗi năm.
Nhìn tổng thể, xã Vĩnh Giang là một địa phương có nền kinh tế đa dạng, bao gồm sản xuất nông - ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, kinh doanh dịch vụ tổng hợp…trong đó kinh tế nông nghiệp chiếm vai trò chủ đạo. Thế nhưng Vĩnh Giang lại thuộc vào diện xã nghèo của huyện.
Toàn xã chỉ có 440 ha diện tích đất canh tác, diện tích gieo cấy lúa 184 ha ruộng một vụ lại ở vào cuối nguồn nước và dọc sông Hiền Lương nên thường bị nhiễm mặn, năng suất thấp.
Dựa vào điều kiện thực tế của địa phương, cấp ủy đảng, chính quyền xã đã đề ra nhiều chủ trương đúng đắn trong việc phát triển kinh tế, phát huy nội lực, tập trung khai thác tốt tiềm năng lợi thế từ đất đai, lao động để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Một trong những nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế có tính sát thực nhất đó là đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng dần giá trị trên đơn vị diện tích.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chúng tôi đã đồng bộ hóa các chủ trương kế hoạch từ công tác quy hoạch đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển đổi mục đích đất sản xuất, xóa bỏ vườn tạp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững và hiệu quả”.
Xã đã chú trọng công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, ưu tiên phát triển các loại cây trồng mang tính hàng hóa cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời vận động nông dân đầu tư thâm canh gieo cấy lúa trên diện tích ruộng chủ động về nguồn nước để tạo nguồn lương thực, đảm bảo cuộc sống. Những chân ruộng kém năng suất chuyển sang nuôi trồng thủy sản, trồng khoai lang hoặc gieo đỗ xanh.
Bước đột phá trong nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế nông nghiệp được cấp ủy đảng, chính quyền xã Vĩnh Giang quan tâm và đem lại hiệu quả cao đó là phát triển cây hồ tiêu. Những vùng đồi đất đỏ trồng cây hàng năm trước đây được nông dân đầu tư khai thác để xây dựng các trang trại nhỏ, chủ yếu trồng hồ tiêu. Hộ ít cũng được vài trăm cây, nhiều hộ có hàng ngàn cây.
Các trang trại loại này được thiết kế khoa học theo từng lô khoảnh, tiện lợi cho việc chăm bón, tưới tiêu, đồng thời giữa lô tiêu nông dân trồng xen môn, lạc, khoai từ, tía, vừa tạo độ che phủ, giữ ẩm chân đất, tăng độ tơi xốp, màu mỡ đồng thời có thêm nguồn thu nhập.
Ông Lê Văn Vỹ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Toàn xã hiện có 146 ha hồ tiêu, cho sản lượng mỗi năm gần 170 tấn. Theo kế hoạch, năm 2014 Vĩnh Giang sẽ trồng mới 11,5 ha và dự kiến đến năm 2020 toàn xã sẽ có 170 ha hồ tiêu.
Bên cạnh đó, Vĩnh Giang còn đầu tư thâm canh gần 70 ha lạc, năng suất 16 tạ/ha, đạt trên 116 tấn lạc vỏ khô mỗi năm; trên 52 ha ruộng ao hồ dọc sông Bến Hải được chuyển sang nuôi tôm sú và cá nước ngọt, đem lại nguồn thu nhập cao.
Nhờ vậy, nhiều hộ không chỉ trang trải được cuộc sống mà còn vươn lên làm giàu từ nghề nuôi trồng và khai thác thủy hải sản. Địa phương còn phát triển mạnh các loại hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đáp ứng nhu cầu sản xuất tiêu dùng và tạo ra nguồn sản phẩm đáng kể cho xã hội.
Mặc dầu ngày càng bị thu hẹp về đồng cỏ nhưng bằng các biện pháp chăn dắt, nuôi bò nhốt, trồng cỏ voi để tạo nguồn thức ăn cho trâu bò nên người dân trong xã vẫn giữ vững được tổng đàn trâu bò hàng năm đạt trên 1.000 con, đàn lợn 5.000 đến 6.000 con, đàn gia cầm 25.000 đến 26.000 con.
Bên cạnh việc khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, nông dân còn mở rộng phát triển các loại ngành nghề kinh doanh dịch vụ như may mặc, nề, điện tử, vận chuyển, vật liệu xây dựng, sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, chế biến hải sản vừa tạo việc làm, tăng thêm nguồn thu nhập cho người lao động.
Cơ cấu nền kinh tế của Vĩnh Giang hiện nay nông nghiệp chiếm 50%, dịch vụ thương mại 23%, tiểu thủ công nghiệp 27%. Tổng giá trị thu nhập xã hội hàng năm đạt trên 117 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với năm 2010, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm trong toàn xã đã đạt trên 9%.
Ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: “Trong 5 năm trở lại đây Vĩnh Giang đã đầu tư trên 65 tỷ đồng để xây dựng hàng chục công trình phúc lợi như trụ sở làm việc của xã, nhà trưng bày hiện vật, hình ảnh truyền thống, cụm trường mầm non số 2, trạm y tế, đường liên xã, các công trình phục vụ sản xuất như giao thông nội đồng, thủy lợi nhỏ, bê tông hóa giao thông nông thôn...”.
Đến nay 22 km/35,6 km các đường thôn, ngõ xóm được bê tông hóa; riêng 3 thôn Cổ Mỹ, Tùng Luật, Di Loan có trên 95% đường liên thôn được bê tông hóa, thuận lợi cho nhân dân trong việc đi lại, tạo vẻ đẹp về cảnh quan môi trường, làm thay đổi diện mạo của nông thôn mới.
Đời sống tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Các phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc phát triển mạnh. Phong trào văn nghệ, thể thao đã phát huy tính tích cực, đem lại hiệu quả và thu hút ngày càng nhiều người dân tham gia. 100% làng, đơn vị trường học và trên 96,2% số hộ trong xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa.
Vĩnh Giang đặc biệt chú trọng đến công tác chính sách xã hội, chăm lo đời sống cho các gia đình chính sách. Bằng nguồn ngân sách địa phương và các nguồn hỗ trợ khác xã đã đầu tư xây dựng 53 nhà tình nghĩa và 63 nhà đại đoàn kết tặng các đối tượng khó khăn về nhà ở. Công tác quốc phòng- an ninh luôn đảm bảo ổn định.
Từ một xã nghèo, thu nhập bình quân đầu người chỉ có 10 triệu đồng vào năm 2010 nay đã tăng trên 22 triệu đồng, số hộ nghèo chỉ còn lại 10,3% (theo tiêu chí mới). Tỷ lệ nhà xây kiên cố và bán kiên cố đạt gần 100%. Vĩnh Giang cơ bản xóa xong nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo trên địa bàn. Đến quý II năm 2014 Vĩnh Giang đã hoàn thành 12/19 tiêu chí đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm
Đây loại dược liệu quý với nhiều tác dụng như bổ thận âm, bổ thận dương, tăng cường gân cốt, khử phong thấp… mang lại thu nhập tiền tỷ cho người dân.
Anh Bùi Văn Phương chỉ với 0,3ha nhà kính (nhà màng, nhà lưới) nhưng năm nào cũng thu được ngót 1 tỷ đồng từ trồng các loại dưa vàng, dưa lưới.
Từ nguồn vốn ban đầu 100 triệu đồng để xây dựng chuồng trại thả nuôi cá sấu, không lâu sau ông Lê Văn Bé Ba (ở TP.Cần Thơ) thu lãi mỗi năm khoảng 1 tỉ đồng.
Đặc biệt năm 2018 nhờ thời tiết thuận lợi, tổng sản lượng trên 30 tấn trái, bán với giá từ 40.000 - 50.000đ/kg, thu nhập cả tỷ đồng.
Chàng trai sinh năm 1991. Lê Văn Lâm đã có hàng chục năm làm chủ trang trại khi nói về những dự định của mình trong tương lai.