Nuôi Cá Tự Phát Gây Ô Nhiễm Môi Trường
Việc nuôi cá nước ngọt (chủ yếu là cá tràu) trên đất vườn mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều người dân ở thị trấn Tam Quan (huyện Hoài Nhơn - Bình Định) ồ ạt cải tạo đất vườn, đào hồ nuôi cá. Thế nhưng, mô hình nuôi cá mang tính tự phát này khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và sản xuất của nhân dân trong khu vực.
Những năm gần đây, phong trào nuôi cá tràu trên đất vườn diễn ra khá rầm rộ và phổ biến trên địa bàn thị trấn Tam Quan. Từ một vài hộ lẻ tẻ ban đầu, đến nay, toàn thị trấn có 42 hộ, với diện tích hồ nuôi khoảng 4.540 m2.
Qua tìm hiểu được biết, chỉ cần có diện tích đất vườn rộng là người dân có thể cải tạo thành hồ (chủ yếu là hồ nổi trên mặt đất) nuôi cá; mỗi hồ có diện tích khoảng 25 - 40m2. Người chăn nuôi thường sử dụng các loại cá tạp (cá giã cào) băm nhuyễn để làm thức ăn cho cá tràu; mỗi lứa nuôi thường kéo dài từ 4 - 5 tháng; cá trưởng thành được đưa đi tiêu thụ chủ yếu ở các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Kon Tum… Mỗi lứa nuôi, sau khi trừ các khoản chi phí, người chăn nuôi thu về lợi nhuận xấp xỉ 10 triệu đồng/hồ.
Thế nhưng, việc một số hộ nuôi cá tràu tự phát ngay trong khu dân cư mang lại nhiều hệ lụy đáng báo động. Theo tính toán của Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn: Các hồ nuôi cá đều hút nước ngầm ở giếng khoan có độ sâu từ 12m - 16m; với diện tích khoảng 4.540 m2 mặt nước nuôi cá, mỗi ngày người chăn nuôi sử dụng trên 2.200 m3 nước ngầm. Để nuôi 1 lứa cá (từ 120 - 130 ngày), người chăn nuôi sử dụng trên 264.000 m3 nước ngầm; tình trạng này khiến nguồn nước ngầm có nguy cơ cạn kiệt, sụp lún bề mặt đất.
Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi sử dụng cá tươi làm thức ăn cho cá tràu, hàng ngày thải trên 2.000 m3 nước thải và khí thải mê tan (CH4) ra khu dân cư, làm phát sinh mùi hôi thối, tạo điều kiện phát sinh ruồi, muỗi, dịch bệnh…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sức khỏe người dân. Chưa hết, nước thải từ các hồ nuôi cá theo hệ thống kênh mương dẫn ra diện tích đất sản xuất lúa, khiến lúa phát triển, sinh trưởng tốt nhưng không thể kết hạt, ảnh hưởng đến sản xuất của một bộ phận bà con nông dân.
Anh Trần Bảo Sương, ở khối 4, thị trấn Tam Quan, cho biết: “Ban đầu, các hộ làm ruộng ai cũng phấn khởi vì cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt nhờ vào lượng nước thải từ các hồ nuôi cá. Vậy nhưng, đến giai đoạn cây lúa trổ bông, kết hạt, các hộ sản xuất lúa đều “tím mặt” vì lúa tốt ngập đầu nhưng không kết hạt. Suy đi tính lại thì chúng tôi mới biết “thủ phạm” chính là lượng nước thải thải ra từ các hồ nuôi cá tràu. Tình trạng này tái diễn từ vụ này qua vụ khác nên những người làm ruộng gặp nhiều khó khăn”.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Binh, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Quan: “Ngoài những tác động xấu đến môi trường, việc các hộ nuôi cá tràu tự phát trên diện tích đất vườn chưa được chuyển mục đích sử dụng đất là hành vi vi phạm Luật Đất đai. Trước thực trạng này, chúng tôi mời các hộ chăn nuôi tới làm việc và phân tích cho họ thấy việc làm này gây ra nhiều tác động xấu như cạn kiệt nguồn nước ngầm, xả nước thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường sống trong khu dân cư. Đồng thời, chúng tôi buộc các hộ nuôi phải ký cam kết chấm dứt nuôi và tháo dọn hồ trả lại hiện trạng ban đầu trước ngày 31.12.2013”.
Về vấn đề này, mới đây, ông Phạm Trương, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, đã ký ban hành công văn yêu cầu UBND thị trấn Tam Quan phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp nuôi cá tràu tự phát. Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện và UBND thị trấn Tam Quan phải thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các trường hợp nuôi cá nước ngọt gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.
Có thể bạn quan tâm
Từ đầu năm đến nay, diện tích tôm nuôi trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại 13.732ha. Trong đó, tôm nuôi bị thiệt hại từ 30 - 70% trên 10.660ha, thiệt hại trên 70% là trên 3.000ha.
Sở NN-PTNT cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có hơn 2.150 hộ và 41 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nuôi trồng và sản xuất giống thủy sản các loại.
Từ giữa tháng 5.2015 đến nay, các hộ nuôi cá lồng trên biển tại Hải Minh (thuộc tổ 46, khu vực 9, phường Hải Cảng - TP Quy Nhơn - tỉnh Bình Định) gặp nhiều khó khăn do cá nuôi bị dịch bệnh chết và giá cá duy trì ở mức thấp. Theo thống kê của UBND phường Hải Cảng, hiện ở Hải Minh có 86 hộ nuôi cá lồng biển, gồm 176 bè với 1.013 lồng nuôi (nhiều nhất là cá chẽm, cá hồng, cá bớp, cá mú…), tăng 5 hộ và 57 bè so với cuối năm 2014.
Mới đây, Sở NN&PTNT Sóc Trăng, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã khảo sát và trao đổi với xã viên hợp tác xã nuôi tôm Hòa Nghĩa – xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu về hiện tượng tôm chết sớm xảy ra vào đầu tháng 8, khiến bà con rất lo lắng.
Trong khi đó, bệnh thủy sản phát sinh nhiều do thời tiết trong mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về làm giảm chất lượng nước trên sông. Bệnh trên cá tra nuôi thương phẩm chủ yếu là bệnh xuất huyết, gan thận mủ và trắng gan trắng mang với tỷ lệ nhiễm từ 10 - 20%; trên cá nuôi lồng bè chủ yếu là bệnh xuất huyết, phù đầu, nổ mắt, thối mang với tỷ lệ nhiễm từ 10 - 15%.