Việt Nam còn nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dài dài
Tuy nhiên đây lại là “bài toán” khó khi đến nay vẫn chưa có chính sách nào cụ thể chú trọng tới việc phát triển cây nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi.
20 năm nữa vẫn NK
Là đất nước nông nghiệp, XK lúa gạo đứng trong “top” đầu thế giới nhưng Việt Nam lại thường xuyên chi hàng tỷ USD mỗi năm để NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, điển hình là mặt hàng ngô và đậu tương.
Theo dự kiến của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Việt Nam chỉ tự túc được khoảng 40% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp còn 60% là NK.
Từ đầu năm đến nay, tình hình cũng không có gì biến chuyển.
Báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT cho thấy: 9 tháng đầu năm, NK thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 2,59 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Thị trường NK chính của nhóm mặt hàng này là Argentina (chiếm 42%), tiếp đến là Hoa Kỳ (14,4%), Brazil (7,8%) và Trung Quốc (5,9%).
Thị trường có giá trị tăng đột biến so với cùng kỳ là Áo (hơn gần 80 lần).
Đối với đậu tương, tính tới hết tháng 9 kim ngạch NK cũng tăng 2,1% về khối lượng và giảm 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014, với lượng NK là 1,2 triệu tấn, giá trị NK đạt 547 triệu USD.
Riêng mặt hàng ngô, kim ngạch NK tăng mạnh trong 9 tháng với 4,67 triệu tấn, giá trị NK đạt 1,04 tỷ USD, tăng gần 49% về khối lượng và tăng hơn 28% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết: Hiện nay, sản lượng bình quân trên đầu người của ngô và đậu tương khá thấp so với mặt hàng lúa gạo.
Điển hình như trong năm 2014, với dân số 91 triệu dân, sản lượng bình quân lúa trên đầu người là 494 kg/người, trong khi ngô chỉ là 54 kg/người và đậu tương chỉ 1,5 kg/người.
Với sản lượng đậu tương hiện tại không đủ để phục vụ nhu cầu cho người chứ chưa nói tới làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Chăn nuôi gia súc hàng năm cần 4-5 triệu tấn khô dầu các loại thì hầu như phải phải NK 100%.
Tương tự, ngô cũng thường xuyên thiếu phải NK khoảng 50%.
“Việt Nam không có lợi thế trồng đậu tương và thực tế cũng không có chính sách để khuyến khích phát triển loại cây trồng này.
Từ năm 2010 đến nay, diện tích trồng đậu tương ngày một giảm sút.
Do vậy, trước mắt việc duy trì NK nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi sẽ không thể thay đổi.
Đặc biệt, với cách quy hoạch và làm việc như hiện tại thì thậm chí 20 hoặc 30 năm nữa, chăn nuôi trong nước vẫn không thoát khỏi việc lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi NK”, ông Lịch nhấn mạnh.
Giảm lúa, trồng ngô
Một số chuyên gia cho rằng,Việt Nam thường xuyên phải NK nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là bởi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cây trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chưa được chú ý thỏa đáng, chưa có chính sách khuyến khích hợp lý.
Giá cả thị trường đối với các sản phẩm từ cây trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lên xuống thất thường, người dân phải tự chịu sự rủi ro.
Đến nay, trong chiến lược phát triển nông nghiệp của Bộ NN&PTNT chưa thấy cơ cấu cây trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong quỹ đất canh tác nông nghiệp toàn quốc.
Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thiếu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giàu đạm, giàu năng lượng, thiếu khoáng vi lượng, thức ăn bổ sung, premix…
Ông Lê Bá Lịch cho rằng, mặc dù khó khăn nhưng nếu tổ chức lại sản xuất, bố trí lại cơ cấu cây trồng một cách hợp lý thì “bài toán” dần tự chủ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn có thể giải được.
Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là phải dành quỹ đất trồng cây thức ăn gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản.
Đối với cây ngô thì không phải là 1 triệu ha ngô như hiện nay mà phải nâng lên 1,5 rồi 2 triệu ha ngô.
Hiện nay, 1 triệu ha ngô cho ra 5 triệu tấn ngô thì khi diện tích nâng lên 2 triệu ha, con số này sẽ là 10 triệu tấn.
Đây là nhu cầu bắt buộc để thay thế việc vận chuyển ngô từ Nam Mỹ, nửa vòng trái đất mới về tới Việt Nam.
Để tăng diện tích trồng ngô, cần nghiên cứu giảm diện tích trồng lúa xuống, đặc biệt là những diện tích trồng lúa kém hiệu quả.
Đồng tình với quan điểm của ông Lịch, một số chuyên gia bổ sung, ngoài việc tăng diện tích trồng ngô thì tăng năng suất cũng là vấn đề rất quan trọng.
Các cơ quan quản lý Nhà nước phải chỉ đạo nghiên cứu thêm nhiều giống ngô năng suất cao, chuyên dùng cho chăn nuôi.
Khi giống mới ra đời, Nhà nước có thể hỗ trợ nông dân có tiền mua, đồng thời người trồng cây thức ăn chăn nuôi được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật.
“Tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất premix, khoáng vi lượng, các loại thức ăn bổ sung, đồng thời phổ biến miễn phí các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi thông qua đào tạo, tập huấn, in sách phổ biến khoa học kỹ thuật cũng là một giải pháp quan trọng phải tính đến”, ông Lịch nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Trong chăn nuôi nói chung và nuôi bò sữa nói riêng việc áp dụng tốt các giải pháp về thú y có ý nghĩa quan trọng, vì quản lý tốt dịch bệnh trong chăn nuôi sẽ giúp tăng đàn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển chăn nuôi bền vững. Sóc Trăng hiện đang tập trung thực hiện dự án phát triển đàn bò sữa giai đoạn 2013-2020.
Hai đối tượng nuôi chủ lực là cá tra và tôm đều cho hiệu quả cao. Cá tra đạt sản lượng trên 1,1 triệu tấn trên tổng diện tích nuôi 5.200 ha; tôm nước lợ đạt gần 550.000 tấn trên tổng diện tích nuôi 666.000 ha. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng dẫn đầu cả nước về diện tích nuôi lẫn sản lượng.
Tại diễn đàn, bà Đỗ Thị Ngọc Diệp – Phó Chủ tịch Hiệp hội dinh dưỡng VN cho biết, kết quả nghiên cứu chứng minh hạt điều là một nguồn thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, chỉ số đường huyết thấp, có thể góp phần vào việc phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường.
Sau lần thất bại từ việc nuôi gà thả vườn, vốn liếng cạn kiệt dần nhưng anh không nản lòng mà tiếp tục cố gắng tìm hướng đi mới. Hiện tại, anh đã thành công với mô hình nuôi chim trĩ đỏ. Tại địa phương, anh được nhiều người biết với cái tên thường gọi là “anh Quyền chim trĩ”.
Nguyên nhân là do lúa cắt bằng máy gặt đập liên hợp nên lượng rơm nguyên liệu để chất nấm không nhiều, người trồng nấm phải mua rơm từ các nơi khác hoặc thuê nhân công gom rơm từ các đồng sau khi thu hoạch, chi phí phát sinh thêm từ 100.000-150.000 đồng/công. Tuy nhiên với giá cả và đầu ra ổn định, nông dân trồng nấm đạt lợi nhuận từ 3-6 triệu đồng/công/vụ.