Việt Hóa Công Nghệ Sản Xuất Cà Chua
Trang trại Phong Thúy và 6 trang trại “vệ tinh” ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã “Việt hóa” thành công công nghệ chăm sóc cà chua từ châu Âu và châu Úc, đạt giá trị sản xuất từ 1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm.
Thời điểm đầu tháng 3/2014, trong lúc giá cà chua thông thường từ 4.000 - 5.000 đồng/kg thì giá cà chua “Việt hóa” bằng công nghệ châu Úc, châu Âu đạt tới 20.000 đồng - 25.000 đồng/kg. Theo phân tích của anh Nguyễn Hồng Phong, chủ Trang trại Phong Thúy, giống cà chua “Việt hóa” là giống cà chua ăn tươi cao cấp, trồng trên giá thể trong nhà kính, được sản xuất theo đơn đặt hàng với giá cả ổn định; còn giống cà chua thông thường được trồng đại trà ngoài trời, giá cả tùy theo thị trường cung - cầu quyết định.
Hai lần “du học”
Giống cà chua ăn tươi cao cấp được anh nông dân Nguyễn Hồng Phong (sinh năm 1967) mua từ Hà Lan về trồng trên đất Đức Trọng từ đầu năm 2006. Lúc đó, anh Phong vừa “tốt nghiệp” khóa học nghề 1 tháng trồng rau công nghệ cao (cà chua, ớt ngọt và dưa leo) tại Úc trở về và anh chọn 300m2 đất ở vùng nông nghiệp Liên Nghĩa để thực hành trồng cà chua cao cấp đã học được.
Toàn bộ giống cây con được gieo ươm bằng hạt tại vườn ươm của mình từ 20 - 25 ngày, anh Phong đưa ra nhà kính xuống giống trồng đồng loạt trên giá thể xơ dừa và trấu; cứ 2 cây trồng trên 1 bịch ni lông giá thể, có đường kính và chiều cao cùng kích thước khoảng 30cm, đặt san sát trên từng luống đất dài đã phủ màng ni lông để ngăn chặn cỏ dại, dịch hại xâm nhập vào rễ cây. Hệ thống tưới nước và bón phân đi chung một đường ống nhỏ giọt được thiết kế đến từng gốc cây…
Nhìn chung tất cả các khâu từ gieo giống đến xuống giống trồng và chăm sóc cà chua cao cấp cho đến khi thu hoạch đều được anh Phong tuân thủ “bài vở” theo lý thuyết và thực hành đã được học bên Úc.
Tuy nhiên, khi thu hoạch lứa cà chua “đầu tay” trên 300m2 đất nói trên, anh Phong chỉ đạt sản lượng bằng 50% so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân là lượng phân bón tạo dinh dưỡng trong giá thể do anh Phong tự phối trộn vẫn chưa “tương tác” hiệu quả giữa các thành phần vôi, đạm, lân, kali…
Trong khi ở bên Úc, thị trường giá thể, phân bón, thuốc sinh học… dành riêng cho cây cà chua ăn tươi cao cấp, được sản xuất và bán rộng khắp cho người nông dân lựa chọn theo quy mô, điều kiện canh tác của mình. Đến cuối năm 2007, anh Phong đã cải tiến nhiều khâu kỹ thuật, năng suất cà chua có tăng lên, nhưng mới đạt đến 70 - 80% so với yêu cầu.
Đã vậy, thị trường cà chua ăn tươi cao cấp ở trong nước khá mới mẻ, phải mất nhiều tháng sau đó, nhờ các “kênh” bạn hàng tiêu thụ các loại rau xanh an toàn khác của Trang trại Phong Thúy được kết nối giao thương từ năm 2000, nên mới “bắt cầu” thâm nhập dần dần trong hệ thống siêu thị ở Sài Gòn.
Năm 2008, nông dân Nguyễn Hồng Phong tiếp tục tìm đường sang Canada học nâng cao công nghệ trồng cà chua cao cấp. Cũng sau 1 tháng kết thúc khóa học như lần học ở bên Úc, nhưng lần này, anh Phong mới “nhận dạng” khá chi tiết về môi trường đất đai, khí hậu của châu Âu và châu Úc với nhiều biến đổi trong năm, khi lạnh thì xuống đến âm độ, có băng tuyết; khi nóng lên đến hơn 40 độ. Vì vậy, công nghệ chăm sóc cà chua cao cấp từ những nước này phải “Việt hóa” phù hợp với môi trường nhiệt độ ôn hòa trong năm ở Đức Trọng.
“Mình học tập công nghệ chung của Canada và Úc về sản xuất cà chua cao cấp với quy trình sản xuất hoàn toàn với dây chuyền tự động, nhưng từng vật liệu xây dựng nhà kính, liều lượng nước, phân, thuốc qua hệ thống nhỏ giọt… phải cân đối phù hợp với nhiệt độ ổn định quanh năm của huyện Đức Trọng…” - Phong chia sẻ.
Nhân rộng công nghệ “Việt hóa”
Từ năm 2010 đến nay, đồng thời với việc mở rộng thị trường tiêu thụ ở Sài Gòn, cây cà chua cao cấp ở Trang trại Phong Thúy đã “xác lập” được “đỉnh”, năng suất mỗi vụ (khoảng 9 tháng) từ 150 - 200 tấn, bằng hoặc cao hơn năng suất trồng tại Úc và Canada. Hiện tại, Trang trại Phong Thúy đã “quy hoạch” 3 ha trồng cà chua cao cấp (khoảng 10 giống) luân canh với các cây rau cao cấp khác.
Toàn bộ quy trình “Việt hóa” trồng cà chua cao cấp đã được Trang trại Phong Thúy chuyển giao đến 6 trang trại của 6 hộ ở các xã N’Thol Hạ, Phú Hội và thị trấn Liên Nghĩa, hàng năm trồng ổn định từ 1,5 - 2 ha, cũng đạt năng suất từ 150 - 200 tấn/vụ. Toàn bộ sản lượng cà chua thu hoạch của 6 trang trại “vệ tinh” này được Trang trại Phong Thúy bao tiêu với giá ổn định theo từng mùa vụ.
Đến cuối năm 2014, Trang trại Phong Thúy đặt mục tiêu liên kết với nông dân huyện Đức Trọng để mở rộng thêm 2 ha trồng cà chua cao cấp trong trang trại. Và cũng trong năm nay, anh Nguyễn Hồng Phong dự kiến sắp xếp thời gian xuất ngoại sang các nước Đông Nam Á để xây dựng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm cà chua đang “thời thượng” này.
Có thể bạn quan tâm
Trước tình trạng hàng trăm ha mía của nông dân đã chín và tới kỳ thu hoạch, nhưng chưa được Nhà máy đường Phổ Phong thu mua, khiến những diện tích trên đang đứng trước nguy cơ mất mùa do nắng nóng, mía trổ cờ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản chỉ đạo việc thu mua mía.
Trong khi người trồng lúa đang như ngồi trên lửa vì giá lúa rớt thê thảm, thì người trồng bắp (ngô) ở ĐBSCL đang có lợi nhuận khá cao, ngay trên những mảnh đất trước đây từng là đất lúa.
Nhằm giúp nông dân có định hướng nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”, từ tháng 3 - 2011 đến tháng 3 - 2013.
Với lợi thế có vùng đất bãi trù phú ven sông Đáy, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Hoài Đức đã hình thành một số vùng trồng cây ăn quả theo hướng tập trung cho thu nhập cao. Tuy nhiên, để nhân rộng những mô hình này, huyện cần có quy hoạch sản xuất cụ thể, trọng tâm hơn.
Xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp là vùng đất bị nhiễm phèn nặng. Ngoài cây sen, khó có loài cây khác cho hiệu quả trên vùng đất này. Vì thế, cây sen được xem như cứu cánh giúp thay đổi cuộc sống của người dân. Do nặng lòng với sen, nhiều bà con có kinh nghiệm trồng sen với suy nghĩ linh hoạt đã có hướng chuyển đổi phù hợp, trở nên khá giả từ cây sen…