Vì Sao Nguyên Liệu Cá Tra Thiếu Nhưng Giá Mua Ít Tăng?
9 tháng của năm 2013, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu ở An Giang xuất khẩu 128 ngàn tấn, kim ngạch đạt 311 triệu USD, tăng 23,1% về lượng và 6,5% về giá trị so cùng kỳ. Dù xuất khẩu tăng, nguyên liệu thiếu nhưng giá mua cá tra của các nhà máy vẫn tăng không đáng kể.
Thiếu nguyên liệu:
9 tháng của năm 2013, diện tích nuôi cá tra của tỉnh là 800 héc-ta, chỉ bằng 84,9% so với cùng kỳ 2012. Nguyên nhân giảm là do người nuôi cá tra phải vay vốn với lãi suất cao, giá thức ăn liên tục tăng trong khi giá bán cá nguyên liệu lên xuống “bất thường” dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm liền, nông dân không còn vốn để tái sản xuất, buộc phải treo ao.
Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Châu Phú có 17 hội viên, sản lượng nuôi hàng năm từng đạt 25.000 tấn. Tuy nhiên, do thua lỗ nhiều năm liên tiếp nên đến thời điểm này, sản lượng nuôi của HTX chỉ còn 7.000 tấn/năm. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX, cho biết : “ Giá thức ăn hiện nay là 11.700 đồng (mua tiền mặt, còn mua thiếu thì 11.900đ/kg), cá giống 2.000 đồng/con, thuốc thú y thủy sản, lương công nhân, lãi ngân hàng là 2.000 đồng/kg cá tăng trọng; tỉ lệ hao hụt là từ 5 – 10%. Tổng chi phí sản xuất 1 kg cá nguyên liệu từ 23.000 – 24.000 đồng/kg, trong khi giá bán hiện nay cũng chỉ ở mức 22.500 đồng – 23.000 đồng/kg. Vậy thì làm sao ngư dân duy trì được sản xuất, thiếu nguyên liệu chế biến là điều dễ hiểu”.
Chi phí sản xuất cao nhưng ngư dân rất khó tiếp cận được vốn của ngân hàng. Ông Nguyễn Huy Phong, thành viên HTX, nói : “ Tôi có nhu cầu vay vốn 2,5 tỷ đồng để tái thả nuôi cá thịt mong gỡ lại số vốn đã bị lỗ nhưng ngân hàng không cho vay với nhiều lý do khác nhau, mặc dù tôi có đủ tài sản thế chấp”. Không chỉ có ông Phong, nhiều hộ nuôi cá khác trong tỉnh hiện nay cũng gặp phải tình trạng này.
Giá tăng không đáng kể:
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, giá mua cá tra nguyên liệu của các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu từ 22.500 đồng – 23.000 đồng/kg. Nếu so với 3 tháng trước, giá cá nguyên liệu có tăng nhưng không đáng kể. Ông Phạm Thanh Trà, nông dân nuôi cá ở xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), cho biết : “ Tôi vừa bán 530 tấn cá tra cho Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn ở Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) với giá 23.000 đồng/kg. Trước đó 2 tháng, tôi bán 250 tấn cá cho Công ty Cổ phần Hùng Vương với giá 20.500 đồng. Hiện nay, vấn đề quan trọng là hình thức thanh toán như thế nào? Nếu giá có cao đi chăng nữa nhưng bán cá rồi không lấy tiền được hoặc nhà máy thiếu ngư dân đến 3 tháng sau mới thanh toán thì cũng không có ý nghĩa”. Ông Trà cho biết thêm, với giá bán nguyên liệu vừa nêu, nếu hạch toán chi phí sản xuất trong vụ nuôi này thì không có lãi. Tuy nhiên, gia đình ông vẫn phải nuôi để duy trì sản xuất, tạo việc làm cho công nhân và để thiết bị máy móc đừng hư hỏng.
Tại một hội nghị mới đây của Hiệp hội cá tra Việt Nam được tổ chức ở Cần Thơ, bàn về vấn đề “Liên kết trong chuỗi cá tra – vấn đề tín dụng và hợp đồng” cho thấy, nếu đi vào phân tích giá trị gia tăng của chuỗi cá tra trong thời gian qua thì hiệu suất sinh lời, tỷ trọng giá trị gia tăng đạt được ở mặt hàng này chỉ ở mức 0,68%, trong khi ở tôm là 27,4%, cá ngừ là 37,7%. Chế biến và xuất khẩu cá tra gần như không có lãi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến giá mua nguyên liệu hiện nay của các nhà máy chế biến với ngư dân trong tỉnh tăng không đáng kể.
Có thể bạn quan tâm
Huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có gần 5.000 ha trồng cà phê, trong đó hơn 4.400 ha cà phê đã cho thu hoạch, sản lượng hàng năm gần 48.000 tấn, mang lại nguồn thu gần 200 tỷ đồng.
Bên cạnh những loại cây cho trái chính vụ mùa Tết, nhiều loại cây để cho thu hoạch đúng thời điểm chuẩn bị mừng năm mới, nhà vườn phải chăm sóc, xử lý từ nhiều tháng trước đó.
Bên dòng Phước Giang trù phú, nhiều nông dân ở các xã Hành Nhân, Hành Minh (Nghĩa Hành - Quảng Ngãi) hiện đang hối hả vào mùa thu hoạch chôm chôm. Bà con phấn khởi vì chôm chôm được mùa, giá bán cũng khá ổn định.
Hiện nay, các nhà vườn trồng thanh long ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận đang thu hoạch lứa trái cuối cùng của vụ chính; so với cùng kỳ năm trước thì nông dân trồng loại cây này vừa mất giá vừa mất mùa.
Với điều kiện thuận lợi có nước ngọt quanh năm, trong những năm qua, nhân dân các xã Tân Phú Tây, Phú Mỹ, Phước Mỹ Trung, Hưng Khánh Trung A, Tân Bình, Tân Thanh Tây và Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) phát triển khá mạnh nghề trồng và sản xuất cây giống.