Vì Sao Giá Tôm Thương Phẩm Tăng?
Tính từ đầu năm đến nay, diện tích tôm thương phẩm toàn tỉnh Ninh Thuận thả nuôi trên 955 ha, trong đó có 900 ha tôm thẻ chân trắng và 55 ha tôm sú. Tuy diện tích thả nuôi chỉ đạt 74% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), tình hình bệnh trên tôm nuôi có xu hướng giảm và giá bán tôm thương phẩm tăng, đây được coi là tín hiệu vui về sự khởi sắc của nghề nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh năm nay, đặc biệt đối với tôm thẻ chân trắng.
Qua ghi nhận của chúng tôi, đến cuối tháng 9, tổng diện tích tôm bệnh trên toàn tỉnh là 99,6 ha, chiếm hơn 10%, một tỷ lệ bình thường và được coi là biểu hiện ổn định. Cùng với tin vui trên, người nuôi càng phấn khởi hơn vì giá tôm tăng, cụ thể giá tôm thẻ chân trắng dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/kg (loại 100 con/kg) và trên 160.000 đồng/kg (loại 70 con/kg). Qua thu hoạch 19,6 ha diện tích tôm sú, 548 ha diện tích tôm thẻ, ước đạt sản lượng 60 tấn tôm sú và khoảng trên 5.500 tấn tôm thẻ (riêng tôm thẻ năng suất trung bình 10 - 12 tấn/ha).
Điều này cho thấy tôm thẻ chân trắng đang trở thành đối tượng nuôi chính ở tỉnh, nhiều hộ nuôi thành công có thể lãi gần 1 tỷ đồng/ha. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho biết: Chính giá bán cao đang tạo ra động lực thúc đẩy người nuôi đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật làm tăng năng suất và chất lượng tôm thịt.
Nhìn trên lĩnh vực xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ở tỉnh, với mức tăng trưởng 9 tháng đạt 1,24%, sẽ thấy rõ sự đóng góp rất lớn của thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm đông lạnh có giá trị cao, chiếm vị trí chủ yếu trong mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên cũng từ việc giá tôm tăng cao, trong những ngày vừa qua, đã có dư luận xôn xao về việc doanh nghiệp nước ngoài đến thu mua nâng giá, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh, cụ thể là Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận.
Thật vậy, ngay các hộ nuôi tôm vùng Ninh Phước, Thuận Nam cũng xác định với chúng tôi giá bán tôm nói trên đã cao hơn 20.000 - 30.000 đồng/kg. Để tìm hiểu thực hư vấn đề, chúng tôi đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương và được biết đúng là có sự cạnh tranh gay gắt trong thu mua nguyên liệu tôm và có dấu hiệu yếu tố thương nhân nước ngoài tham gia.
Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan chức năng chưa có bằng chứng thương nhân nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) đến thu mua trực tiếp để ngăn chặn. Trong tháng 8, khi thu hoạch rộ vụ tôm, có 2 lần thương nhân Trung Quốc đến, thông qua người trong nước đại diện thu mua chở qua cửa khẩu Quảng Ninh, nhưng trường hợp này đã không còn tái diễn.
Vậy vì sao giá tôm tăng cao bất thường? Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, trước hết Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa gỡ bỏ rào cản tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản có thể cạnh tranh được giá, thêm nữa việc mất mùa tôm ở một số nước đã khiến nguyên liệu tôm cho chế biến khan hiếm, dẫn đến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm vào nước ta mua làm đội giá lên.
Đối với Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận, trong thực tế trước đây chỉ mua tôm thông qua các nậu vựa là 5 doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn các huyện, thành phố, trong đó đáng chú ý là 2 Công ty TNHH Sắc Diễm (Ninh Hải) và Đoàn Kiệt (Phan Rang-Tháp Chàm). Gần đây, các doanh nghiệp này không bán cho Thông Thuận nữa mà đã chuyển sang bán trực tiếp cho nước ngoài hoặc các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, nhất là cho ngành xuất khẩu thủy sản Đà Nẵng vì giá cao hơn như đã nói trên.
Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận buộc phải tổ chức mua trực tiếp nhưng không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp này. Nguyên nhân là người nuôi đã được các doanh nghiệp trên đầu tư, ứng vốn nên đã có mối quan hệ làm ăn với nhau.
Như vậy, rõ ràng giá tôm do thị trường quyết định, là yếu tố làm tôm thương phẩm ở tỉnh phần lớn đã không được đưa vào Nhà máy chế biến. Vấn đề đặt ra là sự “cạnh tranh” trên có ảnh hưởng đến việc làm của nhiều công nhân và có gây thất thu cho ngân sách tỉnh hay không? Vì trừ doanh nghiệp Đoàn Kiệt trong 7 tháng đã nộp thuế nhà nước 8 tỷ đồng, các doanh nghiệp còn lại chưa làm tốt lắm nghĩa vụ nộp thuế.
Cho nên trước thực trạng này, để bảo vệ ngành chế biến thủy sản xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh, thiết nghĩ Chi cục Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp với ngành Thuế kiểm soát chặt chẽ thị trường. Riêng Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận, theo khuyến cáo của Sở Công Thương, để cạnh tranh được cần phải có giá mua hợp lý và có chính sách đầu tư, hỗ trợ người nuôi tôm, tạo mối quan hệ ràng buộc, tin cậy lẫn nhau.
Có thể bạn quan tâm
Gần đây, nhiều nông dân Thuận Mỹ (Đại Phong), Bàu Tròn (Đại An), thuộc huyện Đại Lộc (Quảng Nam) có thu nhập ổn định từ mô hình trồng bí hồ lô (giống bí đỏ lai F1 Plato 757, thương hiệu của Én Vàng).
Với giàn gấc mỗi lứa thu hoạch hơn 300 quả, giá thị trường 50.000 đ/kg, trái gấc đã đem lại giá trị kinh tế cao, giúp gia đình ông Lê Phước Dũng (đội 4 thôn Quảng Đại 2, xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam) thoát khỏi cảnh nghèo bấy lâu đeo bám.
Diễn biến thời tiết phức tạp cùng với sự thiếu chặt chẽ trong quản lý lưu thông, buôn bán gia súc, gia cầm khiến cho dịch lợn tai xanh bùng phát ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị) và dịch cúm gia cầm xuất hiện (H5N1) trên địa bàn huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên).
Anh Nguyễn Văn Khánh (40 tuổi), trú tổ 5, phường Nghĩa Chánh, TP.Quảng Ngãi mỗi tháng thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng từ nuôi rắn.
Anh Nguyễn Đức Thịnh là hội viên nông dân chi hội thôn Bắc Song, xã Đông Hà huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Đã nhiều năm liền, anh Thịnh được suy tôn là nông dân tiêu biểu của xã, của huyện, của tỉnh bởi thành tích gương mẫu đi đầu thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.