Vì Sao Giá Tôm Thương Phẩm Tăng?
Tính từ đầu năm đến nay, diện tích tôm thương phẩm toàn tỉnh Ninh Thuận thả nuôi trên 955 ha, trong đó có 900 ha tôm thẻ chân trắng và 55 ha tôm sú. Tuy diện tích thả nuôi chỉ đạt 74% so với cùng kỳ năm trước, nhưng theo Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), tình hình bệnh trên tôm nuôi có xu hướng giảm và giá bán tôm thương phẩm tăng, đây được coi là tín hiệu vui về sự khởi sắc của nghề nuôi tôm thương phẩm trong tỉnh năm nay, đặc biệt đối với tôm thẻ chân trắng.
Qua ghi nhận của chúng tôi, đến cuối tháng 9, tổng diện tích tôm bệnh trên toàn tỉnh là 99,6 ha, chiếm hơn 10%, một tỷ lệ bình thường và được coi là biểu hiện ổn định. Cùng với tin vui trên, người nuôi càng phấn khởi hơn vì giá tôm tăng, cụ thể giá tôm thẻ chân trắng dao động từ 120.000 - 130.000 đồng/kg (loại 100 con/kg) và trên 160.000 đồng/kg (loại 70 con/kg). Qua thu hoạch 19,6 ha diện tích tôm sú, 548 ha diện tích tôm thẻ, ước đạt sản lượng 60 tấn tôm sú và khoảng trên 5.500 tấn tôm thẻ (riêng tôm thẻ năng suất trung bình 10 - 12 tấn/ha).
Điều này cho thấy tôm thẻ chân trắng đang trở thành đối tượng nuôi chính ở tỉnh, nhiều hộ nuôi thành công có thể lãi gần 1 tỷ đồng/ha. Thạc sĩ Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS tỉnh cho biết: Chính giá bán cao đang tạo ra động lực thúc đẩy người nuôi đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật làm tăng năng suất và chất lượng tôm thịt.
Nhìn trên lĩnh vực xuất khẩu nông - lâm - thủy sản ở tỉnh, với mức tăng trưởng 9 tháng đạt 1,24%, sẽ thấy rõ sự đóng góp rất lớn của thủy sản, đặc biệt là mặt hàng tôm đông lạnh có giá trị cao, chiếm vị trí chủ yếu trong mặt hàng xuất khẩu. Tuy nhiên cũng từ việc giá tôm tăng cao, trong những ngày vừa qua, đã có dư luận xôn xao về việc doanh nghiệp nước ngoài đến thu mua nâng giá, gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong tỉnh, cụ thể là Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận.
Thật vậy, ngay các hộ nuôi tôm vùng Ninh Phước, Thuận Nam cũng xác định với chúng tôi giá bán tôm nói trên đã cao hơn 20.000 - 30.000 đồng/kg. Để tìm hiểu thực hư vấn đề, chúng tôi đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, Giám đốc Sở Công Thương và được biết đúng là có sự cạnh tranh gay gắt trong thu mua nguyên liệu tôm và có dấu hiệu yếu tố thương nhân nước ngoài tham gia.
Tuy nhiên, cho đến nay cơ quan chức năng chưa có bằng chứng thương nhân nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) đến thu mua trực tiếp để ngăn chặn. Trong tháng 8, khi thu hoạch rộ vụ tôm, có 2 lần thương nhân Trung Quốc đến, thông qua người trong nước đại diện thu mua chở qua cửa khẩu Quảng Ninh, nhưng trường hợp này đã không còn tái diễn.
Vậy vì sao giá tôm tăng cao bất thường? Theo đồng chí Nguyễn Thanh Hoan, trước hết Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa gỡ bỏ rào cản tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản có thể cạnh tranh được giá, thêm nữa việc mất mùa tôm ở một số nước đã khiến nguyên liệu tôm cho chế biến khan hiếm, dẫn đến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm vào nước ta mua làm đội giá lên.
Đối với Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận, trong thực tế trước đây chỉ mua tôm thông qua các nậu vựa là 5 doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn các huyện, thành phố, trong đó đáng chú ý là 2 Công ty TNHH Sắc Diễm (Ninh Hải) và Đoàn Kiệt (Phan Rang-Tháp Chàm). Gần đây, các doanh nghiệp này không bán cho Thông Thuận nữa mà đã chuyển sang bán trực tiếp cho nước ngoài hoặc các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Long An, nhất là cho ngành xuất khẩu thủy sản Đà Nẵng vì giá cao hơn như đã nói trên.
Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận buộc phải tổ chức mua trực tiếp nhưng không cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp này. Nguyên nhân là người nuôi đã được các doanh nghiệp trên đầu tư, ứng vốn nên đã có mối quan hệ làm ăn với nhau.
Như vậy, rõ ràng giá tôm do thị trường quyết định, là yếu tố làm tôm thương phẩm ở tỉnh phần lớn đã không được đưa vào Nhà máy chế biến. Vấn đề đặt ra là sự “cạnh tranh” trên có ảnh hưởng đến việc làm của nhiều công nhân và có gây thất thu cho ngân sách tỉnh hay không? Vì trừ doanh nghiệp Đoàn Kiệt trong 7 tháng đã nộp thuế nhà nước 8 tỷ đồng, các doanh nghiệp còn lại chưa làm tốt lắm nghĩa vụ nộp thuế.
Cho nên trước thực trạng này, để bảo vệ ngành chế biến thủy sản xuất khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh, thiết nghĩ Chi cục Quản lý thị trường cần tăng cường phối hợp với ngành Thuế kiểm soát chặt chẽ thị trường. Riêng Chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận - Ninh Thuận, theo khuyến cáo của Sở Công Thương, để cạnh tranh được cần phải có giá mua hợp lý và có chính sách đầu tư, hỗ trợ người nuôi tôm, tạo mối quan hệ ràng buộc, tin cậy lẫn nhau.
Related news
Hiện nay phong trào nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đang phát triển rất mạnh ở Cần Thơ, tập trung ở các huyện như Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh và quận Ô Môn. Ông Nguyễn Hữu Huynh, ở P. Thới Hòa, Q. Ô Môn cho biết, với 2 ha mặt nước ruộng chuyên nuôi tôm luân canh trên nền đất lúa, mỗi vụ cho thu hoạch bình quân 1,6 tấn, lợi nhuận 90 - 100 triệu đồng. Lợi nhuận nuôi tôm càng xanh gấp đôi trồng lúa. Ngoài ra, mô hình luân canh này bền vững, giúp giảm lượng phân bón sử dụng cho lúa, tăng năng suất lúa, đồng thời giảm được lượng mùn bã hữu cơ và góp phần ngăn chặn dịch bệnh trên tôm nuôi.
Từ giữa tháng 8/2013, Tổng cục Thủy sản đã yêu cầu kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản tại 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương (TW), đến đầu tháng 10, kết quả kiểm tra cho thấy tình hình dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản quan trọng, đặc biệt là tôm nuôi nước lợ tuy có giảm so với cùng kỳ năm 2012, nhưng vẫn còn xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại ở nhiều địa phương.
Nhà máy thủy điện Hàm Thuận – Đa Mi nằm trên lưu vực sông La Ngà thuộc sông Đồng Nai là sự kết nối giữa 2 nhà máy Hàm Thuận và Đa Mi cách nhau khoảng 10km, trên địa bàn 2 tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận với diện tích mặt thoáng khoảng 25,2 km2. Nhà máy thủy điện Hàm Thuận gồm 2 tổ máy với công suất 300MW. Nhà máy thủy điện Đa Mi gồm 2 tổ máy với công suất là 175MW.
Trong năm 2013, nghề nuôi tôm của Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh, như: bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu… Tuy nhiên, nhờ những chỉ đạo đúng đắn, kịp thời trong việc hướng dẫn sản xuất và phòng chống dịch bệnh, cùng với những nỗ lực của các cơ sở nuôi trồng thủy sản, dịch bệnh trên tôm đã giảm. Giá tôm tăng đã giúp người nuôi tôm có lãi. Nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng đang phát triển theo chiều hướng tích cực.
Sau nhiều năm làm ruộng, chuyển đổi một số cây trồng không hiệu quả, anh Phạm Văn Muôn (nông dân khóm Bình Đức 2, phường Bình Đức, TP. Long Xuyên, An Giang) mạnh dạn đầu tư nuôi bò sữa, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.