Đắk Nông Đã Khống Chế Được Dịch Cúm, Lở Mồm Long Móng Trên Vật Nuôi

Theo ông Đoàn Văn Đáp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì nhờ tập trung triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nên từ ngày 26 - 31/12, toàn tỉnh Đắk Nông không còn trâu, bò, gia cầm mới mắc bệnh. Về cơ bản, ngành chức năng và các địa phương đã khống chế được các loại dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Được biết, trước đó, đầu tháng 12/2014, qua kiểm tra và tiếp nhận thông báo của các hộ chăn nuôi, các địa phương trong tỉnh đã xảy ra hai loại dịch bệnh nguy hiểm là cúm gia cầm và lở mồm long móng (LMLM) ở gia súc.
Cụ thể, ngày 1/12, nhận được tin báo tại hộ ông Lê Văn Khanh thôn 2, xã Quảng Trực (Tuy Đức) có đàn gia cầm chết không rõ nguyên nhân, Chi cục Thú y đã cử cán bộ đến kiểm tra, xác minh. Kết quả, hộ này đã mua 50 con vịt của người bán rong không có nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch nên phát bệnh và lây lan sang đàn vật nuôi của gia đình làm 680 con vịt, gà mắc bệnh; hậu quả có 610 con bị chết.
Theo đó, Chi cục Thú y đã tiến hành lấy 3 mẫu bệnh phẩm gửi tới Cơ quan Thú y vùng V xét nghiệm, xác định 3 mẫu bệnh phẩm này đều dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N6. Nhằm hạn chế dịch lây lan, việc tiêu hủy toàn bộ số gia cầm mắc bệnh, chết của hộ dân trên, tiêu độc khử trùng vùng phát dịch và xung quanh cũng đã được cán bộ thú y tiến hành nghiêm túc, khoa học. Chính vì thế, đến cuối tháng 12, dịch đã được khống chế hoàn toàn, không lay lan sang các hộ khác trong vùng.
Còn đối với dịch LMLM trên đàn gia súc, tính đến ngày 25/12, toàn tỉnh đã có 106 con trâu, bò mắc bệnh, trong đó huyện Đắk Glong có 43 con tại 7/7 xã, Tuy Đức có 63 con tại 3/6 xã. Ngành chức năng, các địa phương đã yêu cầu các hộ chăn nuôi có gia súc mắc bệnh không được chăn thả, vận chuyển ra khỏi khu vực có dịch, thực hiện tiêu độc khử trùng tại vùng có dịch và vùng nguy cơ.
Đồng thời, bằng nguồn ngân sách của tỉnh trên 1,5 tỷ đồng, toàn bộ đàn trâu bò của hai huyện trên cũng đã và đang được tiêm phòng vắc xin LMLM tuýp 0 và A. Đến nay, lực lượng chức năng đã tiêm được hơn 2.830 liều; trong đó Đắk Glong: 1.612 liều, Tuy Đức: 1.218 liều.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã kiện toàn 6 chốt kiểm dịch động vật tại các cửa ngõ ra vào hai huyện Đắk Glong và Tuy Đức. Tại các chốt kiểm dịch, các lực lượng công an, thú y, dân quân tự vệ… tổ chức túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn không để gia súc, sản phẩm gia súc ra, vào vùng dịch, tổ chức phun khử trùng các phương tiện vận chuyển ra, vào vùng dịch.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thị xã chưa có dịch phải kiện toàn và duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật; chủ động thu thập thông tin, kiểm tra, giám sát để phát hiện sớm các ổ dịch bệnh xảy ra trên địa bàn các xã, phường; tổ chức tiêm phòng triệt để số gia súc trong diện tiêm phòng; phát động tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường toàn bộ các vùng chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; thành lập các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng dịch tại địa bàn xã, phường; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tình hình giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc và các sản phẩm gia súc để ngăn chặn việc vận chuyển, giết mổ, mua bán trái phép… Vì thế, đến nay, dịch LMLM trên địa bàn tỉnh đã được khống chế, không để lây lan ra diện rộng.
Có thể bạn quan tâm

Đúc kết kinh nghiệm mô hình cho thấy, ngoài việc trồng rau màu các loại, anh Giáo còn tận dụng đất theo bờ kênh trồng cỏ VA06 và kết hợp với phụ phẩm trồng trọt để nuôi thêm 3 con bò vỗ béo; sau 12 tháng bán được 60 triệu đồng, lợi nhuận được 50%.

UBND tỉnh Bắc Giang vừa phê duyệt dự án thí điểm chuỗi liên kết “chăn nuôi - thu mua - tiêu thụ” gà đồi Yên Thế, kinh phí hỗ trợ 500 triệu đồng trích từ nguồn ngân sách tỉnh.

Là người nhanh nhạy biết nắm bắt nhu cầu thị trường, anh Trần Văn Biên ở tổ dân phố 8, thị trấn Ea Tlinh, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông đã mạnh dạn đầu tư mở trại gà giống và lấy tên là Trại gà giống Phúc Thành.

Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, nguồn nước tự nhiên ngày càng ô nhiễm, cộng với những bất ổn nội tại, nên cần phải thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ, để mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến tiếp tục phát triển bền vững.

Hiện chính quyền địa phương khuyến cáo bà con nên phá bỏ diện tích bị nhiễm bệnh nặng để tránh lây lan và chuyển sang đầu tư cây trồng khác như đậu, ngô, bắp để loại trừ mầm bệnh. Đặc biệt, không cho bà con lấy mía ở những vùng bị bệnh về làm hom giống.