Vì Sao Gia Súc Vẫn Chết Rét Nhiều
Trong mấy ngày rét đậm, rét hại vừa qua, những ai có dịp lên các xã vùng cao của huyện Sa Pa và Bát Xát (Lào Cai) đều cảm thấy xót xa khi chứng kiến cảnh người dân mổ thịt gia súc bị chết rét bán bên cạnh các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Câu hỏi đặt ra, vì sao các cấp, các ngành tích cực vào cuộc vận động nhân dân phòng, chống rét cho gia súc, nhưng vẫn xảy ra tình trạng gia súc chết nhiều.
Theo thông tin từ các huyện vùng cao, kể từ đầu đợt rét đậm, rét hại năm 2014 đến ngày 20/2, hai huyện Sa Pa và Bát Xát đã có 264 con trâu, bò bị chết rét. Trong đó, huyện Sa Pa là địa phương có số lượng gia súc chết rét nhiều nhất là 180 con, huyện Bát Xát là 84 con. Các huyện: Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương chưa có số liệu thống kê. Như vậy, tổng số gia súc bị chết rét của cả tỉnh cuối năm 2013, đầu năm 2014 đã lên tới gần 800 con.
Được biết, số gia súc bị chết rét lần này chủ yếu là trâu, bò già và nghé non có sức đề kháng yếu, nếu thời tiết tiếp tục rét đậm, rét hại kéo dài nữa thì sẽ có thêm nhiều gia súc chết vì kiệt sức. Tuy nhiên, qua đi khảo sát ở một số xã vùng cao của hai địa phương này, phóng viên thấy, gia súc bị chết rét nhiều vẫn là do sự chủ quan, lơ là của người dân và cả phía chính quyền các địa phương.
Trời rét dưới 00C, nhưng trâu vẫn được thả rông ở Sa Pa.
Đến xã Trung Chải, một trong những địa phương có số gia súc bị chết rét nhiều của huyện Sa Pa, chúng tôi thấy chỉ có trẻ em là vui bởi những ngày này chúng thỏa thích được ăn thịt trâu, thịt bò, còn người lớn thì buồn rầu và lo lắng vì mất đi “đầu cơ nghiệp”, rồi đây lấy đâu ra sức kéo để làm đất sản xuất mùa vụ.
Ông Ma A Su, thôn Móng Sến, xã Trung Chải (Sa Pa) đang loay hoay cho thịt trâu bị chết rét vừa mổ vào bao để chở ra TP. Lào Cai bán, giọng buồn rầu kể: Gia đình có một con nghé 2 tuổi và một con trâu dùng để phục vụ sức kéo cho gia đình. Trong đợt rét này, ông không thả trâu vào rừng mà nhốt tại nhà, nhưng do nhiệt độ xuống thấp nên trâu bị chết rét. Bình thường con trâu này phải hơn 20 triệu đồng, vì chết rét nên mổ ra chắc chỉ bán được 7 triệu đồng. Khổ nhất là sắp bước vào làm đất cấy vụ xuân rồi tôi biết tính sao. Có lẽ đành nhờ anh em trong họ cày xong thì mượn trâu để cày - ông Su nói.
Dọc Quốc lộ 4E hàng chục điểm bán thịt trâu chết rét mọc lên mấy ngày qua.
Đợt rét cuối năm 2013, xã Trung Chải đã chết 30 con trâu và trong đợt rét này lại có thêm 15 con trâu bị chết rét. Trâu chết rét nhiều chắc chắn sẽ làm thiếu hụt sức kéo, gây ảnh hưởng đến sản xuất vụ xuân 2014.
Đúng ngày tuyết rơi (19/2), đến một số xã vùng thượng huyện Sa Pa, chúng tôi thấy nhiều hộ nông dân vẫn đi tìm trâu trong rừng để lùa về chống rét, dọc Quốc lộ 4E từ Sa Pa đi Lai Châu, chúng tôi vẫn bắt gặp cảnh gia súc thả rông đang trong tình trạng kiệt sức và có nguy cơ chết rét. Đang cùng mấy người lùa gần chục con trâu từ trong rừng về nhà tránh rét, ông Vàng A Sủ, thôn Sín Chải, xã San Sả Hồ, cho biết: Từ sau Tết Nguyên đán, nghĩ là trời sẽ không còn rét, gia đình và một số hộ trong thôn đã để trâu lên rừng, nhưng mấy hôm nay, trời bất ngờ rét đậm, khi có mưa tuyết mọi người vội vàng đi tìm trâu đưa đi tránh rét. Rất may chưa có con nào bị chết rét cả - ông Sủ nói.
Trâu của gia đình ông Sủ không bị chết rét chỉ là số ít, vì mấy ngày nay, nhiều hộ dân trong xã San Sả Hồ khi tìm thấy trâu thì chúng đã chết trong rừng. Chính vì sự chủ quan, chưa có ý thức bảo vệ đàn gia súc của nhiều hộ dân xã San Sả Hồ, nên hiện xã này đang dẫn đầu huyện Sa Pa về số gia súc bị chết rét hơn 40 con.
Mặc dù những năm qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã rất tích cực trong việc tổ chức phòng, chống rét cho gia súc, hầu hết các hộ dân đã có chuồng trại để nhốt gia súc. Song thực tế cho thấy, chuồng trại của các hộ dân cơ bản mới chỉ đảm bảo việc che mưa mà không chống được lạnh rét. Một nguyên nhân khác khiến tình trạng gia súc chết rét nhiều ở các địa phương vùng cao, như Sa Pa, Bát Xát đó là tập quán thả rông gia súc trên rừng, sự chủ quan, lơ là trong việc chống đói, rét cho gia súc của cả người dân và chính quyền địa phương.
Khi tuyết phủ trắng núi rừng, nhiều gia đình ở xã San Sả Hồ mới đi tìm trâu trên rừng đưa về vùng thấp tránh rét.
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã triển khai hàng loạt mô hình phòng, chống rét cho đàn gia súc trong mùa đông; các mô hình dự trữ rơm, cỏ khô, trồng cỏ chăn nuôi được triển khai, tỉnh còn hỗ trợ các hộ dân kinh phí làm chuồng nuôi nhốt gia súc. Thế nhưng nhiều hộ dân vẫn coi nhẹ việc chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc của chính gia đình mình, vẫn thả rông gia súc tự kiếm ăn trên rừng, phó mặc cho thiên nhiên.
Trước các đợt rét đậm, rét hại, UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo quyết liệt các huyện, thành phố trên địa bàn, yêu cầu chống rét cho gia súc. Tuy nhiên, trước những con số khá lớn về số lượng gia súc chết rét trong những ngày qua khiến chính quyền, ngành chức năng các địa phương đang rất bối rối khi tìm biện pháp khắc phục, nhưng xem ra đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm vì số gia súc chết rét vẫn tăng lên từng ngày.
Nhiều hộ dân vẫn chú ý chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc.
Hơn lúc nào hết, các địa phương cần quyết liệt tăng cường công tác tuyên truyền chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc đến từng hộ dân, từng thôn bản. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào mà chính quyền địa phương chủ động, quyết liệt chỉ đạo, tuyên truyền vận động để nâng cao ý thức cho người dân trong việc bảo vệ đàn gia súc thì sẽ giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến nhưng xuất khẩu điều cả nước trong 7 tháng đầu năm 2014 vẫn đạt 158 nghìn tấn với kim ngạch 1,02 tỷ USD; tăng 15,7% về khối lượng và tăng 17,5% về giá trị so cùng kỳ 2013.
Nuôi trồng thuỷ hải sản là một trong những thế mạnh nổi bật của Móng Cái (Quảng Ninh) có đóng góp ngày càng lớn vào GDP thành phố. Đồng thời góp phần cải thiện đời sống ngư dân và nhiều hộ dân đã làm giàu từ nghề này.
Những năm trước đây, thu nhập của người dân xã Giao Thịnh (Giao Thủy - Nam Định) chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, ngoài trồng lúa, xã còn một số diện tích trồng cói, trồng màu. Vì vậy, đời sống người dân ở đây còn gặp nhiều khó khăn do thu nhập thấp.
Dù chưa được nhiều người biết đến nhưng chùm ngây hứa hẹn sẽ là loại cây hữu ích trong tương lai bởi giá trị dinh dưỡng dồi dào và khả năng bảo vệ sức khỏe con người.
Nhờ áp dụng các biện pháp thâm canh, chủ động phòng trừ sâu bệnh gây hại nên năng suất lúa tại các CĐML đạt bình quân từ 75-80 tạ/ha. Lợi nhuận từ sản xuất lúa tại CĐML đạt 43 triệu đồng/ha/vụ; cao hơn ruộng đối chứng ngoài mô hình gần 18 triệu đồng/ha/vụ.