Vị ngọt trái cây đầu mùa
Ghi nhận tại các chợ, đa phần trái cây bắt đầu “đổ” về với số lượng lớn từ khoảng một tuần nay. Mỗi quầy bán trái cây đã có hàng chục loại, trong đó nhiều nhất là xoài, dâu, sầu riêng, mãng cầu xiêm... Lượng tiêu thụ khá cao, không chỉ có tiểu thương mà cả nhà vườn đều hồ hởi. Do đang là đầu mùa, nguồn cung còn yếu cho nên giá cả của các loại trái cây còn khá cao.
Theo các tiểu thương, người dân tiêu thụ mạnh là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng mặt hàng này để “giải nhiệt” tăng cao. Chôm chôm được bán với giá 20.000-25.000 đồng/kg, cao hơn bình thường khá nhiều; thanh long ruột đỏ cũng bán với giá trên 20.000 đồng/kg; giá sầu riêng vào vụ bán ra tại các chợ hay sạp trái cây đã giảm gần 40%. Chủ vựa trái cây Đức Hiền, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho biết: “Vào lúc này, sầu riêng đang cao điểm. Sầu riêng giống Ri6, vựa thu vào giá 28.000 đồng/kg.
Còn tại vườn thương lái đến mua rẻ hơn, khoảng 22.000-24.000 đồng/kg. Trong khi đó, sầu riêng cơm vàng hạt lép, sầu riêng khổ qua hiện còn 15.000-17.000 đồng/kg”. Khi về các đầu mối tiêu thụ, giá các loại trái cây đã được đẩy lên gấp đôi, mức chênh lệch khá cao so với mua tại vườn.
Cũng theo nhiều nông dân, năm nay nắng nóng kéo dài nên một số loại trái cây như nhãn, măng cụt vào mùa chậm hơn nhưng bù lại các loại trái cây như dâu, sầu riêng bán được giá cao so với cùng kỳ các năm trước. Đang thu hoạch sầu riêng, ông Lê Minh Tiến, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Mấy năm nay giá sầu riêng ổn định chứ không sụt. Nhà tôi trồng sầu riêng khổ qua, bị ảnh hưởng thời tiết thất thường ngay thời điểm trổ bông mà không phát hiện, vì vậy thu hoạch trái không đẹp. Tuy nhiên, giá cả như hiện tại vẫn đảm bảo lợi nhuận cho người trồng. So với năm ngoái thì giá vẫn còn cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg. Nhà vườn có lời trên 100 triệu đồng/ha”.
Ông Nguyễn Văn Gừng, ngụ cùng xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho biết: “Người sản xuất chủ động được mùa vụ rõ ràng có lợi thế nhiều hơn vì họ đón đầu được giá thị trường và cân bằng được giá thành sản xuất. Điều đó chứng tỏ rằng khi nhà nông bỏ công chăm sóc, mẫu mã sản phẩm ngày càng đẹp, chất lượng đồng đều, tạo dựng được thương hiệu thì sẽ ít lo đến bài toán được mùa rớt giá”.
Cũng tại huyện Châu Thành A, nhiều nhà vườn trồng dâu đang tất bât vào vụ thu hoạch. Ông Trần Văn Đô, ở ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, chia sẻ: “Dâu xanh bán tại vườn có giá khoảng 7.000-9.000 đồng/kg. Giá này vẫn ở mức trung bình nhưng tôi rất mừng vì so với năm trước đã cao gần gấp đôi. Dù năng suất không đạt nhưng đổi lại giá cả tốt nên bà con vẫn còn lời nhiều. Mấy năm qua dâu rộ mùa, nhà vườn kêu thương lái đến năn nỉ bán 2.000 đồng/kg mà họ còn làm khó”.
Ước tính của ông Đô, vụ dâu này có thể cho lãi 6-7 triệu đồng/công. Nếu giá giữ ổn định trong khoảng nửa tháng tới thì nhiều nhà vườn trồng dâu khác sẽ khấm khá hơn. Tuy nhiên, dù trúng giá nhưng ông Đô vẫn không vui, khi trái dâu vẫn còn nằm trong “vòng nguy hiểm” như bao loại trái cây khác thường gặp là được mùa rớt giá.
Nỗi lo lớn nhất của người nông dân này vẫn là vấn đề giá bán vì thị trường năm nay khó “dò” hơn mọi năm. “Vườn dâu của tôi chỉ mới bước vào đầu vụ giá còn cao. Vài hôm nữa vào vụ thu hoạch nếu giá giảm như năm trước thì tiền lời chẳng còn bao nhiêu. Hy vọng năm nay giá cả trái cây ổn định, dễ mua bán hơn năm ngoái”, ông Đô nói. Đây là kinh nghiệm mà rất nhiều nông dân đã trải qua mỗi khi vào chính vụ. Nhiều người vẫn không khỏi lo lắng năm nay trái cây có tiếp tục rớt giá hay không?
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, với việc thu hút một số gia đình cùng thực hiện các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung theo phương thức thu hồi tái đầu tư đang là hướng đi mới ở xã Phương Thiện (TPHG). Từ những hiệu quả bước đầu đã góp phần thay đổi từ nhận thức đến cách làm của người nông dân nơi đây.
Theo phản ánh của người dân trồng mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, những ngày gần đây, thương lái mua mía cho rằng các nhà máy đường sẽ tiếp tục giảm giá thu mua mía thêm 30 đồng/kg và áp dụng trong vài ngày tới. Thông tin này làm cho nhiều nông dân chưa bán mía vô cùng lo lắng, bởi giá mía hiện nay đã thấp (dao động từ 680-720 đồng/kg), nếu nhà máy đường tiếp tục hạ giá thì nông dân càng lỗ nặng hơn.
Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng, cho biết kinh tế vườn đang trở thành lĩnh vực mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội của xã nông thôn mới Bạch Đằng. Nhờ bưởi Bạch Đằng được công nhận sản phẩm thương hiệu tập thể nên có đầu ra ổn định. Hiện bưởi Bạch Đằng không đủ cung ứng theo đơn đặt hàng của các đối tác.
Kinh tế xanh được xem là một trong những phương thức nhằm xóa đói giảm nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống lâu dài. Đây là mục tiêu hướng tới trong chiến lược tăng trưởng kinh tế của đất nước, kể cả vùng trọng điểm nông nghiệp của quốc gia như ĐBSCL.
Về nhiệm vụ triển khai niên vụ cà phê 2014 – 2015, UBND tỉnh vẫn giữ quan điểm không tăng diện tích cà phê ngoài quy hoạch, tập trung thâm canh, tái canh nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Trong niên vụ tới, diện tích cà phê toàn tỉnh dự kiến đạt 203.000 ha, trong đó diện tích cà phê kinh doanh là 191.000 ha, năng suất bình quân 2,4 tấn/ha, tổng sản lượng cà phê nhân khô dự kiến đạt 450.000 tấn.