Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Về vùng quê xem người dân kiếm tiền tiền tỷ từ việc buôn cau

Về vùng quê xem người dân kiếm tiền tiền tỷ từ việc buôn cau
Ngày đăng: 29/09/2015

Những thăng trầm và cơ duyên với quả cau đã khiến họ đổi đời. Mỗi vụ cau kéo dài từ tháng 8 âm lịch cho đến tháng 4 âm lịch năm sau, dường như đó là thông tục của giới cau. Ở đây, cây cau là cây trồng chính trong vườn mỗi gia đình.

Buồn vui cùng quả cau

Tích trầu cau có từ trong ca dao, tục ngữ, đến các nét văn hóa của các vùng miền, gần đây còn phát hiện dấu tích trong cả các ngôi mộ cổ xưa có niên đại lên đến cả nghìn năm lịch sử. Tọa dưới những tán lá, tôi mới thấy những câu hát thật ý nghĩa:

"Hương cau thoang thoảng tình quê/ ai qua nơi ấy sẽ mê không về/ em têm cánh phượng họ trai/ em về bên họ gái/ miếng trầu thơm thắm đượm tình em…".

Miếng trầu bà cụ 80 tuổi nhai tóp tép mới thấy ngon làm sao, bà nhai lúc buồn lúc vui, ngày đông giá rét.

Nhai trầu còn là một cách nhuộm răng tự nhiên giữ cho răng chắc chắn không bao giờ bị sâu và nhức răng, một màu đen bóng. Mỗi ngày vài ba miếng thành quen, những thói quen dường như không bao giờ mất đi như một nét văn hóa từ bao đời nay ở nơi đây.

"Miếng trầu là đầu câu chuyện", buồng cau không thể vắng mặt trong ngày cưới.

Buồng cau ấy phải là buồng cau có lượng quả vừa đủ gần trăm quả, sọ quả phải to tròn, xanh và còn non, râu tóc phải đẹp. Bên cạnh đó còn phải có cơi trầu têm cánh phượng dùng để mời khách trong ngày vui.

Quả cau lá trầu không thể thiếu vào những ngày tuần rằm, lễ tết đặt lên thắp hương ông bà tổ tiên.

Cuộc sống của người dân nơi đây rất đượm đà bình dị, họ thường quét sân nhà vào mỗi buổi sáng sớm, tiếng chổi mỗi buổi sáng loẹt quẹt khi con gà trống vừa rứt tiếng gáy.

Mỗi gia đình đều tự làm cho mình những chiếc chổi từ tầu cau già khi đã vàng úa rồi rơi xuống. Họ tước phần lá như màng chân vịt đi còn để lại phần cọng lá sau đó phơi khô, đủ được 7 - 8 cọng là buộc thành một cái giễ, cái giễ tránh để bị ướt thì có thể sử dụng để quét được đến hai tháng.

Cái quạt mo được làm từ phần mo bảo vệ chiếc bẹ cau khi đã tách khỏi cây, được gấp đôi và đè ép xuống đem phơi nắng khi khô thì cắt thành hai mảnh; một chiếc mo có thể làm được hai cái quạt mo. Ít ai biết tích "cái quạt mo của thằng bờm" ở đây mà ra.

"Cau già bằng bà lim", ý nói độ chắc độ bền và dẻo dai của thân cây khi cây cao đã lên lão làng. Có cây sống đến 60 năm vẫn cho quả đẹp.

Sau những năm tháng dãi dầu mưa nắng, khi đã đạt đến viên mãn phần thân cau già được sử dụng làm giát giường, cây hoành, cây rui mái nhà hay những vật dụng khác...

"Được mùa lúa úa mùa cau, được mùa cau đau mùa lúa", ở đây họ ví cây cau như cây lương thực không thể thiếu trong đời sống, đó là sự sống của họ.

Những năm được mùa thì cau rẻ, mất mùa thì cau mới đắt.

Được mùa thì họ vui, nhưng khi cau rẻ chỉ từ 1-2 nghìn đồng/kg, họ tiếc không bán, cứ để vậy rồi buồn rầu nhìn những buồng cau vàng như bông lúa cứ từng ngày từng giờ trút quả xuống kín gốc...

Họ luôn nhắn nhủ rằng, người không phụ cau thì cau cũng không phụ người, năm đắt cũng như năm rẻ, họ luôn chăm sóc cho cây cau của mình như con đẻ.

Vì  thế mà cây cau luôn đứng vững vàng để cuối cùng những quả cau ngon đẹp được đưa đi khắp nơi.

Kiếm tiền tỷ từ nghề buôn cau

Trò chuyện với anh Đỗ Văn Nhủ (xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên), một trong những người kiếm được tiền tỷ từ vụ cau vừa qua, tôi như được hạnh phúc lây với thành quả mà anh đạt được. Anh kể, anh vào nghề cau từ khi còn rất trẻ. Bây giờ, anh đã ngoài 40 tuổi, nhưng chưa thấy lần nào cau đắt như năm vừa qua. T

heo chu kỳ ba năm nhuận thì có một lần cau đắt. Bắt đầu từ năm 1993, 2004 và 2014. Do nhiều yếu tố để diễn ra những mùa cau đắt đỏ này. Vụ cau vừa qua, anh bỏ ra hơn 200 triệu đồng, lãi cũng được non một tỷ.

Anh cười nói: "Được là được vậy, chứ gần chục năm nay chỉ làm đủ ăn chứ có tý lãi nào đâu, giờ được năm đắt đỏ, kiếm lại lời của mấy năm trước. Làm nghề không theo nghề thì biết làm gì bây giờ".

 Anh Nhủ bên đống cau vừa thu mua.

Có lần cau lên giá, anh bán một buồng cau được hơn 6 triệu đồng.

Như năm vừa qua, theo anh phán đoán, do thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều khiến cau không đậu quả, trong khi nhu cầu cau sấy để xuất sang Trung Quốc tăng mạnh, khiến thương lái mua vét hết lớp cau đầu đi để bán, tránh tình trạng mưa nhiều lại rụng hết, nên không thu được lãi lời gì từ mấy năm trước.

Lúc lớp cau đầu hết thì cũng là lúc đầu đông, nhu cầu trong nước tăng mạnh. Do quả cau tính ấm, các tỉnh miền Bắc ăn cau nhiều, cộng thêm mùa cưới nên cau đắt lên theo.

Gần về cuối năm, nhu cầu càng tăng mạnh. Vào mùa này, cau đẹp bán cũng phải tầm 30 nghìn đồng/quả, nếu đến tay người tiêu dùng phải 50-60 ngàn đồng/quả. Cau đắt cháy chợ vào những ngày tết, từ tháng mười âm lịch cho đến hết tháng ba là mùa của lễ hội, thắp hương cúng bái nhiều. Mỗi xe cau có thể mang về 40 đến 60 triệu đồng.

Nếu không mua vườn thì lúc đó lấy đâu ra cau mà bán, nên người dân nơi đây có câu "mua vàng còn dễ tìm hơn mua cau".

Anh Nhủ cho biết thêm, khi hình thành cái gọi là mua vườn hay mua cau bóc mầu (tức là mua cau theo sự thỏa thuận của hai bên giữa người mua và người bán lên giá với số lượng cau trong vườn của họ) thì kèo mua này được tính từ thời điểm mua đến hết tháng tư âm lịch. Trong thời gian ấy, chủ nhà phải có trách nhiệm trông coi cho người mua, không được bán cho người thứ hai.

Cau được đắt đỏ thì phải cho thêm, nếu cau rụng quá nhiều thì người bán phải bớt cho người mua một ít. Đa phần người dân chọn cách bán vườn chứ không bán lẻ từng đợt, tiền thu về một mối làm được nhiều việc khác.

Nếu mua vườn thì mình có lãi hơn nhiều so với mua lẻ. Anh Nhủ tâm sự: Lúc gần tết, cau đắt quá có nhà cũng xé cau của mình đi bán, khi hỏi đến thì họ bảo mất trộm, thôi thì mình cũng cứ ngậm đắng cho là vậy, còn cứ tranh luận là thiệt mình đủ đằng!

Nói về mấy năm trước, cau rẻ, thương lái Trung Quốc không ăn, nhu cầu trong nước không hết, cau để đỏ vứt đi hàng tấn, có buồng hàng chục cân.

Anh Nhủ cho hay: Làm nghề gì ăn nghề ấy thôi, mình trung thành với quả cau thì cơ duyên ấy sẽ cho cơ hội phất lên.

Vừa rồi, tôi cũng mua được mấy vườn rồi, khả năng năm nay cau lại đắt, bởi lẽ đầu mùa cau đã có giá 15 nghìn/kg, trong khi đó, năm ngoái có 2 ngàn đồng/kg

. Cách chọn cau đẹp và được giá nhất phải là cau mã Hòn Gai xanh mã mây, trong khi đó, mã cau Hà Nội xanh nõn chuối: nhất tóc, nhì cành, thứ ba là mã, thứ tư là quả. Kinh nghiệm trên đã theo anh hơn hai chục năm qua.

Với số lời kiếm được từ việc buôn cau vụ vừa rồi, năm nay anh Nhủ đã có một số tiền lớn để xây ngôi nhà mới.

Chia tay anh Nhủ, tôi lên gặp ông Đức, biệt hiệu "Đức coi". Ông là chủ chợ cau.

Ông chia sẻ, ông cũng từng buôn cau, nhưng khi thấy được tiềm năng của quả cau với diện tích ngày càng được mở rộng trồng khắp nơi, nên ông đã xin cấp phép xây chợ để phục vụ cho anh em cùng nghề ở xa gần có chỗ mua bán, tránh tình trạng ép giá, dọa nạt.

Kinh phí xây chợ rất tốn kém. May thay, vụ cau vừa qua, ông đã thu lại được số vốn đầu tư.

Với giá 15 nghìn đồng/đầu xe máy mua bán cau ở chợ, có những ngày giáp tết, có đến 500 - 600 chiếc xe máy, chưa kể ôtô, mỗi tối trừ tiền thuế và tiền lương cho 4 người trông xe, ông cũng thu được tiền triệu. Những ngày ấy mặt cau ở chợ có thể lên đến số tiền 4 - 5 tỷ. T

hương lái ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Giang… rồi thương lái ở đây mua buôn vào đến tận Thanh Hóa, Vinh - Nghệ An.

Nghề cau thành nghề "hot"

Dạo quanh mấy xã Gia Minh, Kênh Giang, Cao Nhân, Mỹ Đồng, Quảng Thanh, Chính Mỹ… của huyện Thủy Nguyên, nam giới trong độ tuổi lao động được biết làm rất nhiều nghề: như làm đúc, đi buôn sắt vụn, buôn hoa quả … Thế nhưng, khi đến mùa cau thì đây được lựa chọn là nghề hàng đầu, nghề "hot", cũng bởi từ cuối năm ngoái đến nay, buôn cau nhanh mà lãi lại nhiều.

"Cau ba mo" là tên gọi những người không mua vườn, mà đi mua lẻ. "Ba mo" là cụm từ chỉ ba thứ phụ thuộc và mỏng manh: vốn không to, ngày công không cao, giá cau lên xuống phụ thuộc vào chủ thu mua.

Khi được báo tin qua điện thoại là cân cau sấy, ngày hôm sau chủ thu mua cau có ngay một đội quân khoảng 20 người. Nhóm người này được cấp 1 triệu đồng/ngày, và họ phải chuẩn bị cho mình một xe thồ hàng chịu được từ 1-2 tạ, một con dao nhỏ, một cái tròng để trèo cau, một đôi cọc sắt để xiên cau vào đó. Giá cau đã được chủ cau bao trước, nếu mua được rẻ bao nhiêu là người đó được lãi nhiều. T

rung bình một đội như vậy, chủ cau thu mua được khoảng 1,5 tấn cau mỗi ngày, ăn chênh lệch từ 1 đến 2 giá. Với số lượng đó, chủ thu mua có thể lãi từ 2-4 triệu đồng/ngày.

Bắt chuyện được với anh Nhật, một người trong đoàn người đi "ba mo".

Anh cho biết, nếu may mắn và khéo ăn nói, mỗi ngày anh cũng mua được hơn tạ cau, trung bình lãi được một nửa số lượng ấy, tương đương khoảng 500-700 nghìn đồng.

May hơn nữa là được đến 1 triệu đồng/ngày, thế là tối về có thể trả tiền vốn lại cho chủ. Nói là vậy, nhưng cũng có ngày chỉ được 20 - 30kg chỉ đủ tiền xăng và tiền ăn đi đường. Đi xa lắm, toàn phải đi vào sâu tận trong Quảng Ninh, chứ quanh đây người ta biết giá nên rất khó mua.

Vườn cau đắt nhất

Nghe các đại gia đất cau thổi tai nhau có một vườn cau trị giá cả trăm triệu đồng, được coi là vườn cau đắt nhất đất cau. Tìm theo chỉ dẫn, tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Hiên (56 tuổi, ở thôn Đá Bạc, xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên). Trị giá vườn cau năm nay của ông bán được với giá 260 triệu đồng, đắt nhất từ trước tới nay; khuôn mặt ông nở nụ cười mãn nguyện.

Ông Hiên bên vườn cau "vàng" của mình.

Ông kể, diện tích vườn và ao của ông thầu đến gần 3 mẫu, một phần ba là ao, còn lại là vườn. Vườn của ông trồng đến 3/4 là cau.

Cây cao đến hơn chục mét, cây non mới được hơn một mét.

Cây cao tuổi nhất lên đến gần hai mươi năm, còn những cây non là mới ươm thêm để thế vào những cây bị hỏng.

Cả thảy số lượng gốc cau của ông lên đến cả ngàn cây, trong số đó chỉ có già nửa là đã có quả.

Kể từ năm 2003, vườn của ông mới bói vụ đầu tiên bán được gần chục triệu, năm hai bán được 15 triệu đồng, mỗi năm số lượng cây ra nhiều hơn và sai quả hơn. Qua từng ấy năm, giá cau cứ mỗi năm tăng thêm được một ít, như năm vừa qua, ông bán với giá 145 triệu.

Cau đắt người mua được lãi to nên các nhà vườn hô nhau bán với giá cao gấp vài lần năm trước nhưng vẫn có người mua, có khi không mua nhanh là người khác mua mất.

Các nhà buôn không ngần ngại bỏ ra một số tiền lớn vì họ có suy nghĩ rằng năm vừa qua, họ đã lãi với số tiền lớn nên họ không sợ. Vả lại, nếu không buôn cau thì họ biết làm gì với số tiền lớn ấy.

Nắm được tâm lý trên, nên ông Hiên đã đòi lên đến 350 triệu, nhưng vườn lớn này ít lái "tay to" dám mua, cuối cùng của cuộc ngã giá, ông chỉ bán được 260 triệu, nhưng vẫn đắt hơn năm trước 100 triệu đồng.

Ông chia sẻ thêm: "Điều hơn hẳn ở  vườn của tôi ở cái chất cau của vụ chiêm, cau xanh mã mây, tóc đẹp, quả tròn to hình trái đào, có quả cau ăn đến mười hai (bổ một quả cau được mười hai miếng để ăn trầu), chứ không phải vì số lượng cây cau.

Thế là tốt quá rồi, mình có cau nhưng mình không buôn cau thì mình bán cho người ta, mình được cấp một số vốn không nhỏ để làm ăn, trong một năm mình cũng lãi bằng người ta rồi. Mà trong khi đó, năm được mùa thì cau rẻ, năm mất mùa thì cau đắt; thôi mình cứ bán cho ăn chắc.

Cau là nguồn thu nhập chính trong gia đình".


Có thể bạn quan tâm

Cơ Hội Xuất Khẩu Gỗ Chế Biến Cơ Hội Xuất Khẩu Gỗ Chế Biến

Khác với nhiều mặt hàng nông - thủy sản phải lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về xuất khẩu sản phẩm và nhập khẩu nguyên liệu, ngành gỗ chế biến có thể nói đã “thoát Trung” khi cơ cấu thị trường xuất khẩu chủ lực, kể cả nhập khẩu gỗ nguyên liệu của mặt hàng này không có Trung Quốc.

24/06/2014
Kết Thúc Vụ Mì Năm 2013 - 2014 Nông Dân Và Nhà Máy Đều Có Lợi Kết Thúc Vụ Mì Năm 2013 - 2014 Nông Dân Và Nhà Máy Đều Có Lợi

Công ty cổ phần Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Ðịnh (BDSTAR) vừa kết thúc niên vụ sản xuất năm 2013-2014. Trong vụ này, năng suất mì toàn tỉnh Bình Định đạt mức khá cao (bình quân từ 25-30 tấn/ha), giá mua mì nguyên liệu ổn định nên nông dân lãi khá cao.

03/06/2014
Khai Thác Hiệu Quả Lợi Thế Biển Cho Nuôi Trồng Khai Thác Hiệu Quả Lợi Thế Biển Cho Nuôi Trồng

Phát huy lợi thế từ biển, người dân các tỉnh ven biển Kiên Giang, Cà Mau đã đẩy mạnh nuôi trồng thủy hải sản nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro…

24/06/2014
Cây Ca Cao Ở 3 Huyện Phía Nam, Thêm Một Bài Học Cây Ca Cao Ở 3 Huyện Phía Nam, Thêm Một Bài Học

Chuyến công tác về lại 3 huyện phía nam là Cát Tiên, Đạ Tẻh và Đạ Huoai (Lâm Đồng) trong những ngày đầu tháng 5 này, chúng tôi thêm một lần nữa chứng kiến cảnh dở khóc dở cười của nông dân về chuyện “trồng - phá, phá - trồng” cây ca cao.

03/06/2014
Cà Mau Nuôi Tôm Khép Kín Cà Mau Nuôi Tôm Khép Kín

Bà Lâm Kim Huệ, ở ấp Tấn Ngọc, xã Ngọc Chánh (Đầm Dơi, Cà Mau), nuôi tôm khép kín trong 4.000m2, vừa thu được 7 tấn tôm chân trắng. “Tôi nuôi tôm 4- 5 năm rồi nhưng chỉ thu được chừng 2 tấn với kích cỡ tôm 100 con/kg, giá bán thấp.

24/06/2014