Về Thăm Vương Quốc Cà Chua
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng tập quán trồng cà chua lâu đời, những năm trở lại đây, người dân Hải Hậu (Nam Định) đã coi cà chua là cây trồng mũi nhọn. Nhờ những cánh đồng cho thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm, Hải Hậu đã trở thành địa phương có sản lượng cà chua đứng đầu cả nước.
Trồng cà chua lãi gấp 10 lần trồng lúa
Hiện diện tích cà chua toàn huyện Hải Hậu lên tới 500ha. Ông Đỗ Văn Trình, người trồng cà chua lâu năm ở xóm 14, xã Hải Quang cho biết: “Vài năm trở lại đây, cà chua cho lãi cao. Với giá bán cao nhất từ 3.000 – 4.500 đồng/kg; tính ra 1 sào (360m2) cho thu nhập 5 triệu đồng, chưa kể những ngày giáp Tết được giá, có nhà thu hơn 10 triệu đồng/sào”. Cũng theo ông Trình, chưa khi nào cây cà chua lại trĩu quả, giá cao như vài năm gần đây, chất lượng quả cũng luôn đảm bảo.
Sở dĩ có thành công này là nhờ bà con đã lựa chọn được những loại giống tốt. Những giống cà chua đang được ưa chuộng tại đây là Savior của Công ty Syngenta, hoặc K002 của Công ty Bioseed Thăng Long... Đây là hai giống có khả năng chịu nhiệt cao, trồng được nhiều vụ trong năm, đặc biệt nếu trồng trái vụ, hiệu quả kinh tế cũng rất khả quan. Chất lượng quả đồng đều, màu sắc chín đỏ, ít hao hụt khi vận chuyển. Hai giống này còn có khả năng kháng bệnh vàng xoắn lá vi - rút cực mạnh.
Từ những hiệu quả trên mà hiện nay rất nhiều xã tại Hải Hậu đã đưa cà chua vào cơ cấu cây trồng chính. Tại Hải Tây, sản xuất vụ đông trên đất hai lúa đã đi vào tiềm thức của nông dân. Ðiều cuốn hút mọi người chính là nguồn thu lớn từ cà chua.
Nâng chất lượng và giá trị
Hiện nay, ngành nông nghiệp Nam Định đã tập trung chỉ đạo phát triển vụ đông theo hướng chất lượng và giá trị, với cơ cấu chủ yếu là các loại cây hàng hóa cho hiệu quả kinh tế cao. Diện tích các cây vụ đông của Nam Ðịnh trong những năm gần đây đạt khoảng 6.500ha, chiếm 35% tổng diện tích đất canh tác.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quý Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Hậu cho biết: “Chúng tôi khuyến khích bà con đưa các cây trồng cho lợi nhuận cao vào sản xuất, đặc biệt cà chua và dưa chuột bao tử cho thu nhập ổn định từ 30 - 50 triệu đồng/ha”.
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, trên cơ sở hai vụ lúa ăn chắc, nếu tập trung phát triển cây vụ đông sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Vì vậy, tỉnh đã phát triển diện tích cà chua đông thành vùng nguyên liệu hàng hóa với diện tích hằng năm lên tới 1.000ha, cung cấp cho nhiều nhà máy, công ty lớn và hệ thống siêu thị bán lẻ trong cả nước.
Theo tính toán, năng suất trung bình của cà chua đông trên đồng đất Nam Ðịnh đạt 40 tấn/ha, tổng giá trị thu nhập là 80 triệu đồng/ha, trong khi chi phí khoảng 22 triệu đồng. Ngoài cà chua đông, cây bí xanh đá trong những năm gần đây cũng lên ngôi. Chi phí sản xuất thấp (tiền giống và vật tư từ 8 - 10 triệu đồng/ha), trong khi tổng giá trị thu nhập luôn đạt ngưỡng 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Nam Định cũng đang đầu tư phát triển mạnh nhóm cây rau, quả truyền thống để tiêu thụ trong nước với diện tích khoảng 5.000ha, gồm các cây chủ lực như khoai tây (diện tích từ 3.500 - 4.000 ha), bí xanh (1.200 - 1.300 ha). Lợi nhuận từ sản xuất hai loại cây trồng chính này rất cao, bí xanh đạt 30 - 40 triệu đồng/ha, khoai tây 20 - 30 triệu đồng/ha.
Có thể bạn quan tâm
Dùng phân đa yếu tố NPK Văn Điển sử dụng trên ruộng rau, sự khác biệt là cây mọc chậm nhưng xanh bền, củ cải mập, nhẵn bóng và ăn ngon hơn.
Trung tâm sẽ do Công ty TNHH Bayer Việt Nam phối hợp cùng Viện Lúa ĐBSCL xây dựng, phát triển với mục đích nâng cao kiến thức xử lý hạt giống cũng như giới thiệu và ứng dụng công nghệ xử lý giống hiện đại vào thị trường Việt Nam.
Vừa qua, 20 cá thể trai tai tượng khổng lồ (ngư dân gọi là sò tượng) trên một tàu cá của ngư dân xã Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) vừa ngoài khơi về cập bến đã bị Bộ đội Biên phòng bắt và tạm giữ. Lý do mà cơ quan chức năng viện dẫn để thực thi nhiệm vụ là, việc khai thác trên của ngư dân là hoàn toàn trái với pháp luật của Việt Nam và quốc tế.
Niên vụ 2014-2015, KCP sẽ miễn lãi suất đầu tư giống, phân bón, trang thiết bị nông nghiệp vùng mía; đầu tư tiền mặt cho nông dân với lãi suất 0,85%/tháng; hỗ trợ 3.100 đồng/tấn mía để nâng cấp giao thông nội đồng.
Ngày 14-3, các xã nuôi tôm trọng điểm ven Đầm Nại huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) đồng loạt ra quân triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng” kênh mương nuôi trồng thủy sản.